Vượt qua gần 301.000 tác phẩm dự thi, tác phẩm 2 kỳ thể loại báo in “Cảnh giác trước những biến tấu của hội, nhóm “yêu đồ lính” của nhóm tác giả Đoàn Đức Phương, Nguyễn Đình Xuân (Công an tỉnh Thái Nguyên) là một trong mười tác phẩm xuất sắc được trao giải A Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lần thứ ba, năm 2023. Những ngày đầu Xuân mới, phóng viên báo Thái Nguyên có cuộc trò chuyện với Thiếu tá Đoàn Đức Phương - tác giả của giải thưởng này.
P.V: Xin chào anh Đoàn Đức Phương. Trước hết, xin chúc mừng anh và tác giả Nguyễn Đình Xuân vừa giành được giải A Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cảm nhận của anh khi trở thành người đoạt giải nhất và là giải A duy nhất trong số các tác phẩm của tỉnh Thái Nguyên gửi tham gia Cuộc thi này?
Anh Đoàn Đức Phương: Cảm ơn Báo Thái Nguyên! Xúc động, tự hào và tri ân, đó là tâm trạng của tôi trong đêm trao giải. Niềm xúc động, tự hào của một người cầm bút mặc áo lính vừa hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh vẻ vang bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và càng xúc động hơn khi phần thưởng đặc biệt này lại được trao đúng kỷ niệm tròn 5 năm Bộ Chính trị khóa XII ra Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Để có được kết quả đó, chúng tôi cảm ơn, tri ân Ban Tổ chức, Ban Giám khảo các cấp; sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Công an tỉnh, của đồng chí, đồng đội; của gia đình, người thân luôn đồng hành, động viên, chia sẻ với công việc cầm bút trên trận tuyến không khói súng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đặc biệt nữa, chúng tôi tri ân mạch nguồn truyền thống lịch sử đất và người Thái Nguyên, sự hy sinh như một khúc tráng ca bất tử của 60 anh chị nam, nữ Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái trong đêm Noel năm 1972 đã cho tôi xúc cảm mãnh liệt để tuôn trào những lời hùng văn đanh thép trong bài viết.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trao biểu trưng Cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023 cho nhóm tác giả Công an tỉnh Thái Nguyên. |
P.V: Bài viết “Cảnh giác trước những biến tấu của hội, nhóm “yêu đồ lính” đã ra đời như thế nào ? Tác phẩm có điều gì đặc biệt?
Anh Đoàn Đức Phương: Xuất phát từ sự quán triệt của lãnh đạo Công an tỉnh cho cán bộ, chiến sĩ đối với hiện tượng bất thường trên mạng xã hội và ở ngoài đời của hội, nhóm nhân danh “Yêu đồ lính”, tôi đã nghiên cứu thông tin, hình ảnh, clip trên các trang báo viết, báo mạng về hiện tượng này.
Đặc biệt, khi chứng kiến cảnh đoàn xe zeep, xe phân khối lớn nghễu nghện thành hàng dài, trên xe lố nhố trang phục nhân danh “yêu đồ lính” xông thẳng vào Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915 ở phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, vào ngày 07/6/2022 với thái độ nghênh ngang, băm trợn, ra oai, phô trương thanh thế, không khác gì xúc phạm với vong linh các Anh hùng liệt sĩ, với kinh nghiệm, tôi nhận thấy, đây không chỉ là hiện tượng bất thường của những người thiếu hiểu biết, thấy lạ, tưởng hay mà a dua tham gia hội, nhóm. Hiện tượng này có mặt rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, họ tranh thủ những sự kiện văn hóa, nơi tập trung đông người... đó phải là hoạt động có âm mưu, thủ đoạn, có toan tính rõ ràng, có bàn tay “địch”. Do vậy, tôi thấy cần thiết phải viết loạt bài phê phán hiện tượng này.
Điều đặc biệt là tính chiến đấu; tính dự cảm, dự báo; tính gợi mở hướng giải quyết của loạt bài báo 2 kỳ đã đúng, trúng vấn đề. Đó là ngay sau khi Báo Công an nhân dân đăng bài viết (ngày 8/5), rất nhiều trang thông tin điện tử của UBND, công an các tỉnh dẫn lại, góp phần lan tỏa thông điệp “cảnh giác trước biến tấu của hội, nhóm yêu đồ lính” với toàn xã hội.
Sau khi bài viết đăng tải được một tháng, dự cảm “biến tấu” của cái gọi là “yêu đồ lính” ấy đã diễn ra đầy kinh hoàng ở Đắk Lắk vào ngày 11/6, khi những kẻ mặc trang phục “yêu đồ lính” được tài trợ của nhóm khủng bố đã tấn công vào trụ sở UBND xã làm 11 người thương vong, trong đó có 4 đồng chí công an xã hy sinh.
Do vậy, điều cốt lõi của bài viết chính luận không chỉ phản ánh sự vật, hiện tượng khách quan, mà phải mang tính chiến đấu, phê phán và tính dự cảm, dự báo, gợi mở hướng giải quyết với xã hội. Sau đó, nhiều địa phương, như ngày 12/6 ở Kon Tum và 13/6/ ở Đắk Lắk, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng, thu giữ cả vài nghìn bộ trang phục “yêu đồ lính” không rõ nguồn gốc.
P.V: Anh có thể nói về một kỷ niệm của mình trong quá trình hoàn thành bài viết này?
Anh Đoàn Đức Phương: Tiếp nhận tinh thần quán triệt của Công an tỉnh về biểu hiện bất thường của hội, nhóm “yêu đồ lính”, tôi khảo sát trên không gian mạng và chứng kiến hiện tượng này ở hiện thực ngoài đời. Tìm tư liệu, tôi có được cuốn “Đại đội TNXP 915 khúc tráng ca bất tử” do Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản năm 2018. Mừng quá, nội dung cuốn sách như khơi nguồn xúc cảm mãnh liệt cho tôi tuôn trào mạch văn phản biện. Rất nhanh chóng, chỉ trong 2 ngày ngoài giờ làm việc, tối về tôi ngồi đọc và viết như có điều gì mách bảo, viết một mạch 2 kỳ.
Đặc biệt nữa, đó là sự công tâm, khách quan của những người cầm cân nảy mực trong Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Như đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, hôm trao giải vòng Sơ khảo cấp tỉnh gặp tôi có nói: Đọc bài viết của em rồi, nhưng hôm nay mới gặp.
Hay một đồng chí thành viên Ban Giám khảo cấp Trung ương, sau này tôi mới biết là công tác ở Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, có điện hỏi tôi nhằm xác minh lại tính chân thực của tác giả bài viết rằng, tại sao trên Báo Công an nhân dân bài viết được ký tên tác giả LÂM PHƯƠNG NAM nhưng ở đây lại là Đoàn Đức Phương? Tôi lý giải đó là bút danh, tên ghép của 3 bố con tôi, thế là đồng chí vui vẻ chấp nhận.
P.V: Trở về sau Cuộc thi có điều gì khác biệt, thay đổi trong cuộc sống của anh hay không?
Anh Đoàn Đức Phương: Cảm nhận của tôi khác biệt thì không nhưng đổi thay một chút thì có. Không khác biệt ở chỗ, dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, trải qua nhiều môi trường công tác ở các cơ quan Quân đội, Công an, sinh sống ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay 4 năm nay trở về mảnh đất Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên; tham gia nhiều cuộc thi viết về Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và dù không được giải, hay đoạt giải cao nhất toàn quốc đi nữa (năm 2006, tôi là cá nhân duy nhất/9,6 triệu người dự thi, đoạt giải Đặc biệt toàn quốc cuộc thi: 75 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), tôi luôn vững niềm tin, kiên trì thực hiện vai trò, hoàn thành trách nhiệm là chiến sĩ cầm bút.
Còn đổi thay một chút là nhiều cơ quan báo chí biết, mời cộng tác mảng viết bài phản biện. Tôi vẫn bảo người đồng nghiệp của mình với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh, sự cộng tác của chúng tôi trong cuộc thi năm nay là duyên và có thể có mở rộng phạm vi, cộng tác tốt hơn trong tương lai với mảng đề tài đấu tranh phản biện...
P.V: Được biết, anh đã theo đuổi đề tài đấu tranh phản biện ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học và để lại nhiều dấu ấn. Theo anh, bí quyết của sự thành công này là gì?
Anh Đoàn Đức Phương: Tôi nghĩ rằng, nói là thành công thì hơi to tát, ở đây tôi chỉ muốn nói là kinh nghiệm viết của cá nhân. Điều quan trọng nhất là dù trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, cuộc sống có thăng trầm đến đâu thì trong trái tim mình luôn rực lửa niềm tin để vững vàng ngòi bút. Tin vào Đảng; tin vào cơ quan, tổ chức mình công tác; tin vào bản thân và ngòi bút của chính mình; tin vào bản chất tốt đẹp nhất của con người. Tin để nói như Bác: “cái tốt nảy nở như hoa mùa Xuân và cái xấu mất dần đi”.
Với ngòi bút chiến sĩ, như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 13, năm 1959: “Đảng giao cho Công an nhiệm vụ bảo vệ Đảng… do vậy phải biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình”. Lý luận và thực tiễn đó thấm nhuần trong tôi: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm, sứ mệnh của người cầm bút.
P.V: Anh sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới?
Anh Đoàn Đức Phương: Tất nhiên rồi, thưa nhà báo! Chính luận phản biện là lĩnh vực tôi được đào tạo, theo đuổi từ khi còn là sinh viên mà. Sau khi các bài viết được các cơ quan báo chí duyệt đăng, tôi còn tự lan tỏa bằng cách ngồi đọc lại nội dung qua kênh Youtube cá nhân “Bình yên xứ chè”. Với tôi, dù phản biện như thế nào cũng thấm nhuần quan điểm nhân văn, tình người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa, phát huy trong nhiều bài nói, bài viết: “phê phán” để “góp ý tiến bộ”. Đặc biệt 2 cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành tháng 1/2023 và “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” do Đảng ủy Công an Trung ương biên tập, phát hành trong toàn lực lượng là những sách “gối đầu giường” của tôi trong viết bài đấu tranh phản biện.
P.V: Xin cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn, chúc anh và gia đình một mùa Xuân mới ngập tràn niềm vui, hạnh phúc và tiếp tục có những tác phẩm chất lượng!