(baovenentang.org.vn). Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có chính kiến, đấu tranh với cái xấu, cái ác, nhưng phải trên tinh thần xây dựng, xuất phát từ lợi ích của Đảng và cộng đồng, xã hội. Những người nhân danh “đóng góp xây dựng” để nói sai sự thật, phán xét hồ đồ, tự nâng mình lên bằng cách bôi nhọ, hạ thấp người khác, chê bai chế độ không chỉ đáng trách mà còn vi phạm quy định của Đảng. 

BÀI 2: TỪ CÔNG THẦN ĐẾN “TRỞ CỜ”

Vài năm trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật một cán bộ lãnh đạo còn rất trẻ đã là ủy viên Trung ương, bí thư cấp ủy một thành phố lớn. Trong những khuyết điểm, vi phạm của đảng viên này, nghiêm trọng nhất là mất dân chủ, không tôn trọng cấp dưới, áp đặt, coi mình là trung tâm, buộc mọi người phải chấp hành. Đó là biểu hiện rõ nhất của “bệnh” công thần. Rồi chuyện một cán bộ cấp tướng đã về hưu bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe do vi phạm đã mạt sát, đe dọa chiến sĩ cảnh sát. Thậm chí, còn tuyên bố cách chức cả giám đốc của chiến sĩ cảnh sát nọ. Với những hành vi ấy, vị tướng này không chỉ “bệnh” công thần, kiêu ngạo mà văn hóa ứng xử còn có vấn đề!

 Ngay tại Bình Phước, vụ việc một cán bộ là huyện ủy viên không chấp hành quy định đo thân nhiệt khi qua chốt kiểm dịch và hạch sách nhân viên trực chốt giữa lúc cao điểm dịch Covid-19 vào năm 2020 đã gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ, đảng viên. Dù vị cán bộ này đã bị xử lý nghiêm khắc nhưng hành động bất chấp nguyên tắc đó cũng đã ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và tổn hại đến uy tín của tổ chức. 

Lại có người từng là hình mẫu của lớp lớp thanh niên một thời với câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”; từng được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng đã phát ngôn tại một số diễn đàn, trả lời phỏng vấn một số trang mạng có tư tưởng thù địch với Việt Nam, khiến ai cũng phải sững sờ trước sự thay đổi về tư tưởng của ông. Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tìm mọi giải pháp tích cực nhất để chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì một vị tướng lại tự làm vấy bẩn danh dự của bản thân, của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng những thông tin xuyên tạc và rêu rao các luận điệu của những kẻ chống phá, kích động chiến tranh, khiến lòng dân bất an là điều không thể chấp nhận. Một số nhân sĩ, trí thức khác, như vị giáo sư từng là Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức; vị giáo sư từng là giảng viên Trường đại học Xây dựng; vị cán bộ lãnh đạo từng là Chủ tịch UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh; một nhà văn tên tuổi, từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ… cũng do mắc “bệnh” công thần mà hủy hoại cả danh tiếng, sự nghiệp khi ở đỉnh cao. Vì kiêu ngạo, tự cho mình minh triết hơn người mà nhóm nhân sĩ này đã ngông cuồng viết “thư ngỏ” gửi Bộ Chính trị “đòi” từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, “đòi” thay tên nước, “đòi” đổi tên đảng và “đòi cải cách toàn diện” để tiến tới dân chủ (!?).

Người trí thức chân chính, ngoài say mê lao động sáng tạo thì còn phải có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, biết đồng hành, gắn bó với cộng đồng, dân tộc, với đất nước đã nuôi dưỡng mình khôn lớn, trưởng thành. Vậy mà chỉ vì bất đồng với một vài chủ trương, đường lối của Đảng, họ không thể hiện chính kiến một cách chuẩn mực, theo quy định của Đảng, của pháp luật mà lại trượt dài vào việc bới móc, công kích, xuyên tạc. Thậm chí câu kết với các phần tử chống phá cực đoan, cơ hội chính trị để hạ bệ lãnh tụ, đòi xét lại lịch sử; phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đòi thực hiện đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập. Cuối cùng, họ thành những kẻ “trở cờ”, quay lưng tuyên bố bỏ Đảng!

Vào mỗi dịp cuối năm, khi cầm tấm phiếu khảo sát, đánh giá đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hẳn không ít đảng viên phân vân, không biết mình có “suy thoái” hay không và tự nhận ở mức độ nào trong 27 biểu hiện suy thoái. Tuy nhiên, những dẫn chứng đã nêu cho thấy, từ công thần đến suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là rất gần, đôi khi chỉ là một gạch nối (-). Điều đáng nói, nhiều người ngộ nhận, cứ tưởng mình là “cứu tinh” của quần chúng nhân dân nên rất hăng hái phản biện, góp ý theo kiểu xét nét, quy chụp mà không biết bản thân đã mắc “bệnh”. Rồi những phát ngôn, việc làm của họ bị các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng triệt để. Chúng tung hô, biến họ thành những “người hùng”, “người xé rào”, cộng với những tác động bằng vật chất. Và rồi họ cứ trượt dài trong những việc làm sai trái mà không biết mình đang trở thành tội đồ chứ không phải “người hùng”. Chính vì thế, vấn đề này đã được Đảng ta đặt ra một cách nghiêm túc khi đưa “bệnh” công thần là một trong 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên (còn tiếp).

Linh Tâm

Bài viết đã đăng tải trên Báo Bình Phước