Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là “một pho sử bằng vàng” được gây dựng, bồi đắp, tô thắm trong quá trình chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Giá trị pho sử vàng trở thành chân lý, niềm tin, tự hào, lòng biết ơn vô hạn của Nhân dân đối với Đảng và hậu thế đối với tiền nhân. Tuy vậy, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị thường xuyên tạc hòng phá hoại nền tảng tư tưởng, thủ tiêu vai trò lãnh đạo, hạ thấp vị thế, uy tín của Đảng; phủ nhận thành quả cách mạng do Đảng lãnh đạo và phá hoại con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhận diện rõ các luận điệu xuyên tạc để có giải pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.

1. Lịch sử Đảng là pho sử bằng vàng

Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930[1]. Ý nghĩa, vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá dịp Đảng ta tròn 30 tuổi: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam”. “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”, “lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”[2].

Quá trình gây dựng, bồi đắp, tô thắm pho sử bằng vàng thể hiện phong phú, sinh động cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của Nhân dân ta chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong pho vàng đó hàm chứa niềm vui, nụ cười và cả mồ hôi, nước mắt, cô đọng những chiến công hiển hách và cả sự hy sinh xương máu của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cho lý tưởng cộng sản, vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Những giá trị thẩm thấu trong diễn trình lịch sử Đảng trở thành chân lý, niềm tin, tự hào, lòng biết ơn vô hạn của Nhân dân đối với Đảng, của hậu thế đối với tiền nhân, được trân trọng, bảo vệ như một phần cơ thể của mình.

Pho sử ấy được tô thắm, đong đầy, vững chãi cùng với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta suốt 91 năm qua, đó là: (1) Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; (2) Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; (3) Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam[3]. Đó là biểu hiện sinh động, cụ thể, thiết thực nhất giá trị của pho sử bằng vàng.

Cùng với lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta không ngừng chăm lo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức (và sẽ là văn hóa). Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn được coi trọng, đẩy mạnh, trong đó có đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng. Đó là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mà tuyên giáo là lực lượng nòng cốt; đồng thời là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu[4].

Thực tiễn cách mạng qua các thời kỳ cho thấy, có nhiều cách thức để bồi đắp, tô thắm, giữ gìn, phát huy những giá trị pho sử bằng vàng của Đảng, trong đó tất yếu phải coi trọng việc đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng, nhất là trong bối cảnh tình hình hiện nay. Việc bảo vệ Đảng không những bảo vệ nền tảng tư tưởng mà còn là bảo vệ lịch sử Đảng - hiện thực hóa nền tảng tư tưởng, thành quả cách mạng, bảo vệ tổ chức và cán bộ, đảng viên của Đảng, bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng đối với Nhân dân và niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ cộng sản. Bởi vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra một trong các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ là: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”[5].

Về mặt khái niệm, có thể hiểu xuyên tạc lịch sử Đảng là sự xuyên tạc có chủ đích bằng cách tạo ra và phát tán thông tin không đúng sự thật về các sự kiện lịch sử Đảng theo các cấp độ từ mơ hồ, phiến diện, thêm thắt, cắt xén, thổi phồng, bóp méo đến bịa đặt hòng làm cho người tiếp nhận thông tin hiểu sai bản chất, mục tiêu, lý tưởng cách mạng, vai trò, vị thế của Đảng; qua đó, nhằm thực hiện âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng, phủ nhận công lao, đóng góp của Đảng, xóa bỏ chế độ một đảng lãnh đạo, thủ tiêu con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam[6].

Theo đó, những thông tin, luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng thể hiện ở nhiều cấp độ, như: thông tin mơ hồ; thông tin phiến diện; thông tin có thêm thắt, thổi phồng, bóp méo, cắt xén; thông tin bịa đặt[7]. Về nguồn gốc, những thông tin, luận điệu xuyên tạc ấy xuất phát từ: lực lượng “diễn biến hòa bình”; lực lượng cơ hội chính trị; các nhóm lợi ích; lực lượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; lực lượng cán bộ, đảng viên và nhân dân bất bình, bất mãn với chế độ… Đối tượng mà chúng nhắm tới, bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức; thanh niên, học sinh, sinh viên; đồng bào dân tộc, tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Về hình thức biểu hiện, có: dạng các bài viết hoặc comment; dạng biểu hiện theo mục tiêu và công cụ; dạng lợi dụng hạn chế, yếu kém, sai lầm trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Về cơ chế tác động, có: tác động trực tiếp dễ nhận thấy vì đây là sự xuyên tạc trực tiếp, trắng trợn. Dạng này dễ tác động và kích động tới nhóm đối tượng có lợi ích tương đồng hoặc nhóm đối tượng có nhận thức thấp. Còn cơ chế tác động gián tiếp bao gồm tính gián tiếp qua kỹ thuật nhào nặn, bóp méo, cắt xén, tổ chức phát tán thông tin và tính gián tiếp qua sử dụng phương pháp so sánh khập khiễng[8].

2. Nhận diện luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng

- Về chủ thể: các quốc gia, chức quốc tế chống cộng, chống phá cách mạng Việt Nam nói chung; các tổ chức phản động lưu vong bên ngoài; số đối tượng phản động, chống đối, số cơ hội chính trị, có quan điểm phức tạp trong nước; đối tượng xấu tung tin xấu độc nhằm trục lợi; người từng vi phạm pháp luật Việt Nam, có lòng hận thù với chế độ; đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Trong đó, có người Việt từng phục vụ cho chính quyền Việt Nam cộng hòa và làm việc cho cơ quan Mỹ ở Việt Nam; người Việt Nam hợp tác với giặc, giúp giặc đàn áp cách mạng; người Việt Nam bám theo giặc vì quyền lợi riêng; người Việt Nam không thiết tha với cách mạng, lung lay ý chí vì nghĩ văn hóa của giặc ưu việt hơn; người Việt Nam có tư tưởng chống cộng.

- Về động cơ, thủ đoạn: xuyên tạc lịch sử Đảng xuất phát từ nhiều động cơ, nhưng động cơ chính trị vẫn là chủ yếu. Họ mơ tưởng phục lại quyền lực lãnh đạo đất nước sau các cuộc chiến mà họ đã thua; họ muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay vào đó chính thể dân chủ kiểu phương Tây. Các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị dùng nhiều thủ đoạn tấn công hòng phá hoại nền tảng tư tưởng, thủ tiêu vai trò lãnh đạo, hạ thấp vị thế, uy tín của Đảng, phá hoại sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

- Về phương thức: Đối với quá khứ, họ xuyên tạc diễn biến lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng; với hiện tại, họ giả mù trước những thành quả tốt đẹp mà Việt Nam đạt được, tập trung vào mặt tiêu cực do họ công phu sưu tầm, thêu dệt; đem tiêu chuẩn phương Tây để phê phán Việt Nam; bôi nhọ lãnh đạo tiền bối, vu khống lãnh đạo đương nhiệm; tận dụng tối đa các diễn đàn, đặc biệt là mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá.

Lúc đầu, họ chủ yếu sử dụng đài, báo chí tiếng Việt ở nước ngoài do họ làm chủ hoặc kiểm soát để đăng tải, tuyên truyền xuyên tạc. Hiện nay, họ triệt để tận dụng dịch vụ tiện ích trên internet, mạng xã hội liên kết trong – ngoài và mở nhiều trang mạng riêng để thực hiện âm mưu xuyên tạc. Kẻ thù ở hải ngoại lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của đất nước mà cấu kết chặt chẽ với thiểu số bất mãn trong nước để bắt đầu kín đáo tiến công bằng sách báo quốc nội. Đối tượng cơ hội chính trị, từng vi phạm pháp luật Việt Nam, “tự diễn biên”, “tự chuyển hóa” thì tranh thủ “đưa tin vỉa hè”, đăng status lên facebook, zalo cá nhân..., cung cấp thông tin xuyên tạc, tham gia trả lời phỏng vấn của đài, báo chống cộng. 

Các thế lực thù địch còn tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn quốc tế ở các nước có đông Việt kiều như: Australia, Mỹ, Canada... rồi gửi thư ngỏ, tài liệu truyền bá tư tưởng phản động, xuyên tạc lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng trong nước, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

- Về nội dung xuyên tạc, có thể nhận diện ở một số vấn đề sau đây:

Một là, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin; kêu gọi từ bỏ lý tưởng cộng sản và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Loại luận điệu này cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ”; “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là sai lầm, bảo thủ, giáo điều”; “CNXH chỉ là ảo tưởng, không bao giờ thực hiện được”[9]; “nên bỏ cụm từ nền tảng tư tưởng của Đảng trong văn kiện Đảng, cứ lý thuyết nào đúng thì theo”; “một đảng cầm quyền không thể có dân chủ” [10]; “chủ nghĩa Mác -Lênin đã lỗi thời”; “tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác -Lênin vào Việt Nam”; “Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là một sai lầm lịch sử, đi theo vết xe đổ của Liên Xô”[11]...

Hai là, xuyên tạc Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo, công lao, đóng góp của Đảng; đòi đổi tên Đảng, kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.

Loại luận điệu này đòi “thay đổi Cương lĩnh chính trị của Đảng, từ bỏ đường lối sai lầm về CNXH”, “chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”; “Việt Nam thiếu nền dân chủ, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”[12]; “không thể làm trái quy luật, bỏ qua chế độ tư bản, mà là phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng”; “Đảng không phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nên không thể lãnh đạo xây dựng CNXH đích thực ở Việt Nam”; “thực hiện kinh tế thị trường là cộng sản Việt Nam đang uốc liều thuốc đắng”[13].

Họ xuyên tạc, chống phá nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Từ luận điệu “Muốn Việt Nam thực sự dân chủ và phát triển cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, họ lấn sang xuyên tạc pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự, Điều 88 “tội tuyên truyền chống nhà nước”; đòi sửa đổi Hiến pháp năm 2013 với những kiến nghị sai trái như “Xóa bỏ Điều 4 về vai trò lãnh đạo của ĐCSVN; thực hiện cạnh tranh chính trị, thiết lập chế độ đa đảng”[14]. Từ vu cáo “Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, độc đoán, đảng trị”; cho rằng “Đảng đã hoàn thành nhiệm vụ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, “Đảng chỉ giỏi lãnh đạo trong chiến tranh, còn trong xây dựng kinh tế nên trao quyền cho lực lượng chính trị khác”[15].

Ba là, xuyên tạc, phủ nhận những thắng lợi, thành tựu cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Loại luận điệu này cho rằng “Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là một sự ăn may, vì Nhật thua trong thế chiến thứ II, chứ Đảng Cộng sản chẳng có tài cán gì” và “cuộc cách mạng này chỉ chuyển từ vua trị sang đảng trị”; “Cách mạng tháng Tám là phi pháp, là cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim, để dân tộc Việt Nam tuột cơ hội, đất nước đi vào con đường phát triển tư bản chủ nghĩa”.

Tiếp đó, họ xuyên tạc tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1954, hạ thấp ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ; hạ bệ thần tượng lịch sử, phủ nhận tấm gương Anh hùng Tô Vĩnh Diện, phủ nhận công lao của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò chỉ huy tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với lịch sử Đảng giai đoạn 1954-1975, chúng xuyên tạc “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một sai lầm, không có bên thắng, bên thua mà tất cả cùng thua”; “đó là một cuộc nội chiến, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn”; vu khống “miền Bắc xâm lược miền Nam”.

Với lịch sử Đảng giai đoạn 1986 đến nay, chúng phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo với nhiều luận điệu như: “đổi mới chính là làm lại sai lầm trước đây”, “chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị vì còn giữ chế độ độc đảng lãnh đạo”, “sau 35 năm đổi mới mà Việt Nam vẫn tụt hậu, nhân dân đói nghèo”[16].

Bốn là, xuyên tạc những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

Loại luận điều này khoét sâu sai lầm của Đảng năm 1931 về chủ trương “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”; xuyên tạc sai lầm trong cải cách ruộng đất giai đoạn 1953-1956 và cải tạo tư sản sau năm 1975 “là cuộc thanh trừng, tắm máu”; thổi phồng tổn thất của Đảng trong Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và hạn chế của việc xây dựng đất nước theo mô hình Liên Xô giai đoạn 1975-1985; thổi phồng tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay. Từ việc thổi phồng khuyết điểm, họ quy chụp “Đảng chỉ vì bảo vệ lợi ích của Đảng”, “không có năng lực lãnh đạo cách mạng, không có khả năng đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho đồng bào”; “Đảng thiết lập quan hệ với Trung Quốc cũng chỉ nhằm bảo vệ sự tồn tại của mình”[17]

Năm là, xuyên tạc đoàn kết nội bộ Đảng và thân thế, sự nghiệp, tư tưởng cách mạng, đời tư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Loại luận điều này thường lợi dụng khi chúng ta điều tra, xử lý vụ án tham nhũng để bịa đặt “Đây chẳng qua chỉ là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực trong các phe nhóm của Đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi”. Họ lợi dụng vụ việc mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi chia rẽ quân đội với công an, dân với Đảng. Họ kích động mất đoàn kết nội bộ bằng cách xuyên tạc chủ trương dân chủ, dân quyền, đường lối đối ngoại của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, như: Để giữ độc lập, chủ quyền phải tẩy chay hàng hóa và người Trung Quốc; “Không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba là tự trói buộc mình”; “Nếu Đảng, nhà nước vẫn giữ quan điểm “ba không”[18] thì “dân đi đường dân, Đảng đi đường Đảng”[19]...

Trên nhiều diễn đàn, các thế lực thù địch bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, tập trung nhiều vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, cho rằng “Hồ Chí Minh là dân tộc chủ nghĩa”, “là người có gốc Tàu”. Họ còn vu khống cho một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có tư tưởng thỏa hiệp, bán đất, bán đảo cho Trung Quốc.

3. Giải pháp đấu tranh phản bác

Một là, nhóm giải pháp về tuyên truyền lịch sử Đảng và tuyên truyền bảo vệ lịch sử Đảng

(1) Tăng cường tuyên truyền lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, vị thế, công lao, đóng góp, truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Đồng thời, chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm và công khai việc khắc phục hạn chế nhằm tăng tính khách quan khi đánh giá lịch sử Đảng, loại bỏ hoài nghi “Đảng cái gì cũng tốt”; giải thích rõ hạn chế, tiêu cực xảy ra hiện nay chỉ là hiện tượng, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, chứ hoàn toàn không phải là bản chất của Đảng. Điều này sẽ đánh thức sự hiểu nhầm ở một bộ phận người chỉ nhìn vào mặt hạn chế ở thời hiện tại mà quên đi, phủ nhận mặt tốt, cống hiến của Đảng trong quá khứ, dẫn đến quy kết bản chất của Đảng là tiêu cực, tham nhũng!

Chú ý tuyên truyền tấm gương cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ cách mạng chiến đấu, hy sinh trọn đời cho Đảng và dân tộc, nhất là các đồng chí đảng viên vì lợi ích của Đảng, Nhân dân và dân tộc mà phải vào tù ra tội, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chức vị ở thời điểm cam go, thậm chí là biết trước sẽ khó thoát khỏi án tử của kẻ thù. Đơn cử, giai đoạn 1930-1945, tính riêng trong cấp Trung ương của Đảng có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù. Trong 31 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng khóa II, trước ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 bị tổng cộng 222 năm tù dày[20].

(2) Coi trọng, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng đối với sự nghiệp cách mạng và sự sống còn của chế độ ta, có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới cuộc sống mỗi người dân Việt Nam. Làm cho nhiều người hiểu được nhiệm vụ đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng không của riêng người làm công tác lịch sử Đảng hay của cán bộ, đảng viên mà là của mọi tầng lớp nhân dân; bảo vệ lịch sử Đảng là nguyên tắc tự thân, tất yếu khách quan để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, đồng nghĩa bảo vệ cuộc sống yên bình của Nhân dân, của mỗi gia đình.

Hai là, nhóm giải pháp về nâng cao “sức đề kháng”, tạo nên những“con người luận cứ”

(1) Nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập, vận dụng lịch sử Đảng trong hệ thống trường Đảng và hệ thống giáo dục quốc dân; tạo ra các thế hệ cán bộ, đảng viên, sinh viên “tự miễn dịch” với luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng. Bởi lẽ, nhận thức đúng đắn, đầy đủ về lịch sử Đảng chính là luận cứ sống, chắc chắn nhất, thiệt thực nhất để đấu tranh với luận điệu xuyên tạc trong mọi hoàn cảnh.

Đối với nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, cần đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác, tránh sáo rỗng, lý luận chung chung. Tác phẩm lịch sử Đảng phải có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, cung cấp bài học kinh nghiệm quý giá từ quá và tấm gương sáng đảng viên giai đoạn hiện nay để vận dụng vào cuộc sống hiện tại. Đặc biệt là bài học về xử lý mối quan hệ giữa các nhiệm vụ trong cùng một thời điểm và việc tập hợp lực lượng thực hiện mục tiêu đã vạch.

Đối với dạy - học lịch sử Đảng phải sinh động, tạo được cảm xúc, sự lay động tâm hồn để người học biết, hiểu, tin và tích cực hành động. Cùng với đó là tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ từ bậc tiểu học trở đi. Thông qua môn học, tạo nên sự thán phục, lòng biết ơn thực sự của người học, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với cán bộ, đảng viên, trong đó có ông cha, người thân gia đình đã chiến đấu, hy sinh cho đất nước hòa bình, phát triển hôm nay. Khi nhấn mạnh sự tài tình của Đảng ta, có thể đưa ra tình tiết: Việt Nam có thời kỳ bị chia cắt tương tự Đông Đức - Tây Đức, Bắc Triều Tiên – Nam Triều Tiên (Hàm Quốc), nhưng Đảng ta đã có cách lãnh đạo khôn khéo, kiên quyết làm cho đất nước ta thống nhất; nếu không thì Việt Nam có thể rơi vào tình cảnh “ngăn sông cấm chợ, Bắc, Nam xa cách, máu mủ phân ly” tương tự Triều Tiên và Hàn Quốc hơn 50 năm nay!

(2) Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chú trọng từ các tổ đảng, chi bộ đảng, đảng viên ngay chính cơ quan, đơn vị, coi trọng sinh hoạt tư tưởng, sinh hoạt chuyên đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, lịch sử Đảng trong các cuộc họp chị bộ định kỳ; giáo dục cán bộ, đảng viên thực sự là người gương mẫu, đi đầu để quần chúng tin tưởng noi theo. Thông qua lời hay, ý đẹp, việc làm thiết thực, ích nước lợi dân của cán bộ, đảng viên, hình ảnh tốt đẹp về Đảng ngày càng được củng cố trong Nhân dân.

Kiên quyết tẩy trừ tiêu cực trong Đảng và ngoài xã hội là phương cách thiết thực, hiệu quả nhất để cơ thể của Đảng khỏe mạnh, làm cho Đảng tự thân củng cố, giữ vững niềm tin ở Nhân dân. Đưa tin có chừng mực vụ việc tiêu cực, tăng lượng thông tin tốt, tích cực. Nhân rộng điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, cán bộ đảng viên có cách làm hay, hành động đẹp trong xã hội, cơ quan, đơn vị, gia đình; dặc biệt chú ý điển hình đảng viên thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”[21].

Ba là, nhóm giải pháp liên quan đến nghiệp vụ, kỹ thuật đấu tranh.

(1) Từ việc nhận diện được nội dung chủ yếu, thời điểm, phương thức mà các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị thường xuyên tạc lịch sử Đảng và dự báo những vấn đề sẽ bị xuyên tạc, chúng ta lựa chọn nội dung, phương thức đấu tranh sát thực, hiệu quả hơn. Muốn vậy, cần có thống kê, tập hợp các luận điệu xuyên tạc, trên cơ sở đó xây dựng luận cứ phản bác từng luận điệu cụ thể, lập “kho tư liệu” phục vụ đấu tranh (chống); đồng thời, cần có các giải pháp tự cải thiện, khắc phục hạn chế, làm trong sạch mình (xây).

(2) Huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và nhân tố tích cực ở mỗi người dân; nhiều lực lượng tham gia đấu tranh, bao gồm cán bộ, đảng viên, nhân dân, học sinh, sinh viên, nhóm chuyên gia, cộng tác viên, kể cả tận dụng kiều bào yêu nước.... Nhưng cần phải xây dựng lực lượng nòng cốt, ngày càng chuyên nghiệp, đó là những cán bộ, đảng viên không chỉ am hiểu lịch sử Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng mà phải có kinh nghiệm thực tiễn, có năng khiếu diễn thuyết và viết chắc tay. Ngoài việc Đảng ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo, tổ chức tiến hành công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc. Đặc biệt là ở những thời điểm nhất định, rất cần tiếng nói trực tiếp, mạnh mẽ, tác phẩm tầm cỡ của lãnh đạo cấp cao, nhất là đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo, chuyên gia đầu ngành lịch sử Đảng...

(3) Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh, trong đó có nghiên cứu đề tài khoa học, tổ chức hội thảo, tọa đàm; lồng ghép vào chương trình dạy học; làm đề tài tiểu luận/khóa luận/luận văn/luận án; biên soạn chuyên đề sinh hoạt chi bộ định kỳ; tổ chức viết bài đấu tranh (chính danh và ẩn danh); các hoạt động công đoàn, đoàn thanh niên, câu lạc bộ, đội nhóm; thi tìm hiểu, diễn thuyết, kể chuyện về tấm gương cán bộ, đảng viên chiến đấu, hy sinh anh dũng, tù đày, vượt ngục, sự hiên ngang khi ra pháp trường...

(4) Sử dụng nhiều phương tiện phục vụ công tác đấu tranh, trong đó đặc biệt coi trọng đấu tranh trực diện trên không gian mạng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả: bài viết, thơ văn, chế nhạc, video clip, tranh ảnh, bình luận/chia sẻ thông tin. Có hình thức động viên kịp thời và xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Cần có dự báo, sớm cảnh báo, chủ động phương thức đấu tranh hiệu quả; không bị động, đi sau thông tin của địch.

Tri thức lịch sử, trong đó có lịch sử Đảng cung cấp hiểu biết quá khứ để phục vụ cuộc sống hiện tại và đoán định tương lai. Bởi vậy, các nhà sử học Hy Lạp cổ đại kết luận: “Lịch sử là cô giáo của cuộc sống, là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”. C.Mác và Ph.Ănghen quan niệm “Sử học là khoa học duy nhất vì mọi khoa học đều phải dựa vào sự kiện từ lịch sử”, đến V.I. Lênin khẳng định “Sử học là một bộ phận của khoa học xã hội kết hợp với giai cấp vô sản trở thành vũ khí mạnh mẽ”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh từng học nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử khi ở Liên Xô và căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta”[22]. Hay như Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nhà quân sự lỗi lạc vốn là thầy giáo dạy lịch sử ở trường phổ thông. Nhà văn Nga Trécnưsepki từng viết: “Có thể không biết, không cảm thấy say mê học tập môn toán, tiếng Hy Lạp hoặc Latinh, môn hóa học, có thể không biết hàng nghìn môn khoa học khác, nhưng dù sao đã là người có giáo dục mà không yêu thích lịch sử thì chỉ có thể là một con người không phát triển đầy đủ về trí tuệ”[23]. Đến nỗi, Tom Polgar - nhân viên cao cấp tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam, một trong những người Mỹ cuối cùng di tản khỏi Việt Nam năm 1975, sau này đã viết: “Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử”[24].

Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Máu đào của các liệt sĩ ấy làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của Nhân dân ta. Lời dạy đó của Bác Hồ nhắc nhở chúng ta càng phải nâng cao tránh nhiệm đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, bảo vệ pho sử bằng vàng của Đảng; vững tin vào con đường cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

 

[1] Trong bài viết này, chúng tôi thống nhất gọi tắt là “Đảng ta”. Các tài liệu trước đây đều viết Đảng CSVN ra đời là sản phẩm kết hợp Chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Quan điểm gần đây, bổ sung cụm từ “tư tưởng Hồ Chí Minh”, ví như Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo trình cao cấp lý luận chính trị, Nxb CTQG, HN, 2021.

[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 12, tr.401-406.

[3] Đảng CSVN (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN, tr.63-64.

[4] Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

[5] Nghị quyết số số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của BCH Tung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

[6] Tác giả bài viết bước đầu đưa ra cách hiểu như vậy.

[7] Học viện CTGQ HCM (2020): Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các quan điểm sai trái, thù địch – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, HN, tr.298.

[8] Hội đồng khoa học Ban Tuyên giáo Trung ương: Những tác động của thông tin xấu, độc trên mạng internet đến tư tưởng, tân trạng xã hội – thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học, 2018, tr.33-35

[8] Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (2005): Lịch sử biên niên công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam 1925-1954, Nxb CTQG, HN, tr.34-35.

[9] Hội đồng Lý luận Trung ương (2014): Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, Nxb CTQG, HN, tr.123, 137,161.

[11] Học viện Chính trị CAND (2017): Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, HN, tr.141,227, 245,256,268.

[12] Hội đồng Lý luận Trung ương (2014): Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, Nxb CTQG, HN, tr.401-404.

[13] Vũ Văn Hiền (chủ biên, 2021): Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG, HN, tập 1, tr.21-22.

[14] Hội đồng khoa học Ban Tuyên giáo Trung ương: Những tác động của thông tin xấu, độc trên mạng internet đến tư tưởng, tân trạng xã hội – thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học, 2018, tr.39

[15] Vũ Văn Hiền (chủ biên, 2021): Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG, HN, tập 1, tr.21-22

[16] Vũ Văn Hiền (chủ biên, 2021): Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG, HN, tập 1, tr.26,27,28.

[17] Hội đồng khoa học Ban Tuyên giáo Trung ương: Những tác động của thông tin xấu, độc trên mạng internet đến tư tưởng, tân trạng xã hội – thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học, 2018, tr.40.

[18] Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia.

[19] Hội đồng khoa học Ban Tuyên giáo Trung ương: Những tác động của thông tin xấu, độc trên mạng internet đến tư tưởng, tân trạng xã hội – thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học, 2018, tr.41.

[20] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 12, tr.401.

[21] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 15, tr.668.

[22] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 3, tr.255.

[23] Phan Ngọc Liên (1983): Chỉ tịch Hồ Chí Minh với công tác sử học, Nxb Giáo dục, HN, tr.8,30,31

[24] https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/xuyen-tac-lich-su-chinh-la-pha-hoai-tuong-lai-572280

Lê Đức Hoàng