(baovenentang.org.vn). Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống và có tới hơn 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những bản làng xa xôi, khó khăn, nơi nhận thức của đồng bào còn bị trói buộc bởi đói nghèo và lạc hậu đã và đang trở thành mục tiêu các tổ chức bất hợp pháp, thế lực thù địch lợi dụng gieo rắc thông tin nhảm nhí, luận điệu xuyên tạc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay.

Chuyện ở những bản nghèo

Bản Khao xa xôi, còn nhiều khó khăn  nép mình bên những sườn đồi ở xã Điện Quan, huyện Bảo Yên. Những ngôi nhà thưa thớt, thấp bóng sau rặng cây và sự vắng lặng vì dân cư sinh sống rải rác phần nào cho thấy cuộc sống còn nhiều gian khó, nhọc nhằn của bà con chốn này. Dù vậy, cuộc sống ở Bản Khao với 97% dân số là đồng bào dân tộc Mông trước giờ vốn luôn yên ổn cho đến một ngày hộ gia đình ông V.S.S và ông V.S.V (hai anh em ruột lấy hai chị em ruột) trong thôn có những biểu hiện khác lạ.

Đồng bào Mông vốn có tính cố kết cộng đồng cao, nên trong bất cứ công việc riêng, chung của gia đình, dòng họ, thôn, xã, các hộ đều tham gia, vậy nhưng giờ đây, hai gia đình trên có biểu hiện tách biệt với bên ngoài. Trưởng bản Sùng Seo Phổng bảo: “Trước đây, những khi vào ngày mùa, bà con người Mông đổi công giúp nhau cấy hái, nhưng hai hộ ấy giờ không cần ai giúp, cũng không đến giúp ai. Đám cưới, đám tang của người thân, người quen cũng không có mặt vì phải kiêng. Cán bộ xã, thôn đến tuyên truyền, vận động, nhưng hai hộ nói trên vẫn khăng khăng điều mình làm là đúng, thậm chí còn gây căng thẳng với cán bộ”.

Trước đây, hai hộ V.S.S và V.S.V đều là tín đồ theo đạo Tin lành và tham gia sinh hoạt tại điểm nhóm bản Khao A. Mọi sinh hoạt, hoạt động tôn giáo của các thành viên trong hai gia đình diễn ra bình thường như các hộ đồng bào Mông khác cho đến giữa tháng 11/2022 thì một số thành viên bỏ sinh hoạt chung để tự tổ chức sinh hoạt riêng tại nhà. Ngay khi nắm được thông tin, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc, qua nắm tình hình và biết được một số thành viên của hai hộ trên thông qua các video trên Youtube biết đến tổ chức “Bà cô Dợ”, kể từ đó, những thay đổi tạo thành xáo trộn đã xuất hiện trong cuộc sống của hai hộ, gồm một hộ nghèo và một hộ cận nghèo.

Những thông tin nhảm nhí, mê muội của tổ chức “Bà cô Dợ” đã gieo vào suy nghĩ của một số thành viên trong gia đình ông S, ông V, khiến họ u mê tin rằng tổ chức “Bà cô Dợ” mới “là đúng, là thật, là trực tiếp với Chúa”; “Chủ nhật là ngày không phải đi đâu, làm gì…”. Anh V.S.C, con trai ông S bất lực bảo: “Đi theo cái đạo này (tổ chức “Bà cô Dợ”- PV) có được cái gì đâu. Con cái, anh em nói, khuyên bảo bố mẹ tôi nhiều lần nhưng không thành”.

Theo các tài liệu của cơ quan chức năng, tổ chức “Bà cô Dợ” (hay còn gọi là Hội Thánh Đức chúa trời yêu thương chúng ta) do Vừ Thị Dợ, sinh năm 1978, dân tộc Mông, sinh sống ở thành phố Milvvaukee, bang Wilcosin nước Mỹ thành lập và làm Hội trưởng cuối năm 2016.

Tổ chức “Bà cô Dợ” không có hiến chương, điều lệ rõ ràng mà chỉ cóp nhặt, trích dẫn, xuyên tạc Kinh thánh để sinh hoạt và truyền đạo trái phép; sử dụng các bài hát về Chúa nhưng được “cải biên”, “chế” lại để sử dụng trong sinh hoạt. Vừ Thị Dợ phủ nhận Chúa Giê Su, thêu dệt câu chuyện nhảm nhí, thần thánh hóa bản thân và con trai mình, trong đó có việc cho rằng con trai út là “Chúa Giê Su tái thế”, sẽ cai trị người Mông trong 1.000 năm tới. Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức “Bà cô Dợ” mang sắc màu ly khai, nhằm kích động, tập hợp, phát triển lực lượng để thành lập “Nhà nước Mông”. Theo các quy định pháp luật Việt Nam, “Bà Cô Dợ” không phải là một tôn giáo. Hiện nay, tổ chức này đang nhen nhóm phát triển tín đồ ở một số  địa bàn thuộc huyện Bảo Yên, Bắc Hà.

Ngược về thời gian trước, “đạo Vàng Chứ” từng một thời lôi kéo đồng bào Mông ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai… di cư tự do thông qua việc vẽ ra viễn tưởng về một cuộc sống an nhàn mà không cần lao động, chỉ cần đi theo đạo và cầu nguyện. Năm 2011, trong câu chuyện liên quan đến vụ việc tuyên truyền thành lập nhà nước Mông tự trị xảy tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tại Lào Cai, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng xấu, phản động đã tuyên truyền kích động, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện như Sa Pa, Bảo Thắng, Bát Xát, Bắc Hà đi sang Điện Biên tham gia vào hoạt động sai trái, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong vùng dân tộc thiểu số.

Năm 2017, kẻ xấu tung tin bịa đặt về “truyền thuyết con rùa” ở một số xã của huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương với ý định dẫn dắt người dân tin vào một thế lực thần bí, không đi lao động, sản xuất mà vẫn có cuộc sống no đủ, được các thế lực siêu nhiên che chở, phù hộ. Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình một thời làm xáo trộn bản Mo 3, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, khiến cuộc sống của bà con vốn khó khăn lại càng thêm tăm tối khi tin vào những luận điệu bịp bợm “không làm cũng có ăn”, “không học cũng biết chữ”, “ốm đau tự khỏi bệnh”…

Những câu chuyện trên phần nào cho thấy hoạt động tôn giáo trái phép đã và đang thâm nhập vào địa bàn, lợi dụng nhận thức còn hạn chế của đồng bào dân tộc sinh sống ở những thôn, bản xa xôi, đặc biệt khó khăn của Lào Cai để dụ dỗ, lôi kéo bà con đi theo những giáo lý viển vông, trái với đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Khó khăn, thách thức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo đồng chí Vũ Trọng Khuynh, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Lào Cai, hoạt động tuyên truyền lợi dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo trái phép do các tổ chức bất hợp pháp, thế lực thù địch thực hiện diễn ra trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng phức tạp, tinh vi. Điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phần lớn thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn, hạn chế trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và niềm tin dễ lung lay để tiến hành tuyên truyền những thông tin, luận điệu nhảm nhí, đi ngược với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, việc tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa là nhiệm vụ khó khăn, vừa là yêu cầu cấp thiết.

Trên thực tế, những hoạt động mang màu sắc tâm linh, tôn giáo trái phép thường có luận điệu xuyên tạc, sắc màu ly khai chủ yếu xảy ra trong cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống ở những thôn, bản xa xôi, nhận thức của bà con vẫn còn bị trói buộc bởi nghèo khó và lạc hậu. Đơn cử như câu chuyện đau lòng xảy ra ở bản Mo 3, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên năm 2018 khi một đứa trẻ mới chỉ 2 tuổi bị giết hại bởi người thân có liên quan trực tiếp đến tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Tà đạo khiến kẻ thủ ác u mê khi tin rằng, với việc  cướp đi sinh mạng của đứa trẻ khi chết đi y sẽ được lên thiên đường.

Đồng chí Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của huyện Bảo Yên cho biết, huyện có 17 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 8 xã đặc biệt khó khăn, với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống. Tại những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi mà hoạt động tôn giáo trái phép đã và đang xảy ra chủ yếu là địa bàn xa trung tâm, khó khăn về kinh tế và lạc hậu trong nhận thức, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, khiến hoạt động tuyên truyền của cấp ủy và hệ thống chính trị gặp nhiều rào cản. Thêm vào đó, việc người dân thiếu kiến thức, kỹ năng trong sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội để nhận diện các biểu hiện, phân biệt thông tin chính thống và không chính thống, thậm chí là thông tin xuyên tạc, chống phá cũng là khó khăn không nhỏ đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn.

Còn tại huyện Bát Xát, thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay được địa phương chỉ rõ đến từ địa bàn rộng, bị chia cắt, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và có đến 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, ở một số nơi trình độ dân trí còn thấp, bà con chưa thạo tiếng phổ thông. Hết năm 2022, toàn huyện có trên 6.500 hộ nghèo, chiếm trên 37%; trên 3.400 hộ cận nghèo, chiếm 19,5%. Những khu vực này tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, hoạt động tôn giáo trái phép.

Những khó khăn, thách thức được chỉ rõ cho thấy việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cả hệ thống chính trị và việc triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp. Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết sau.

Theo Báo Lào Cai