(baovenentang.org.vn). Xuyên tạc, phủ nhận, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm và uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước và xã hội hiện nay.

1. Vai trò, vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được lịch sử và nhân dân lựa chọn, khẳng định

Một là, Việt Nam đã từng qua nhiều thời kỳ có đa đảng

Trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong nhiều thời kỳ, ở Việt Nam có nhiều đảng cùng hoạt động. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có các đảng: Đảng Nghĩa Hưng đại diện cho giai cấp nông dân được thành lập năm 1907; Đảng Lập hiến đại diện cho giai cấp tư sản, địa chủ được thành lập năm 1923; các đảng đại diện cho tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức tiểu tư sản như: Việt Nam Nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, Đảng An Nam Độc lập được thành lập năm 1927, Việt Nam Quốc dân đảng thành lập năm 1927. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có các đảng: Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đại Việt quốc dân đảng thành lập những năm 1940, Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), Đảng Dân chủ Việt Nam thành lập năm 1944 và Đảng Xã hội Việt Nam thành lập năm 1946... Trong số các đảng ấy, một số đảng mong muốn giúp giải phóng dân tộc, nước nhà giàu mạnh; một số đảng có những mưu cầu chính trị riêng nhằm mang lại lợi ích cho giai cấp, tầng lớp mà họ đại diện; có một số đảng bám gót ngoại bang, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước. Sau đó, trải qua những thử thách của lịch sử, một số đảng tự giải tán, một số đảng tự diệt vong vì không gánh vác được sứ mệnh lịch sử là giải phóng đất nước, đưa nhân dân thoát khỏi gông cùm, xiềng xích. Chính lịch sử và nhân dân đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức đại diện cho lợi ích, nguyện vọng thiết tha của nhân dân, của dân tộc Việt Nam; là lực lượng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở Việt Nam. 

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách của lịch sử mới có được vai trò lãnh đạo, cầm quyền

Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại.

Trong thời gian rất dài trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc đã diễn ra sôi nổi trên đất nước ta theo rất nhiều khuynh hướng khác nhau do một số hội, đoàn thể, đảng phái lãnh đạo: Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội, Việt Nam Quốc dân đảng... Tuy nhiên, những phong trào này không phù hợp với xu thế phát triển của dân tộc và thời đại, nên không quy tụ, tập hợp được quần chúng nhân dân và dần tan rã, thất bại. Chỉ tới khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mới giải quyết được cuộc khủng hoảng đường lối giải phóng dân tộc, quy tụ được đa số các giai cấp, tầng lớp trong xã hội trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi, thành tựu to lớn, vẻ vang, có ý nghĩa lịch sử: cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những chiến thắng vang dội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước, thống nhất Tổ quốc.

Thời điểm cam go và thử thách bản lĩnh, trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam là khi CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng và sụp đổ. Hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo ấy đã một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối đổi mới thể hiện quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đã hiệu triệu được hàng triệu con tim và khối óc để đưa đất nước vượt qua thử thách của lịch sử. Với đường lối đổi mới đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành nước đang phát triển năng động, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng tăng, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1).

Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là chính danh, hợp hiến và hợp pháp

Trong các bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được ban hành vào các năm 1980, 1992 và năm 2013 đều có một điều quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(2).

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điều lệ Công đoàn Việt Nam khẳng định: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam... là thành viên của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khẳng định: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Điều lệ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khẳng định: Từ những tổ chức tiền thân cho đến Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày nay, Hội luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam khẳng định: Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một đoàn thể chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng... Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được khẳng định trên cơ sở pháp lý đồng bộ, thể hiện qua hệ thống các văn bản pháp luật và được khẳng định trong điều lệ, quy định của các tổ chức đại diện cho tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội, giới, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, không phải do Đảng “đơn phương” quy định. Đây là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính chính danh, hợp hiến, hợp pháp về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bốn là, trong suốt quá trình lãnh đạo, cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dũng cảm nhìn nhận, đối diện và sửa chữa khuyết điểm, sai lầm

Trong hơn 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có thành công, thắng lợi mà Đảng cũng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm. Đảng không né tránh, giấu giếm mà dũng cảm nhìn nhận, đối diện, nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để không ngừng lớn mạnh, tiếp tục lãnh đạo cách mạng, đất nước ngày càng phát triển. Trong suốt quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể kể tới các cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lớn.

Vấn đề chỉnh đốn được Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra lần đầu tiên vào năm 1939. Trong thời gian này, Đảng tập trung vào sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng, khắc phục hạn chế, giải quyết các vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng nảy sinh trong phong trào Mặt trận Dân chủ. Mục tiêu, phương châm của cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được khẳng định trong tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”(3).

Tới tháng 5-1952, tại Lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản”(4).

Năm 1961, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang giai đoạn phát triển mới, chuyển từ đấu tranh chính trị là chính sang bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng quyết định mở đợt chỉnh huấn trong toàn Đảng. Bốn năm sau đó, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trở nên quyết liệt, để tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến, cuộc chỉnh huấn của Đảng năm 1965 tập trung vào mục đích “tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản”(5).

Năm 1991, trước biến cố lịch sử Liên Xô tan rã, CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Đại hội VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Trung ương 3 (tháng 02-1992) đã ban hành Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, chỉ ra những khuyết điểm đã trở thành nguy cơ không thể xem thường. Vấn đề nổi lên cần tập trung giải quyết là: “một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động mất lòng tin, trong đó có một số người chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại muốn đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng, ăn chơi hưởng lạc”(6). Từ đó, Đảng xác định nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng là: “phải khẩn trương tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta và có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta”(7).

Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (tháng 01-1999 đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, nêu rõ quyết tâm: “Đảng phải tiếp tục tự chỉnh đốn triệt để hơn, kiên quyết hơn, nhằm giải quyết những vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản trong xây dựng Đảng, tạo ra một bước chuyển biến thật sự trên các mặt chủ yếu: ngăn chặn và đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái, trước hết về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố sự kiên định về mục tiêu lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động, củng cố tổ chức chặt chẽ, sinh hoạt dân chủ, tăng cường kỷ cương, đoàn kết thống nhất; cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu, trong sạch nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đây là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ ta”(8).

Từ Đại hội XI đến nay, Đảng luôn đặt xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (năm 2011) đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, mở đầu cuộc vận động chỉnh đốn Đảng mới, với nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tiếp nối những kết quả bước đầu đã đạt được, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) ban hành Nghị quyết “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII thể hiện quyết tâm cao độ hơn của toàn Đảng với  Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, bổ sung nhận thức mới, gắn kết nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Việc các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị chỉ lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của một số tổ chức đảng, đảng viên để khoét sâu, thổi phồng nhằm quy kết Đảng Cộng sản Việt Nam không đủ năng lực lãnh đạo trong điều kiện mới của đất nước là hành động xuyên tạc, nhằm kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, là âm mưu hết sức thâm độc và nguy hiểm.

2. Hiện nay không lực lượng chính trị nào có đủ bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm và uy tín thay thế được vị thế, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

Bất cứ tổ chức chính trị nào muốn có được vị thế, vai trò lãnh đạo, cầm quyền đều phải là lực lượng tiên phong về cả lý luận và hành động; có đường lối đúng đắn dẫn đường và được thực tế kiểm nghiệm trí tuệ, bản lĩnh, khả năng dẫn dắt toàn dân tộc thực hiện mục tiêu mà đại đa số các giai cấp, tầng lớp nhân dân mong muốn.

Cái gọi là “các lực lượng chính trị mới” mà các thế lực thù địch, chống phá tung hô có thể thay thế vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm những thành phần nào, bản chất là gì? Đó thực chất là lực lượng ô hợp gồm rất nhiều đối tượng có thù hận với cách mạng; một số người từng có tội ác với nhân dân Việt Nam, nay sống “tầm gửi”, phụ thuộc và dựa dẫm vào sự nuôi dưỡng, cung cấp tài chính, hậu thuẫn về chính trị, ngoại giao của các thế lực phản động quốc tế. Chúng chỉ quan tâm tới lợi ích của chính mình mà không quan tâm tới nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của toàn thể nhân dân ta, sử dụng mọi âm mưu, thủ đoạn để thực hiện mục đích chính trị của riêng mình. Với thành phần, bản chất như vậy, nhân dân ta không bao giờ lựa chọn và trao cho chúng quyền lãnh đạo đất nước.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam và những thành quả mà nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 90 năm qua đã hoàn toàn bác bỏ các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc về vai trò, vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ có một sự thật lịch sử: hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có đủ khả năng lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; không lực lượng chính trị nào có thể thay thế vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý nguyện của đại đa số nhân dân. Vì thế, các tầng lớp nhân dân mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, giữ vững vai trò lãnh đạo, không chia sẻ quyền lực với bất kỳ lực lượng nào khác và luôn xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

_________________

TS NGUYỄN HẢI YẾN
Khoa Xây dựng Đảng,
Học viện Chính trị khu vực I

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 25-7-2023; Ngày bình duyệt: 19 -8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.624.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.15, Sđd, 2001, tr.185

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.26, Sđd, 2003, tr.24.

(6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.52, Sđd, 2007, tr.86, 88.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.58, Sđd, 2015, tr.19.