Hiện nay, có luận điệu sai trái cho rằng, năm 1911, cũng như bao thanh niên Việt Nam khác, Nguyễn Tất Thành đến Pháp là vì mục đích kiếm kế sinh nhai, hiện thực hóa “mộng làm quan”. Họ nêu bằng chứng là đơn của Nguyễn Tất Thành xin vào học Trường thuộc địa Paris. Viết đơn xin vào học trường thuộc địa để hiện thực hóa “mộng làm quan” hay là một hoạt động khảo cứu trên “hành trình tìm một giải pháp cho quê hương?”, tìm “Đường cách mệnh”, thiết kế mô hình xã hội tương lai cho dân tộc? Bài viết phân tích những luận cứ chống lại luận điệu sai trái đã nêu trên.
1. “Hành trình tìm một giải pháp cho quê hương”
Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo thất bại. Ngọn lửa cần vương vụt tắt (1897). Hệ tư tưởng phong kiến hoàn toàn thất bại trước các nhiệm vụ lịch sử của dân tộc. Pháp toàn thắng, nhưng cũng phải mất 25 năm để hoàn thành xâm lược Việt Nam: 1858-1883, mất 15 năm để hoàn thành cái gọi là “bình định”: 1883-1897. Trong suốt 40 năm đó, mọi diễn biến lớn về tư tưởng của dân tộc Việt Nam đều tùy thuộc vào nhiệm vụ bao trùm là đối phó với ngoại xâm nhằm bảo vệ độc lập, khôi phục nước Đại Nam y cựu. Tuy nhiên, trên thế giới, tiến trình của lịch sử nhân loại đã vượt qua hình thái kinh tế xã hội phong kiến.
Song cùng với sự du nhập hạn chế, nhỏ dọt của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đủ để mang lại hiệu quả cao nhất cho chính sách bóc lột và vơ vét, một hệ tư tưởng mới, hệ tư tưởng dân chủ tư sản đã du nhập vào Việt Nam ngoài sự mong muốn của thực dân Pháp. Dẫu đã trở thành bức bình phong che đậy những hành động xâm lược, bóc lột nô dịch của cái gọi là “khai hóa văn minh” của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới, nhưng hệ tư tưởng dân chủ tư sản với sáu chữ “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái” hoàn toàn mới lạ ở Việt Nam. Nó được các nhà nho yêu nước cấp tiến đang bế tắc ẩn dật chờ thời hồ hởi đón nhận như một xu hướng mới để “quang phục” dân tộc, “duy tân” đất nước. “Quang phục” và “Duy tân” gắn liền với nhau. Nếu không “Duy tân” thì không “Quang phục” được. “Quang phục” là nhằm đưa đất nước vào đường văn minh Âu Mỹ.
Để “quang phục” và “duy tân” thì phải làm gì? Bằng cách nào? Lấy lực lượng nào? Cầu viện hay tự lực? Những câu hỏi có tính phương pháp luận ấy về con đường cứu nguy cho dân tộc đã gây nên một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt ở nước ta hồi đầu thế kỷ XX. Cuộc đấu tranh tư tưởng ấy không chỉ lôi cuốn các bậc cha chú là các văn thân, sĩ phu cấp tiến, những người lãnh đạo, tổ chức các hội, phong trào yêu nước, mà đã tác động đến những thanh niên yêu nước, thương nòi như Nguyễn Tất Thành. Tư tưởng duy tân ở Việt Nam không mới, nó đã xuất hiện dưới thời Nguyễn với những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ và Bùi Viện, nhưng cái mới manh nha ấy đã không đủ sức để chiến thắng được tư tưởng phong kiến thủ cựu. Tư tưởng ấy tiếp tục được đón nhận vì tấm gương Duy Tân của Nhật Bản. Đầu thế kỷ 19, nước Nhật không hơn Việt Nam nhiều nhưng nhờ duy tân mà giữ được độc lập, trở nên phú cường, đánh bại cả Nga Sa Hoàng da trắng. Tư tưởng chủng tộc phát triển, định vị cho các thanh niên máu nóng bí mật đến Nhật Bản trong phong trào Đông Du để học, thực chất là cầu viện, mưu một cuộc bạo động để giành lại độc lập, từng bước tiến tới chính thể dân chủ tư sản. Có lẽ Phan Bội Châu và các học trò của ông chưa thấm hai lần thất bại của Nguyễn Quang Bích khi cầu viện Nhà Thanh để thực hiện đường lối Cần Vương hồi năm 1885-1886.
Trở về từ Nhật, Phan Chu Trinh một mặt chịu ảnh hưởng tư tưởng của Lương Khải Siêu (đang hoạt động ở Nhật), một mặt đã hiểu được sự thật Nhật đã chiếm Đài Loan và đang gây áp lực chiếm Triều Tiên nên gay gắt phản đối đường lối Đông Du của Phan Bội Châu. Ông đã dùng thành ngữ dân gian “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” để chống đối con đường cầu viện Nhật bạo động đánh Pháp. Thành ngữ ấy được được Phan Chu Trinh viết trong bức thư gửi cho toàn quyền Beau (1907). Đó không phải là lời phê phán của Nguyễn Tất Thành với Phan Bội Châu như nhiều nghiên cứu kết luận. Cuộc đấu tranh còn gay gắt hơn khi ông kết luận cầu viện là ngu và bạo động là chết. Tiếc rằng, do giới hạn của lịch sử, ông lại chủ trương "ỷ Pháp cầu tiến bộ" mà trên thực tế có nghĩa là phải tạm thời chấp nhận chính quyền thuộc địa nhằm mở mang dân trí và cải cách chế độ cai trị của người Pháp, rồi từng bước phục hồi nền độc lập quốc gia. Đáp lại lời phê phán của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu nhận xét con đường của Phan Chu Trinh thì khác gì “xin giặc rủ lòng thương”[1], trong khi ông cũng không nhận ra mình đang xin Nhật Bản rủ lòng thương. Cuối cùng ông rơi vào luẩn quẩn. Sau khi liên tiếp thất bại trong đường lối cách mạng bạo lực, Phan Bội Châu cũng lui về “Pháp Việt đề huề” khi viết tập Cam địa và Pháp Việt đề huề chánh kiến thư (1917). Nhưng khi nếm trải cay đắng của chủ trương “Pháp Việt đề huề”, ông lại bảo các bạn trẻ: “Đề huề chi mà đề huề, trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh liền”. Mặc dù đã trực tiếp chứng kiến thành tựu của công cuộc duy tân của Nhật bản, nhưng Phan Chu Trinh vẫn chưa nhận thức được, điều kiện tiên quyết để duy tân, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh là đất nước phải có độc lập. Đúng như mong muốn của thực dân Pháp, ngọn cờ “khai hóa” đã làm cho ông không nhìn thấy bản chất xấu xa của nó. Ba cái độc quyền tàn ác: muối, rượu, thuốc phiện đem lại 2/3 ngân sách cho Đông Dương. Bóc lột đi đôi với đầu độc, đó là cốt lõi của chính sách thực dân.
Trong thập niên đầu thế kỷ XX, ngọn lửa Yên Thế vẫn tiếp tục bùng cháy vì tinh thần thực tế của Hoàng Hoa Thám. Nhưng “theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến”[2].
Với Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, Đề Thám thuộc bậc cha chú. Hai Cụ Phan là bạn của cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc, nhà khoa bảng lớn chống quan trường nô lệ: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (nghĩa là: làm quan là nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn). Cuộc tranh luận gay gắt không đi đến thống nhất của bậc cha chú đã giúp Hồ Chí Minh sớm nhận thức được tư tưởng của ba đường lối cứu nước như chia ba lòng dân, dư luận bị phân chia, lực lượng bị phân tán[3]. Với vốn hiểu biết sâu rộng từ nền Hán học và Tây học, với óc khảo sát tinh tường đã được cụ Thân Sinh Phó Bảng tôi luyện trên suốt hành trình từ Nghệ An vào Huế rồi ra tận Thái Bình trong dịp ông đi tìm gặp một số sĩ phu Bắc Hà đã làm cho Hồ Chí Minh sớm độc lập suy nghĩ, mở rộng tầm nhìn, không theo lối mòn, thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Vì thế, dẫu khâm phục nhưng anh đã “không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào… Anh nhận điều đó là sai lầm… Điều đó rất nguy hiểm”[4], nên anh không tham gia phong trào Đông Du[5].
Năm 1908-1909 cùng một lúc kết thúc cả hai kỳ vọng của hai ngả đường cứu nước. Kỳ vọng thứ nhất là dựa vào nhật bản, anh cả da vàng để đánh Pháp giành độc lập. Kỳ vọng thứ hai là cuộc vận động vận động văn hóa công khai hợp pháp để khai dân trí, chấn dân khí nhằm nâng cao trình độ tư tưởng của đồng bào, phát triển thực lực kinh tế, bằng con đường đó giành thêm nhiều quyền lợi cho đồng bào, kỳ vọng hòa bình và khiêm tốn đó cũng tan vỡ[6]. Câu hỏi phải làm gì? Đi hướng nào để cứu nước? Tiếp tục được lịch sử dân tộc đặt ra cho những thanh niên sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Lịch sử không đặt ra vấn đề gì mà nó không giải đáp được thông qua những lãnh tụ kiệt xuất và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của họ.
Thời gian này, là một học sinh của Quốc Học Huế, Hồ Chí Minh đã tham gia phong trào kháng thuế của nhân dân, bị cảnh sát Pháp theo dõi và nhà trường lưu ý. Bọn quan lại thực dân đã khiển trách cụ thân sinh vì để con trai có phát ngôn bài Pháp. Chứng kiến và tham gia vào những sự kiện lớn, Hồ Chí Minh phải suy nghĩ về nguyên nhân thành bại của một phong trào. Rời Huế, theo phụ thân vào Bình Định, Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình về hướng Nam để chuẩn bị đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem sét họ làm như thế nào sẽ trở về giúp đồng bào[7]. Đến đây, Nguyễn Tất Thành đã chuẩn bị đủ hành trang kiến thức về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tầm nhìn rộng mở với lối tư duy độc lập, sáng tạo, đặc biệt là kinh nghiệm khảo cứu, đánh giá thực tiễn để quyết định cho những hoạt động tiếp theo của mình.
Tại Mác Xây, ngày 15.9.1911, Nguyễn Tất Thành viết thư gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp xin được vào học Trường Thuộc địa. Hiện nay, lực lượng chống phá dựa vào sự kiện này để xuyên tạc rằng, cũng như bao thanh niên Việt Nam khác, Nguyễn Tất Thành đến Pháp là để kiếm kế sinh nhai, hiện thực “mộng làm quan” của chính quyền thuộc địa. Đường mòn của thanh niên Việt Nam du học sang Pháp lúc bấy giờ là gắng sức đoạt một số bằng cấp cho cá nhân mình. Nếu xem lá thư là bằng chứng Nguyễn Tất Thành muốn hiện thực hóa mộng làm quan thì đó là một kết luận thiếu hiểu biết lịch sử. Ở Việt Nam lúc bấy giờ, để làm quan không nhất thiết phải sang pháp học trường Thuộc địa. Ngược lại, không phải người Việt Nam nào học trường thuộc địa Pháp cũng trở thành quan lại ở Việt Nam[8]. Việt Nam vẫn còn chế độ khoa bảng truyền thống để đào tạo quan lại. Trường Quốc Học Huế được lập ra nhằm đào tạo một lớp viên chức mới. Với trí thông minh và tài trí của mình, Hồ Chí Minh, nếu ứng thí sẽ tiếp tục đỗ cao trong các kỳ thi. Nếu chỉ để làm quan cho chế độ thuộc địa, Hồ Chí Minh có nhất thiết phải sang Pháp học trường thuộc địa? Mặt khác, cũng phải nhắc lại rằng, trên chiếc Đô đốc La Touche Tréville, có ông Bùi Quang Chiêu, một kỹ sư canh nông có quốc tịch Pháp, đi tàu hạng nhất đưa con sang Pháp học. Thấy anh Ba phục vụ trên tàu, ông bảo: “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi, con nên chọn một nghề danh giá hơn”[9]. Nếu là một người ra đi kiếm kế sinh nhai, đây là một cơ hội để nhận sự giúp đỡ của Bùi Quang Chiêu. Nhưng anh Ba chỉ lặng lẽ cảm ơn, không nói đồng ý hay không. Nếu xem lá thư là bằng chứng Hồ Chí Minh muốn ra đi để kiếm kế sinh nhai thì đúng là ở thời đại nào cũng có những kẻ ôm chân, bám gót đế quốc thực dân để kiếm sống mà chẳng “biết cuộc đời răng là nhục là vinh”.
Không vì mục đích làm quan, tại sao Hồ Chí Minh xin vào học trường thuộc địa Paris? Năm 1905, ông nghè Nguyễn Quý Song đã khuyến khích ông Nguyễn Sinh Sắc cho Hồ Chí Minh vào học trường Pháp-bản xứ ở Vinh vì lý do: “Muốn đánh kẻ thù phải học học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù”[10]. Tất cả những ai mang trong mình nền văn hóa Hán học đều đã được Tôn Tử dạy: “Biết địch, biết ta trăm trận không nguy”. Bước đầu, với nhận thức như vậy, để xem những gì ấn sau những chữ tự do, bình đẳng, bác ái, để hiểu được chế độ và cách cai trị ở thuộc địa rồi trở về giúp đồng bào thì còn gì hơn khi được học tại Trường Thuộc địa Paris. Có lẽ các lực lượng xuyên tạc cũng đã quên rằng, trong thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Thuộc địa Pháp, Hồ Chí Minh đã nói rõ mục đích xin vào học trường thuộc địa Paris: “Muốn trở thành người có ích cho đồng bào tôi, muốn cho họ được hưởng lợi ích của học thức”. Nếu hiểu rõ điều kiện để vào học trường này là người học phải nhận được giới thiệu của Toàn quyền Đông Dương, chắc chắn Hồ Chí Minh không viết thư và việc bị Paris từ chối cũng là điều dễ hiểu. Về sự kiện này, nhà sử học Pháp Daliel Hémery đã bình luận lá đơn trước hết thể hiện một ý muốn tạm thời được học (TG-nhấn mạnh), nhưng đơn xin học còn bào hàm một ý nghĩa khác, tóm tắt trong khẩu hiệu lưu hành lúc đó trong các thanh niên học sinh là “xuất dương du học rồi về nhà cứu nước”, … để phổ biến tri thức hiện đại trong các dân tộc thuộc địa. Đúng như Hồ Chí Minh đã kết luận: “Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ… Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến[11].
Bị từ chối vào trường thuộc địa Pari, Hồ Chí Minh bước vào một ngôi trường rộng lớn: trường học cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, vừa lao động chân tay để kiếm sống, vừa tự học tiếng Anh, Pháp, Đức. Đó là phương pháp cách mạng sáng tạo của Hồ Chí Minh. Tham gia các hội, các câu lạc bộ, diễn thuyết, đi đến đâu Hồ Chí Minh cũng quan sát xã hội, ghi chép, kết bạn. Hồ Chí Minh tự tích tụ cho mình một khối lượng kiến thức văn hóa Tây phương đa dạng, thông thạo lịch sử Âu-Mỹ, biết rõ các cuộc cách mạng tư sản, nắm được mô hình tổ chức xã hội và tình hình chuyển biến trên thế giới. Một người rời bỏ quê hương đi kiếm kế vinh thân lại hoạt động như vậy đó sao? Năm 1969, khi Hồ Chí Minh từ trần, một vị linh mục Sài Gòn, tiến Sĩ Trương Bá Cần đã viết: “… Tuy nhiên chúng ta có thể tin rằng chuyến đi tìm sinh kế. Hai mươi tuổi đầu, rời bỏ quê hương, mang trong lòng tâm sự của một kẻ mất nước, thấy bất lực trên quê hương, thấy không tin vào sự viện trợ của các nước Á châu, Nguyễn Tất Thành ra đi có thể vì thất vọng, có thể muốn tìm một giải pháp cho quê hương, điều chắc chắn là trong đầu óc người trai biệt xứ luôn luôn có một sự tìm kiếm. Đi tới đâu cũng ghi chép, cũng nhận xét, cũng tìm bạn, cũng gây ý thức… đến Paris năm 1917, Nguyễn Tất Thành tìm cách liên lạc ngay với Việt kiều và cùng tiếp xúc với các Đảng phải chính trị. Cùng với luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành (từ đây mang tên Nguyễn Ái Quốc) đã làm kiến nghị gửi lên các cường quốc họp tại điện Versailles, đòi quyền lợi căn bản cho ngưởi Việt Nam. Một người tha phương cầu thực chắc chắn không thể có những ý thức và hành động như thế; đúng là Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương”[12].
Ở Tây Âu, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Paris là trung tâm chính trị sôi nổi, nhạy cảm nhất thế giới. Ở đó, Hồ Chí Minh liên lạc với Phan Chu Trinh, với Kiều bào và các phần tử yêu nước các dân tộc thuộc địa, lập mối quan hệ với các đoàn thể nhân dân như Tổng công hội, Hội nhân quyền, gia nhập Đảng Xã hội Pháp; kinh qua trò bịp của chủ nghĩa Willson và chăm chú theo dõi tiếng vang của Cách mạng Tháng Mười. Chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc vào đảng Xã hội Pháp, cũng cái “tình cảm tự nhiên” đó sẽ đưa Nguyễn Ái Quốc tán thành Quốc tế thứ Ba, hoàn toàn tin theo Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản.
2. Vừa tìm đường cứu nước, vừa thiết kế mô hình xã hội mới tương lai.
Con đường cách mạng vô sản nhất thiết dẫn đến thiết lập mô hình tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhưng mô hình cụ thể nào để phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam? Đó là một vấn đề lớn của cách mạng được Hồ Chí Minh quan tâm từ đầu những năm 1920. Tháng 4.1921, Hồ Chí Minh đặt vấn đề: "Chế độ cộng sản có áp dụng được Châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng không? Đây là vấn đề chúng ta đang quan tâm hiện nay". C. Mác và Ph. Ănghen cho rằng chủ nghĩa Cộng Sản sẽ giành thắng lợi ở những nước tư bản phát triển như Anh, Pháp, Đức; sau này các ông cho rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở vùng ngoại ô, đặc biệt là hình thái công xã nông thôn Nga. Theo Lênin, chủ nghĩa xã hội trước hết giành thắng lợi ở các nước châu Âu, và ở nơi khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản như nước Nga; với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản ở châu Âu thì chủ nghĩa xã hội có thể giành thắng lợi ở châu Á. Điều này được Lênin nói rõ trong Sơ thảo lần thức nhất luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Bằng những "lý do lịch sử" hay căn cứ khoa học, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận khoa học, sáng tạo và táo bạo: "Chủ nghĩa Cộng sản có thể thích ứng với châu Á còn dễ dàng hơn ở châu Âu"[13]. Đứng ở vị trí người hành động cách mạng, Hồ Chí Minh không cho rằng, tình hình kinh tế lạc hậu và truyền thống công xã còn sót lại là những rào cản của chủ nghĩa xã hội. Trái lại, Người đã tìm thấy bên trong nó những điểm thuận lợi có tính truyền thống để châu Á, Đông Dương trong đó có Việt Nam dễ thích ứng với chủ nghĩa Cộng Sản. Kết luận đó đến nay đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh tính sáng tạo và khoa học của nó.
Mặt khác, theo Hồ Chí Minh, sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã tạo điều kiện để một nước thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam thiết lập mô hình xã hội mới tiến bộ hơn, đáp ứng khát vọng của quần chúng cách mạng. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến để giải độc cho người Đông Dương[14]. Tất cả những bài viết trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, dựa vào những tài liệu và sự việc cụ thể, Hồ Chí Minh đã tố cáo bản chất ăn cướp và giết người của chủ nghĩa thực dân đế quốc, vạch trần cái gọi là "khai hoá văn minh" của chúng. Người đã chứng minh mô hình xã hội hiện tại của bọn thực dân là "tập đoàn kẻ cướp". Có đến "99% quan cai trị có đạo đức là những kẻ cướp bóc". Trong khi Đông Dương lại như "con nai béo bị trói chặt", như "một cô gái thiếu tự vệ” luôn bị đầu độc bằng rượu cồn và thuốc phiện: cứ 1000 làng chỉ có 10 trường học nhưng có đến 1500 đại lý rượu và thuốc phiện[15] . Mỗi năm người ta đầu độc người bản xứ bằng 23-24 triệu lít rượu và hơn 100000 kg thuốc phiện, thu lời hơn 130 triệu phrăng[16].
Phương thức thống trị dã man đó, chứng tỏ mô hình xã hội bấy giờ đã "đầy máu và nước mắt", "vô nhân tính". Hồ Chí Minh tố cáo tính bất nhân ấy trên sách báo tiếng Pháp[17], đặc biệt tờ Le Paria[18] và cuốn Bản án Chế độ thực dân Pháp[19]. Bắt buộc người ta sau khi giành độc lập rồi thì phải lựa chọn một mô hình tổ chức xã hội mới không lặp lại những quan hệ mất nhân tính ấy. Trong thân phận nô lệ, người ta nghĩ đến một mô hình xã hội mới mà con người có những quyền cơ bản: quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc, có đạo đức tự do, bình đẳng, bác ái. Hồ Chí Minh kết luận: "Ý chí của nhân dân - một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực - một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi"[20] để tổ chức một xã hội mới tốt đẹp hơn dưới sự dẫn dắt của giai cấp công nhân công nghiệp. Đó là xã hội nào? Hồ Chí Minh kết luận: "Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi"[21]. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh: "Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc"[22]. Nhưng chủ nghĩa xã hội là mô hình chung cho toàn thẻ nhân loại, mỗi dân tộc phải thiết kế một mô hình cụ thể phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển của dân tộc mình. Từ việc xác định Chính phủ công nông binh, Hồ Chí Minh đã tiến tới xây dựng chế độ dân chủ mới ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công. Đó là sự sáng tạo vượt bậc trong việc tổ chức một mô hình xã hội mới để khi đất nước có điều kiện sẽ tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, một nước đi lên chủ nghĩa xã hội, không nhất thiết phải có những tiền đề vật chất, kỹ thuật hiện đại, số lượng công nhân đông, tư bản phát triển; cũng không nhất thiết phải chờ sự giúp đỡ của vô sản chính quốc hay nước chủ nghĩa xã hội đi trước nếu nước đó chủ động trông cậy vào lực lượng nơi mình để xây dựng đường lối chiến lược cách mạng vô sản phù hợp với điều kiện dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân lao động, tổ chức lực lượng thực thi đường lối chiến lược cách mạng đó.
Sự khác biệt về con đường và phương pháp cứu nước giữa Nguyễn Ái Quốc và các nhà yêu nước và cách mạng Việt Nam hội đầu thế kỷ XX được thể hiện rõ tron cuốn Đường cách mệnh. Tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và năm tư tưởng chiến lược lớn của Lênin nói riêng trong Đề cương dân tộc và thuộc địa ở Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX và trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác. Theo các ngã đường khác nhau, nó được bí mật đưa về nước, được in lại ở Hà Nội và Quang Nam – Đà Nẵng. Theo chân những hạt giống đỏ, tác phẩm đã vũ trang lý luận cho cho phong trào công nhân, phong trào yêu nước. Nó định hướng cho các phong trào về cách thức tổ chức, xây dựng lực lượng; đánh thức đồng bào nhận ra được đường lối đấu tranh, nhận thức được nhiệm vụ lịch sử và sức mạnh to lớn của mình. Từ đó, các phong trào có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Đến lượt mình, các phong trào đấu tranh đòi hỏi phải có tổ chức để lãnh đạo trực tiếp. Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí tự nó phân liệt. Các tổ chức Cộng Sản lần lượt ra đời dẫn dắt phong trào cách mạng của quần chúng. Như vậy, sự sáng tạo về lý luận cứu nước của Hồ Chí Minh đã đi vào thực tiễn, làm hồi sinh lại thực tiễn cách mạng trong nước; tạo ra cơ sở xã hội vững chắc cho sự ra đời của Đảng cộng sản để lãnh đạo nhân dân Việt Nam “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[23].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1985), Những mẫu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự Thật, Hà Nội.
Daniel Hémeny (2004), Hồ Chí Minh: từ Đông Dương đến Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Trần Văn Giàu (1993), Sự Phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 3, Thành công của Chủ nghĩa Mác-Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Tác phẩm. Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập1, tập 2 và tập 15, Nxb.CTQG, Hà Nội.
Lênin (1977), Toàn tập, tập 41, Nxb.Tiến Bộ. Maxcơva.
Nhà xuất bản Sự Thật (1982), Tìm hiểu tác phẩm “Đường cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vĩnh Sính (1997), “Về bức thư của thư của Phan Bội Châu gửi Nguyễn Ái Quốc”, Tạp chí Xưa và Nay, số 38, tháng 4.
Trần Thành (2010), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb.CTQG, Hà Nội.
Viện Hồ Chí Minh (1998), Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Nxb. CTQG, Hà Nội./.
[1] Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập III, Thành công chủ nghĩa Mác-Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993, tr.18.
[2] Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1976, tr.13.
[3] Sau này, có lần Hồ Chí Minh đã nhắc lại tâm trạng đó của các bậc sĩ phu yêu nước: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”. Ana Louise Strong: Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Nhân Dân, ngày 18.5.1965 – Dẫn theo: Song Thành, Hồ Chí Minh tiểu sử. NxbCTQG.Hà Nội 2010, tr. 35.
[4] Trần Dân Tiên: sđd, tr.12-13.
[5] Theo Hồi ký của Trần Trọng Khắc, chính trong thời gian Nguyễn Tất Thành đi ra Bắc, tháng 5.1905, Phan Bội Châu đã cử một thanh niên tên là Nguyễn Thức Canh đến Kim Liên tìm Nguyễn Tất Thành để rủ anh đi sang Nhật, nhưng không gặp được – xem Song Thành: Hồ Chí Minh tiểu sử. NxbCTQG.Hà Nội 2010, tr. 38.
[6] Tháng 9.1908, thi hành điều ước Pháp-Nhật ký ngày 10.6.1907 tại Paris, Chính phủ Nhật đã buộc số thành niên Việt Nam Đông Du rời khỏi Nhật. Tháng 2.1909 Nhật trục xuất Phan Bội Châu và Cường Để. Trong nước, Pháp giải tán Đông Kinh nghĩa thục (ở Bắc), cuộc vận động “Văn minh tân học” (ở Nam), phong trào kháng thuế (ở Trung). Năm 1908, Phan Chu Trinh bị bắt rồi bị đày ra Côn Đảo
[7] Trần Dân Tiên: sđd, tr.13
[8] Trường Thuộc địa nguyên là trường Campuchia tách ra từ năm 1887. Trường chỉ dạy ngôn ngữ và văn minh Pháp cho những thanh niên Việt Nam được sự đồng ý của Toàn quyền Đông Dương. Học viên của trường không nhất định phải trở thành quan chức. Ví dụ như Lê Văn Miến, Bùi Kỷ và nhiều người khác. Từ năm 1896, đồng thời với việc đào tạo một số học viên trở thành những nhà cai trị tương lai, trường còn có các lớp dạy cho người bản xứ các nghề điện báo, kế toán…
[9] Sau này, Bùi quang Chiêu là một trong những người lập ra đảng Lập hiến, một đảng phản động mà Hồ Chí Minh đã chủ trương phải đánh đổ.
[10] Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẫu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1985, tr.61.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb.CTQG, Hà Nội 2011, tr.40.
[12] Dẫn theo Trần Văn Giàu, sđd, tr.20.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, sđd, tr.45.
[14] Hồ Chí Minh: sđd, tập 1, tr.40.
[15] Hồ Chí Minh: sđd, tập 2, tr.42.
[16] Hồ Chí Minh: sđd, tập 1, tr. 409.
[17] Trong thời gian hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh có hơn 60 bài viết đăng các Báo.
[18] Là cơ quan ngôn luận của Hội Liên Hiệp các dân tộc thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc được phân công làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, đôi khi Người làm cả việc phát hành, bán báo. Báo ra số đầu ngày 1.4.1922, kết thúc ở số 38, tháng 4.1926. Báo xuất bản bằng tiếng Pháp. Măng-sét của báo có chữ Le Paria ở giữa, bên phải có ba chữ hán: Lao động báo và bên trái là hàng chữ Ả Rập An Mancurơ. Số đầu của Báo tuyên bố sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo là giải phóng loài người.
[19] Tiếng Pháp: Le Procès de la colonisation française, là một tác phẩm chính luận do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp và được xuất bản năm 1925- 1926 trên một tờ báo của Quốc tế Cộng sản có tên Impréko.
[20] Hồ Chí Minh: sđd, tập 1, tr.119.
[21] Hồ Chí Minh: sđd, tập 1, tr.40.
[22] Hồ Chí Minh: sđd, tập 1, tr.496.
[23] Hồ Chí Minh: sđd, tập 3, tr.1
Nguyễn Minh Khoa