Khoảng 0h35’ngày 11/6/2023, một nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk khiến 2 cán bộ xã, 4 đồng chí Công an hy sinh, 3 người dân tử vong, 2 người bị thương, bắt giữ 3 con tin. Vụ việc gây ra tổn thất nghiêm trọng về người và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.Thông tin với báo chí về vụ việc, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an nêu rõ: Bộ Công an đánh giá vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vào ngày 11/6 là hành vi gây mất an ninh, trật tự nghiêm trọng, có tổ chức, rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính.Qua lấy lời khai ban đầu, số này khai “Chúng nhận được chỉ đạo, nếu gặp cán bộ và Công an xã thì giết chết, cướp tài sản, súng đạn”.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, lợi dụng tình hình phức tạp tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tung nhiều thông tin không đúng sự thật, các hình ảnh, video được chỉnh sửa, cắt ghép gây ra sự hoang mang trong dư luận, nhằm kích động tạo ra sự hiểu nhầm, tìm cách hướng lái vụ việc, tạo những giả thuyết sai lệch làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.

Tình hình chung

Tỉnh Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Nguyên và cả nước.Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện; 184 xã, phường, thị trấn, với 2.482 thôn, buôn, tổ dân phố; dân số khoảng trên 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số. Nhận diện và đấu tranh chống âm mưu lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đắk Lắk đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cách thức vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo kịp thời đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh.Tuy nhiên, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tôn giáo, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền, chống chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”; chúng tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo người dân tham gia “Tin lành Đêgar”, “Tin lành Đấng Christ” để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, tách các tôn giáo khỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, các đối tượng còn móc nối, câu kết, tập hợp lực lượng hình thành khung Fulro các cấp để lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn, gây rối, dàn dựng tình hình sai lệch từ đó vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo.

Nhận diện những thông tin xấu độc

Trong lúc người dân cả nước vô cùng đau xót trước việc các cán bộ chiến sỹ Công an, cán bộ UBND xã và người dân ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị tấn công, sát hại dã man thì các thế lực thù địch lợi dụng tình hình đó để xuyên tạc, làm sai lệch sự việc. Tổ chức khủng bố, phản cách mạng Việt Tân đã dùng chiêu bài “bẻ lái” dư luận bằng thông tin cho rằng, nguyên nhân của vụ việc xảy ra ở huyện Cư Kuin là xuất phát từ việc “chính quyền cưỡng chế đất của người dân Cư Kuin”. Tổ chức Việt Tân được thành lập từ năm 1981, từ khi thành lập cho đến nay tổ chức này đã có nhiều hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhiều đối tượng đã bị bắt giữ, xét xử nhưng chúng vẫn không từ bỏ dã tâm lật đổ chính quyền XHCN ở Việt Nam.Ngày 4/10/2016, căn cứ pháp luật Việt Nam và quốc tế, Bộ Công an đã đưa “Việt Tân” vào danh sách các tổ chức khủng bố, chống Nhà nước Việt Nam. Việt Tân sử dụng các đối tượng chống đối trong nước làm bằng chứng sống, cung cấp những thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam cho chính giới một số nước; một số hãng thông tin quốc tế, xuyên tạc, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chúng cho lập ba vùng chiến lược tại Hà Nội, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh, tập trung phát triển mạnh vào số ở Tây Nguyên. Khi sự việc xảy ra ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trên trang mạng xã hội của tổ chức này đã đăng tải một video với thủ thuật cắt ghép, giật tít đầy tính kích động: “Cận cảnh CSCĐ đàn áp chiếm đất của người Thượng ở Đắk Lắk để giao đất dự án cho doanh nghiệp…”!. Tiếp sau đó, cũng trên trang mạng xã hội của tổ chức này còn đăng tải nhiều clip “Người Thượng ở Tây Nguyên bị đẩy lui vào rừng sâu, núi cao”, “Cảnh CSCĐ đàn áp người dân Đắk Lắk để cưỡng chế xây dựng dự án phá hoại môi trường” với những lời lẽ vu khống, thiếu căn cứ, bịa đặt.

Trang “Nhật Ký yêu nước”-một trong những tổ chức con của tổ chức khủng bố Việt Tân đã xuyên tạc vụ việc, cho rằng nguyên nhân dẫn đến các đối tượng tấn công trụ sở, giết người là do “Cưỡng chế thu hồi đất và giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột”. Trang mạng xã hội “Nhật ký yêu nước” từ khi thành lập tới nay chúng luôn luôn đưa ra những luận điệu xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như các cán bộ lãnh đạo và các quyết sách kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.Để hướng lái, tạo “độ tin cậy”, các đối tượng còn sao chụp thông tin, hình ảnh từ một vài bài báo khác có liên quan vấn đề đất đai ở địa phương, từ đó đặt những câu hỏi mang tính mỉa mai, miệt thị kiểu “tức nước vỡ bờ”, “khi người dân bị dồn đường cùng”!.

Đáng chú ý nhất, ngay sau khi sự việc xảy ra trên trang mạng xã hội của đối tượng Nguyễn Văn Đài - một đối tượng sống ở hải ngoại thường xuyên có các bài viết xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước cũng nhân dịp này “té nước theo mưa”, đăng tải thông tin kích động trên trang cá nhân của mình. Nguyễn Văn Đài bịa đặt trắng trợn rằng: “Không cam chịu sự cai trị bất công và độc ác của đảng, chế độ và nhà cầm quyền độc tài CSVN, người dân Tây Nguyên đã đứng lên khởi nghĩa…” và liên tục sản xuất ra các đoạn video xuyên tạc sự thật về nhóm đối tượng gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng ở Đắk Lắk với mục đích nhằm kích động người dân nổi dậy chống Đảng và Nhà nước.Đối tượng này vu khống rằng: Việt Nam đàn áp tôn giáo, phân biệt gây chia rẽ các sắc tộc ở Tây Nguyên và muốn tiêu diệt những người có tiếng nói đối lập nên đã “vũ trang hóa” cho những người vừa gây ra tội ác kinh hoàng ở Đắk Lắk để lấy cớ đàn áp, tiêu diệt các tổ chức tôn giáo, nhóm đối lập. Căn cứ đối tượng này đưa ra là nhóm trên “được trang bị vũ khí, có quần áo rằn ri, được huấn luyện”.Trên trang mạng xã hội cá nhân, Nguyễn Văn Đài đã quy chụp, khẳng định “Lộ diện những kẻ đứng đằng sau kích động, trang bị, huấn luyện cho những người nổi dậy Tây Nguyên”.Đối tượng này lập luận rằng: vũ khí, quần áo rằn ri không thể chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam được, cũng như các tổ chức ở nước ngoài không thể thâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam để tổ chức huấn luyện cho nhóm người trên. Cho nên nhóm đối tượng gây ra tội ác tày trời ở Đắk Lắk là do cơ quan chức năng trong nước cung cấp. Thực tế ngày 13/6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện, tịch thu hàng nghìn bộ quần áo rằn ri, quân phục không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang bày bán công khai.Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 1.000 bộ áo đã qua sử dụng, mang nhãn hiệu nước ngoài không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tất cả các bộ áo này đều có họa tiết rằn ri giống tư trang của quân đội nước ngoài.Riêng về vũ khí, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân giao nộp các loại vũ khí, hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ và thu được nhiều kết quả tích cực tuy nhiên thực tế vẫn còn không ít các loại vũ khí quân dụng còn sót lại từ thời chiến tranh hoặc súng tự chế đang được cất giữ trong một số gia đình, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân bản địa thường xem các loại vũ khí này như là kỷ vật của tổ tiên, dòng họ, thậm chí có người còn quan niệm là “vật thiêng”, dùng để thờ cúng.

Bên cạnh đó, trước các luận điệu sai sự thật, xuyên tạc sau vụ tấn công hai trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, một số cá nhân thiếu hiểu biết cũng hùa theo, có những bình luận sai trái hoặc đặt những câu hỏi trên trang Facebook nhằm gây sự nghi ngờ, hoang mang. Những tin đồn, luận điệu sai trái trên mạng xã hội, các đối tượng tung ra nhằm làm cho người dân lo lắng, làm đảo lộn cuộc sống, gây ra nhiều hệ lụy trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm bất ổn đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn. Đồng thời, các thông tin do các cá nhân, tổ chức đăng tải nếu lan truyền rộng rãi trong xã hội có thể gây ra sự hỗn loạn, mất ổn định của Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Những thông tin sai trái đó còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt công tác, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra của cơ quan chức năng…

Đấu tranh với luận điệu sai trái, xuyên tạc

Thực tế, những gì đang diễn ra tại huyện Cư Kuin hoàn toàn trái ngược với thông tin mà các đối tượng phản động, chống đối bịa đặt ra để hướng lái dư luận.Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng với sự hỗ trợ tích cực của nhân dân trên địa bàn huyện Cư Kuin, các lực lượng chức năng đã khẩn trưng truy bắt các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đến ngày 17/6, lực lượng Công an đã bắt giữ, xử lý hơn 50 đối tượng có trực tiếp tham gia vào vụ việc, đặc biệt toàn bộ số cầm đầu đều bị bắt giữ; tịch thu nhiều vũ khí gồm vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế và vũ khí thể thao, các loại dao, lựu đạn và một số đạn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp đồng chí Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ đạo giải quyết vụ việc, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương.Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến thăm, động viên gia đình các nạn nhân và yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk quan tâm, hỗ trợ về đời sống, tinh thần đối với gia đình các nạn nhân. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm cho 4 đồng chí Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã hy sinh; hỗ trợ chính sách đối với gia đình 4 đồng chí hy sinh, 2 đồng chí bị thương. Đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã trực tiếp đến thăm, viếng các nạn nhân, trao quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hỗ trợ gia đình các đồng chí. Hơn hết, qua vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đã cho chúng ta thấy tinh thần đoàn kết, đề cao cảnh giác, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, vô hiệu hóa âm mưu gây mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm của nhân dân ta.

Khi vụ việc mới xảy ra, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã rất hoang mang, lo sợ.Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương của chính quyền và lực lượng chức năng cùng công tác tuyên truyền, vận động nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối “không nghe, không tin, không theo” các đối tượng phản động, các thế lực thù địch bà con đã yên tâm trở lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người dân đã gác lại việc nương rẫy, đoàn kết, đóng góp sức người, sức của cùng với lực lượng chức năng truy lùng và vây bắt các đối tượng.Những hành động này thể hiện sự tin yêu của người dân dành cho Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là lực lượng công an.

Trên các trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố Việt Tân, “Nhật ký yêu nước” hay các bài chia sẻ của một cá nhân về vụ việc xảy ra ởhuyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk không đúng đều được người dân “phản pháo” để lại hàng trăm tới hàng nghìn bình luận với nội dung chỉ trích, lên án những luận điệu xuyên tạc bịp bợm của các thế lực thù địch, chống phá. Đối tượng Nguyễn Văn Đài sau khi bị cộng đồng mạng “tặng” cho quá nhiều “gạch đá” đã quay sang đăng dòng trạng thái với nội dung chửi cộng đồng mạng.

Liên quan đến thông tin về vụ việc xảy ra ởhuyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, ngày 13/6, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với L.Q.C (trú tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) và N.H.T (trú tại TP Hà Tĩnh) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk. Cũng trong ngày, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Quảng Nam có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T.R (38 tuổi, ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) về hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân...Các hành vi đưa tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Đối với các trường hợp nghiêm trọng sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

      Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong các luật và bộ luật quan trọng của Việt Nam như: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Điều 9), Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 116), Luật Giáo dục năm 2019 (Điều 13, Điều 20), Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (Điều 17)… Đặc biệt trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Nhà nước Việt Nam đã quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, của tổ chức tôn giáo, của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời, các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc được thể hiện trong Nghị quyết các kỳ đại hội, Kết luận số 65/KL/TW ngày 30/10/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 10/NQ-CP về việc Ban hành chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó càng cho thấy, dân tộc, tôn giáo là vấn đề thường trực, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, hoàn toàn không như sự bịa đặt, xuyên tạc, vu khống của các đối tượng chống phá, thù địch.

Trong những năm qua, cùng với sự chống phá trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… thì các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc. Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Lợi dụng mạng xã hội, các thế lực thù địch đang tung ra các chiêu bài tinh vi, nguy hiểm nhằm xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng và các phương tiện thông tin truyền thông để phát tán các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Chúng tập trung lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội; khai thác thông tin trên báo chí về những vụ việc tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội để hư cấu, xuyên tạc, thổi phồng; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất, đăng tải thông tin thật-giả lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài liệu chứng minh” để tuyên truyền, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước; dàn dựng quay phim sai lệch để vu cáo đàn áp dân tộc, tôn giáo và chống phá trên không gian mạng; lợi dụng mạng xã hội để tổ chức các hội, nhóm, triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, phát tán thông tin sai lệch kích động, gây rối, bạo loạn, gây mất đoàn kết các dân tộc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, các đối tượng thường dùng giáo lý, giáo luật để mê hoặc; sử dụng giáo quyền, thần quyền để ép buộc, khống chế; dùng vật chất để mua chuộc, lôi kéo; thông qua các tổ chức giáo hội để kích động quần chúng tín đồ tham gia vào những hoạt động chống đối với chiêu bài “bảo vệ đạo pháp”, từng bước biến họ thành lực lượng chính trị đối trọng với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương… Đồng thời, các đối tượng thường lợi dụng diễn đàn rao giảng kinh sách để tuyên truyền xuyên tạc, kích động tín đồ chống đối; lợi dụng các ngày lễ để tập hợp lực lượng tiến hành gây rối, gây bạo loạn; lợi dụng việc đào tạo để đưa những phần tử chống đối vào trong hàng ngũ chức sắc các tôn giáo để dễ hoạt động.Chúng tìm mọi cách tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước ta bằng việc tìm cách ủng hộ và thông qua các đạo luật mang tính pháp lý nhằm lợi dụng vấn đề tôn giáo để hoạt động can thiệp, chống phá; tạo dựng sự ủng hộ, giúp đỡ lực lượng phản động trong tôn giáo người Việt ở nước ngoài nằm trong các tổ chức hoạt động chống Việt Nam; đồng thời hỗ trợ, hậu thuẫn và chỉ đạo các đối tượng cực đoan, phản động trong tôn giáo ở trong nước tổ chức các hoạt động chống phá. Sử dụng các công cụ, phương tiện tiến hành hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam rất đa dạng; lập nhiều hội nhóm cả ở trong và ngoài nước, như: Việt Tân, Cao trào Nhân bản, BP SOS, Đảng Dân chủ Việt Nam, Hội Anh em dân chủ, Hội Cựu tù nhân lương tâm, No-U, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Hội Phụ nữ nhân quyền… với mục đích chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.Đồng thời, các đối tượng thường lợi dụng để xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, kích động tín đồ đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ, phá rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cản trở giao thông tại các địa phương. Đặc biệt, các đối tượng chống đối đã khai thác những sơ hở, thiếu sót rất nhỏ của cán bộ địa phương để kích động tín đồ tôn giáo.

Trước các hành vi, thủ đoạn của các thế lực thù địch, để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chúng ta cần đấu tranh pháp lý, đấu tranh truyền thông và đấu tranh kỹ thuật-công nghệ. Trên cơ sở nắm chắc pháp luật quốc tế, luật pháp Việt Nam về hoạt động trên không gian mạng, các chính sách, tiêu chuẩn cộng đồng của các nhà mạng, thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện những quan điểm sai trái, thù địch để đấu tranh trên phương diện pháp lý. Đối với đấu tranh truyền thông: trên phạm vi quốc tế, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, viết bài đăng các tạp chí khoa học uy tín, phát biểu trên các diễn đàn quốc tế, các hoạt động ngoại giao chính trị… để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong nước, cần chỉ đạo các phương tiện truyền thông mở các chương trình, chuyên mục, diễn đàn, cuộc thi… về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mặt khác, cần tạo mặt trận, liên kết nhóm, huy động lực lượng “Share, comment, like…” để lan tỏa thông tin tích cực. Xây dựng ngân hàng comment, hình ảnh, video clip về các nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên chống phá để giành thế chủ động trong đấu tranh. Cần tạo dựng các nhân vật nổi tiếng, người ảnh hưởng (KOLs, Youtubers, Vlogers) gồm các chính khách, nhà tư tưởng, truyền thông có khả năng thu hút hàng triệu người nghe, xem, bình luận, chia sẻ.

Đấu tranh kỹ thuật-công nghệ: cần ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong giám sát thông tin, kịp thời phát hiện các quan điểm sai trái, thù địch khi xuất hiện trên không gian mạng. Tiến hành các biện pháp để “pha loãng” thông tin, giảm uy tín nguồn tin, bóc gỡ, chuyển hướng thông tin xấu, độc ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sử dụng các “hacker đỏ” đánh sập, chiểm quyền kiểm soát các trang mạng độc hại, ngăn chặn quyền truy cập của người dùng vào các thông tin xấu, độc; ứng dụng các kỹ thuật tự động nhân bản, like, share để lan tỏa các thông tin tích cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: “Chúng ta phải có dũng khí, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ”. Phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trong đó đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại; “kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội thực sự là một mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng.Đây là vấn đề khách quan, nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi mọi người, lực lượng thực thi nhiệm vụ này trên không gian mạng phải luôn nhận thức đầy đủ những thách thức và yêu cầu của nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trước tình hình mới./.

Nguyễn Thị Quỳnh Như

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị