(baovenentang.org.vn).  Những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt được nhiều kết quả tích cực, những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trên nhiều phương diện. Để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi, bẻ gãy âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong bối cảnh mới, cần kịp thời tháo gỡ những “nút thắt”, chặn đứng sự “đứt gãy” trong công tác tuyên truyền - mặt trận vô cùng nóng bỏng, quyết liệt, có ý nghĩa sống còn.

Trước hết, xin được khu biệt bối cảnh tình hình mới ở đây là kể từ khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết 35). Từ sau thời điểm này, công tác tuyên truyền về những nội dung của Nghị quyết 35 có những sự thay đổi, thấy rõ, khác biệt cả về diện rộng cũng như chiều sâu. Người dân nói chung, đội ngũ làm công tác tuyên truyền nói riêng, nhất là Ban Chỉ đạo 35 các cấp, đã nhận thức ngày càng sâu sắc về các nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tùy từng vị trí công việc, nhiệm vụ được giao hay sự quan tâm của mỗi cá nhân mà mức độ hiểu biết về nội dung liên quan đến Nghị quyết 35 có khác nhau, nhưng liều lượng, tần suất về các vấn đề có liên quan ngày càng được tuyên truyền kịp thời, lan tỏa, bao phủ, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân trong xã hội. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về vấn đề hết sức hệ trọng của đất nước là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Sự quan tâm đến "cuộc chiến" trên mặt trận tư tưởng càng được chú trọng hơn, khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực”. Sự chuyển biến tích cực ấy, riêng trong lĩnh vực tuyên truyền, được thể hiện tiêu biểu, rõ ràng, trước hết ở các cuộc thi viết về nội dung này và những hoạt động có liên quan.

Phải thừa nhận rằng, chúng ta có rất nhiều cuộc thi viết về các chủ đề, lĩnh vực, phạm vi khác nhau trong thời gian qua, nhưng hiếm có cuộc thi viết nào tạo được luồng gió mới tích cực, gây hiệu ứng xã hội mạnh mẽ như cuộc thi viết chính luận khoa học với chủ đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2021. Phát động từ ngày 19/5/2021, cuộc thi nhằm “mục tiêu tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; góp phần tuyên truyền, khẳng định và bảo vệ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và rèn luyện năng lực tư duy lý luận, năng lực nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học, nghệ thuật và trên không gian mạng cho cán bộ, đảng viên”. Sau cuộc thi lần thứ nhất với đối tượng tham gia còn hạn chế, giải thưởng còn khiêm tốn; từ cuộc thi lần thứ hai (năm 2022) đã mở rộng quy mô hơn nhiều, với sự phối hợp tổ chức của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và Hội Nhà báo Việt Nam. Có thể nói, đây là dấu mốc ghi nhận sự nâng tầm cả về chất lượng và số lượng của cuộc thi, của các bài viết tham dự. Cụ thể, đã có hơn 116.000 tác phẩm tham dự cuộc thi lần thứ hai, trong đó có cả những tác giả đến từ Mỹ, Trung Quốc… Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi đã thể hiện sâu sắc tính Đảng, tính chiến đấu, theo phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Các bài viết tham gia cuộc thi cũng tạo cơ sở thực tiễn quý giá để cơ quan chuyên môn đề ra giải pháp thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới… Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đổi mới, chủ động tuyên truyền theo phương châm “thông tin đi trước mở đường” gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế của đất nước; bồi dưỡng các nhân tố tích cực được phát hiện qua cuộc thi...

Ngày 1/2/2023, cuộc thi lần thứ ba, năm 2023 đã được phát động, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Cuộc thi tiếp tục có sự mở rộng về quy mô tổ chức, thành phần tham gia và thể loại tác phẩm dự thi. Đến đầu tháng 4/2023, đã có rất nhiều ban, bộ, ngành, địa phương trên cả nước hưởng ứng cuộc thi bằng cách phát động cuộc thi thuộc cấp của mình, dựa trên đặc thù riêng có một cách sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả. Những sự hưởng ứng tích cực, đầy trách nhiệm đó rõ ràng đã góp phần tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Trong khi đó, Báo Quân đội Nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai, năm 2022-2023. Tại cuộc thi lần thứ nhất, năm 2021-2022, có hơn 500 tác phẩm dự thi, theo đánh giá của ban tổ chức, “nhiều tác phẩm được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức, thể hiện tư duy chính trị sắc bén, trí tuệ, nhiệt huyết, trách nhiệm, phát hiện, đề xuất nhiều giải pháp hay trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.

Bên cạnh hai cuộc thi viết khu biệt rõ ràng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; rất nhiều cuộc thi viết khác, điển hình là Giải báo chí Quốc gia tổ chức hằng năm, nhất là ở hạng mục Giải Xã luận, Bình luận, Chuyên luận, đều có tác phẩm, nhóm tác phẩm về chủ đề này. Đặc biệt, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) đến năm 2023 đã là lần tổ chức thứ tám, thực sự là dấu mốc ghi nhận bước tiến vượt bậc trong tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiều tác phẩm liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ví dụ, Giải Búa liềm vàng năm 2022 đã nhận được 2.032 tác phẩm dự thi, trong đó có 697 tác phẩm báo in, 454 tác phẩm báo điện tử, 530 tác phẩm truyền hình, 293 tác phẩm phát thanh và 58 tác phẩm ảnh báo chí.

Từ các cuộc thi, những kế hoạch bài bản được thiết lập, triển khai từ Trung ương tới các địa phương, bộ, ban, ngành, với các cuộc thi khu biệt trong phạm vi nhất định, sự tổ chức khoa học, bài bản. Cụ thể, với cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, sự chỉ đạo sát sao của Ban tổ chức cuộc thi cấp Trung ương đã giúp lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo 35 các cấp vào cuộc khẩn trương, quyết liệt. Hưởng ứng cuộc thi, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các cuộc thi thuộc phạm vi mình phụ trách. Các cuộc thi cấp cơ sở được tổ chức bài bản, khoa học, hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước, người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam. Nhiều đơn vị rất trách nhiệm, ý thức cao trong tổ chức, nâng cao chất lượng cuộc thi bằng nhiều hình thức khác nhau, như mời các giảng viên về tập huấn, tổ chức tọa đàm, triển khai chi tiết, bài bản, có lớp lang về hình thức, phương pháp dự thi. Nhiều chủ đề liên quan đến cuộc thi được bàn thảo, xới xáo, trao đổi, góp ý cả về lý luận cũng như thực tiễn, cung cấp tài liệu tham khảo… giúp người tham gia nhận thức sâu sắc hơn về chủ đề định viết, nắm vững cách thức viết các tác phẩm dự thi để đạt chất lượng cao nhất. Sau đó là việc tổ chức bàn luận, tham vấn cụ thể về đề cương bài viết, lựa chọn, xét duyệt gửi các tác phẩm tham gia dự thi cấp cao hơn. Thậm chí, nhiều đơn vị, địa phương quyết liệt giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng tác phẩm tham dự, thứ hạng giải quyết tâm đạt được, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, sự nghiêm túc của cuộc thi. Kết thúc mỗi cuộc thi là sự sơ tổng kết, rút kinh nghiệm từ những thành công, hạn chế, để các cuộc thi sau trở nên nền nếp, bài bản, khoa học, hiệu quả hơn.

Những cuộc thi viết các cấp, nhất là những cuộc thi viết chính luận, đã thực sự tạo thành phong trào sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tạo chuyển biển tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết 35. Nhờ những kiến thức, kinh nghiệm tham gia các cuộc thi, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng được nâng cao nhận thức, hiểu biết căn cốt, sâu sắc, rõ ràng hơn về nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện, nắm bắt được các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực phản động, chống phá để kịp thời đấu tranh vạch trần, phản bác các thông tin sai sự thật, bịa tạc… một cách khoa học, thuyết phục, có lý, có tình. Qua đó, bổ sung kịp thời vào đội ngũ những người tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, đông đảo hơn, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hỗ trợ, lan tỏa sâu rộng các cuộc thi nói riêng, việc thực hiện Nghị quyết 35 nói chung, nhiều đơn vị, địa phương, bộ, ngành đã phát huy tốt hoạt động của những trang thông tin nội bộ trên các phương tiện, loại hình truyền thông khác nhau; thành lập các nhóm chuyên gia chuyên trách giúp đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức kịp thời những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; dẫn dắt, định hướng, ổn định tình hình dư luận; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách trực diện, trực tiếp, có hiệu quả… Song song đó, là sự tuyên truyền kịp thời công tác phát hiện, xử lý các trường hợp đăng tải những nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, tô vẽ, bóp méo bản chất vấn đề, sự kiện, con người, phá hoại sự phát triển ổn định, vững bền của đất nước.

Có thể khẳng định rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 35 các cấp, điểm nhấn từ các cuộc thi viết đã góp phần tích cực, hiệu quả nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giúp công tác vô cùng quan trọng này đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả to lớn. Tuy đạt được nhiều chuyển biến tích cực, những kết quả khả quan, nhưng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”.

Theo Báo Vĩnh Phúc