(baovenentang.org.vn). Phải thừa nhận rằng, kể từ khi Nghị quyết 35 ra đời, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã có bước chuyển rất quan trọng cả về lượng và chất. Tuy nhiên, riêng với công tác tuyên truyền, còn có những “nút thắt”, sự “đứt gãy” cần tháo gỡ, chặn đứng.

Thông tin còn mỏng, trùng lặp, thiếu đội ngũ người viết

Phải khẳng định ngay rằng, tuyên truyền về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ rất khó, không phải ai cũng có thể tham gia một cách chất lượng, hiệu quả. Thực tế, viết bài thuộc nhóm thể loại chính luận (xã luận, bình luận, chuyên luận...) đã khó, viết bài chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng khó hơn. Bởi đây là dạng đề tài thường được xem là khô, khó, khổ, khắt khe, cẩn trọng, được chuyển tải dưới các thể loại chính luận đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn, cần sự kết hợp nhuần nhuyễn để chuyển tải thông tin lý luận hàn lâm, bác học, trừu tượng một cách dễ hiểu, sát thực tiễn, nhiều người có thể tiếp thu. Qua quá trình theo dõi báo chí tuyên truyền về vấn đề này, không khó để nhận thấy rằng, thông tin trên báo chí còn mỏng, yếu, trùng lặp, thiếu tính hệ thống. Đa phần các thông tin chủ yếu là phản bác tức thời, sự vụ, chi tiết, cụ thể, gượng ép, thậm chí đôi co, đuối lý…

Từ khi Nghị quyết 35 được ban hành, với sự chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan báo chí trên cả nước đều dành thời lượng, dung lượng, diện tích “đất” khá trang trọng, đầy đặn để tuyên truyền về vấn đề này. Nhưng nhìn chung, việc lập kế hoạch tuyên truyền còn bị động, việc huy động đội ngũ nhà báo trong chính cơ quan báo chí còn lúng túng, bởi ít người mạnh dạn nhận nhiệm vụ này, với những lý do chính là không am hiểu sâu, khó thực hiện hơn nhiều so với các mảng đề tài, thể loại báo chí khác. Hơn nữa, đội ngũ những người viết chính luận tại các cơ quan báo chí không dồi dào. Ít người dấn thân vào nhóm thể loại đòi hỏi những tác phẩm có nội dung rõ ràng, chặt chẽ, logic, sự lập luận đúng đắn, khách quan, chính xác, thấu đáo, thuyết phục. Nghĩa là dùng lý lẽ, lập luận để bảo vệ luận điểm, vấn đề đưa ra, phản bác thuyết phục, đanh thép các thông tin xấu, độc, bịa tạc, vu khống, chống phá. Các bài không thuộc nhóm chính luận cũng dễ gặp những hạn chế như đề tài trùng lặp, người viết và chuyên gia trả lời phỏng vấn quen thuộc, bị động trong đấu tranh phản bác...

Ít sáng tạo, thiếu liên tục

Cũng chính vì sự khó, khô, khổ, khắt khe nên khá nhiều bài báo lựa chọn sự phản ánh an toàn theo khuôn mẫu, mô-típ, ít sáng tạo, đột phá về nội dung và cách thể hiện. Không ít bài đấu tranh phản bác còn thiếu chiều sâu, chưa đủ đầy hệ thống luận cứ, luận chứng, lý lẽ có lớp lang, chặt chẽ, thuyết phục, tính bút chiến bằng lý luận mờ nhạt, thiếu thuyết phục. Vì vậy, mục tiêu đấu tranh, phản bác nhằm bẻ gãy, đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống phá từ gốc đôi khi chưa đạt được, thậm chí còn phản tuyên truyền, khiến những thông tin xấu, độc có cơ hội phát tán rộng hơn, gây những hệ lụy khôn lường… Đó cũng là lý do khiến nhiều cơ quan báo chí dù đã mở chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhưng không duy trì được thường xuyên, không tổ chức được các bài, tuyến bài của riêng cơ quan báo chí mình mà thường lấy lại từ các cơ quan báo chí có thế mạnh về lĩnh vực này. Đôi khi còn có sự “đứt gãy”, thiếu liên tục, không liền mạch trong việc duy trì chuyên mục, chưa bảo đảm chất lượng trong tất cả các bài đăng tải, phát sóng…

Chưa thật đồng bộ, còn bị động, lúng túng

Với Ban Chỉ đạo 35 các cấp, việc tổ chức cuộc thi viết chính luận đôi khi cũng chưa thật sự khoa học, đồng bộ, có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, phó mặc cho các cơ quan báo chí. Ở chiều ngược lại, sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức cuộc thi viết ở các cấp cũng còn những vấn đề nhất định cần bàn. Đơn cử như việc không nên cứng nhắc trong việc lấy chỉ tiêu số lượng, bởi thực tế đây là vấn đề khó, không phải ai cũng có thể viết được. Việc tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, đội ngũ bí thư chi bộ nắm được những vấn đề căn cốt của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó, nhận diện những thông tin xấu, độc, những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động và có các hình thức tuyên truyền tiếp nối, mang tính lan tỏa nhiều khi còn có tác dụng tích cực, thiết thực hơn là buộc họ phải có sản phẩm là tác phẩm dự thi một cách miễn cưỡng, không bảo đảm chất lượng, không đúng thể loại chính luận. Đó cũng chính là cách tuyên truyền hiệu quả để nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cán bộ, đảng viên nói riêng, đông đảo quần chúng nói chung.

Một khi mỗi cán bộ, đảng viên hiểu một cách căn bản, thấu đáo, trên diện rộng như vậy, chắc chắn việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ thiết thực, hiệu quả hơn. Đồng thời, cũng tránh được bệnh hình thức, những cách làm qua loa, chiếu lệ, cốt cho xong việc mà thiếu trọng tâm, trọng điểm, sát hợp, thực chất, phù hợp với từng đối tượng. Có như thế, việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng, xây dựng nhận thức đúng đắn cho chính mình và cho quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng mới đi vào thực chất, chiều sâu, mang lại hiệu quả. Đồng thời, khi nắm chắc nội dung các chỉ thị, nghị quyết, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng kịp thời nhận diện, phê phán, chấn chỉnh những quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc, những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách kịp thời.

Còn những “rào cản” trong cung cấp, khai thác thông tin

Một vấn đề khác, các cơ quan chức năng có liên quan chưa chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời để tuyên truyền đúng, trúng, nhanh, làm cơ sở đấu tranh thuyết phục chống lại các thông tin sai trái, bịa tạc, bôi nhọ, phản động trên không gian ảo, các nền tảng mạng xã hội... Đó cũng chính là lý do khiến việc khai thác thông tin của các nhà báo nhiều khi không thuận lợi, bởi gặp những trở ngại, “rào cản”, “nút thắt” nhất định như các tài liệu đóng dấu “Mật”, nhiều thông tin cơ quan chức năng không thể cung cấp bởi đang trong quá trình điều tra, không thể tiết lộ... Việc khó khăn trong khai thác thông tin khiến phóng viên nói riêng, những người tham gia viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung gặp những “rào cản” trong tiếp cận thông tin, không có đủ tư liệu kịp thời, chính xác, chính thống, cần thiết để viết bài tuyên truyền.

Thiếu chiều sâu lý luận, sự sắc bén

Từ những “nút thắt” kể trên dẫn đến “nút thắt” tiếp theo, đó là việc tuyên truyền về Nghị quyết 35 còn thiếu chiều sâu lý luận, sự sắc bén, tính chiến đấu chưa cao. Thiếu chiều sâu lý luận cũng là điều dễ hiểu, bởi không phải nhà khoa học, chuyên gia nào cũng có thể chuyển tải thông tin lý luận một cách dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo. Bác Hồ từng nói rằng, “tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Mục đích hướng đến của việc tuyên truyền là phải đạt được điều Bác Hồ mong muốn, cũng chính là điều mà Đảng ta quyết tâm thực hiện. Trên thực tế, chúng ta đã đề cập rõ những nội dung tuyên truyền cụ thể, có bổ sung, thay đổi, cập nhật tùy vào diễn biến, tình hình cụ thể ở trong nước cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, lựa chọn nội dung gì để tuyên truyền, có kịp thời, phù hợp, hiệu quả; có đúng, đủ tầm, mức chiều sâu lý luận; sự sắc bén, bảo đảm tính chiến đấu hay không lại là những vấn đề đáng quan tâm. Đó cũng chính là lý do khiến việc lựa chọn chủ đề đôi khi còn chưa thật đúng, trúng, còn bị động, chạy theo việc “dập lửa” chứ chưa chủ động dự báo chính xác, đấu tranh từ gốc rễ, từ sớm, nhất là trước dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc như Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Quốc khánh 2/9, Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Hội đồng nhân dân mỗi nhiệm kỳ...

Theo Báo Vĩnh Phúc