Kỳ 2: Củng cố thế trận và quyết liệt đấu tranh
trên không gian mạng
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống việc lợi dụng mạng xã hội và internet để chống phá chính quyền, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Nỗ lực xây dựng, bảo vệ vùng “xanh, sạch” trên không gian mạng
Hệ thống các văn bản pháp quy phạm pháp luật ở nước ta từng bước được hoàn thiện, tạo ra hành lang pháp lý để cán bộ, đảng viên và nhân dân tự do hoạt động trên không gian mạng trong khuôn khổ của pháp luật. Việc thiết lập và giám sát trên không gian mạng hết sức cần thiết để tạo ra những vùng “xanh, sạch” cho các hoạt động trực tuyến của các cá nhân, đơn vị, tổ chức và có những chế tài xử lý thật nghiêm khắc các đối tượng lan truyền các thông tin phản động trên không gian mạng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 572 vụ án trên không gian mạng về các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng bị Bộ Công an điều tra và khởi tố; trong đó khởi tố 63 vụ việc với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng,... Đó là minh chứng để chứng minh cho những nỗ lực để bảo vệ người dân tránh khỏi những thông tin giả, xấu độc, kích động từ các đối tượng thù địch.
Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên về xây dựng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa hội ở Việt Nam, đặc biệt thông qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”giúp cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa và tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó, nâng cao khả năng tự đề kháng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch; tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, thúc đẩy, phát huy sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Công tác tuyên truyền thông tin tích cực trên báo chí, truyền thông, trên internet và mạng xã hội ngày càng được đổi mới, phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có sức lan tỏa trong xã hội. Việc xử lý kịp thời một số đối tượng “cộm cán” công khai chống phá đã góp phần lạo bỏ nguồn tán phát thông tin xấu độc, làm lành mạnh hóa môi trường thông tin trên mạng xã hội được cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ, tạo sức răn đe số đối tượng khác.
“Điểm nghẽn” cần khai thông
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong cuộc chiến trên không gian mạng, công tác đấu tranh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa mạnh mẽ và hiệu quả chưa cao”. Cụ thể, một số tồn tại đã kéo dài trong cả nhận thức và hành động như thái độ thờ ơ trước các thông tin chống phá trên không gian mạng. Có lúc, có nơi còn bị tình trạng bị động, lúng túng, năng lực xử lý yếu khi có vụ việc phức tạp, bất ngờ xảy ra.
Thông tin chống phá xuất hiện hằng ngày, không chỉ đến từ các thế lực thù địch bên ngoài mà còn đến từ số đối tượng phản động, bất mãn, cơ hội chính trị trong nước. Chúng coi thường pháp luật và công tác quản lý của các cơ quan chức năng, công khai đăng bài công kích Đảng, Nhà nước và chế độ. Các đối tượng chống phá ngày càng khai thác tối đa các tiện ích của không gian mạng, triệt để lợi dụng những khó khăn, yếu kém của ta để gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Nếu chúng ta xử lý thông tin chậm, hoặc không xử lý thông tin kịp thời, làm mất đi tính thời điểm - đặc điểm quan trọng nhất trong đấu tranh trên không gian mạng, mất đi lợi thế về thời gian so với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.
Công tác thông tin, tuyên truyền đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực nhất là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa thực sự kịp thời. Hình thức, nội dung chưa phong phú, đa dạng, chưa đáp ứng được sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân. Một số cơ quan báo chí thiếu sự thận trọng hoặc chưa kỹ lưỡng trong khâu xuất bản, đăng tải các tin, bài, nhất là những thông tin vụ việc mang tính nhạy cảm, dễ bị thế lực thù địch triệt để lợi dụng, xuyên tạc, chống phá. Việc lựa chọn vấn đề, nội dung để tuyên truyền, sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại để lan tỏa bài viết, bình luận trên không gian mạng còn có lúc, có nơi chưa kịp thời.
Hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Việc kiểm tra, ngăn chặn các tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc đem lại hiệu quả chưa cao. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực phản động sử dụng những phương thức, thủ đoạn chống phá ngày càng quyết liệt, tinh vi, khó lường. Chúng triệt để lợi dụng các ưu thế về công nghệ, tiện ích trên không gian mạng, sử dụng công cụ là các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, nhất là các dịch vụ trên Internet (livestream (phát trực tiếp), dịch vụ quảng cáo) để mở rộng hoạt động tuyên truyền chống phá; sử dụng các mạng xã hội do các nhà mạng nước ngoài cung cấp (như Facebook, Google, Tiktok…). Vì vậy, còn có những khó khăn trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng. Đây cũng chính là những “điểm nghẽn” quan trọng cần khai thông để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong thời gian tới.
Nguyễn Anh Đức, Hoàng Thu Hằng,
Lê Phạm Tuấn Vinh, Đào Thị Lanh, Trần Lâm Hùng
Tạp chí Cộng sản