(baovenentang.org.vn). Đại đa số cán bộ, đảng viên của ta biết giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, song vẫn còn một bộ phận không nhỏ thiếu kiên trì, nhẫn nại, thiếu khiêm tốn, sa vào chủ nghĩa cá nhân, không vượt qua được cám dỗ của tiền tài danh vọng và sắc dục dẫn đến đánh mất tất cả.
Tiêu đề bài viết là câu thơ số 2591 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du miêu tả nhân vật Hồ Tôn Hiến ''giật mình'' nhớ ra vị thế ''quan tổng đốc trọng thần'' của triều đình sau khi bắt Thúy Kiều ''thị yến dưới màn'', ''ép cung đàn nhặt tâu''.
''Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào.''
Xét trong trường hợp cụ thể này Hồ Tôn Hiến đã tỉnh táo, bản lĩnh để vượt qua được sự cám dỗ trước tài sắc của Thúy Kiều.
Từ câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du, nghĩ tới công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng nói chung, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng của Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã có không ít cán bộ, đảng viên giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở mắc khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xử lý hình sự, có thể khẳng định những người đó đã không giữ được ''phương diện quốc gia''.
Phương diện quốc gia theo chú giải của Truyện Kiều là ''bậc tai mắt của quốc gia, bậc người hệ trọng của nhà nước'', người cán bộ, đảng viên không giữ được phương diện quốc gia có nhiều nguy hại.
Thứ nhất là hại cho danh dự của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức mình đang công tác
Nhiều cán bộ, đảng viên khi nhận kỷ luật và đứng trước tòa đã phải ân hận, day dứt vì không chỉ mất tất cả, họ còn làm khổ người mẹ, người cha, người vợ, người chồng và con của mình; ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức mình đang công tác. Mức kỷ luật cán bộ, đảng viên hay bản án của tòa tuyên tùy thuộc vào mức độ vi phạm của các bị cáo nhưng có thể chắc chắn rằng bản án lương tâm, trách nhiệm, danh dự sẽ còn theo họ đến suốt cuộc đời.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở về danh dự của người cán bộ, đảng viên: ''Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã tổng kết: danh thơm thì còn mãi'', ''Tiền bạc lắm làm gì? Chết có mang đi theo được không? Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất''.
Danh dự, nhân phẩm không phải có được trong ngày một ngày hai mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, qua gian nan thử thách trong công việc và cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: ''Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân''.
Thứ hai là họ bị cấp trên trách phạt, dư luận xã hội lên án
Kỷ luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, lấy phòng ngừa, giáo dục thuyết phục là chính. Những người cố tình vi phạm sẽ có các quy tắc buộc họ phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Ba nhiệm kỳ gần đây, Trung ương đều ban hành các văn bản quan trọng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Hội nghị Trung ương 4, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao ''không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai''. Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Dư luận xã hội không khỏi thắc mắc, đặt câu hỏi khi nhiều cán bộ, đảng viên có chức, quyền có cuộc sống giàu sang không phải bằng thu nhập chính đáng, khác xa mức sống của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dư luận xã hội phẫn nộ, lên án gay gắt những trường hợp cán bộ, đảng viên bất chấp liêm sỉ, luật pháp, đạo đức để trục lợi ''Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham''. Dân gian vẫn nhắc chúng ta rằng: ''Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ'', trước khi hành động, hãy nghĩ đến hậu quả của hành động đó.
Thứ ba là họ trở thành ''tấm gương'' cho bọn xấu lợi dụng chống phá chế độ
Bọn chống phá chế độ nhân việc Đảng, Nhà nước sàng lọc những người không đủ tư cách ra khỏi hệ thống chính trị để xuyên tạc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng suy diễn trong Đảng có ''phe phái'', ''đấu đá nội bộ'' gây hoài nghi dẫn tới mất lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với chế độ. Từ một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm, chúng suy luận vô căn cứ khi cho rằng ''Đảng không còn mang bản chất giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc''. Chúng dùng lời ''đường mật'', ''bả vinh hoa'' để dụ dỗ, lôi kéo những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ''tự diễn biến'', ''tự chuyển hóa'' quay trở lại chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng có âm mưu lâu dài là xây dựng ''ngọn cờ'' để chống phá chế độ từ bên trong, làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam bị ''đổi màu, biến chất, mất vai trò lãnh đạo''.
Lời kết: Để giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự của mình nhằm phục vụ nhân dân, người cán bộ, đảng viên cần thường xuyên tu dưỡng đạo đức, học tập rèn luyện nâng cao trình độ trong đó đạo đức là gốc. Khi làm việc phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; ít lòng ham muốn về vật chất như lời Bác Hồ từng căn dặn. Mỗi đảng viên tốt sẽ góp phần giúp Đảng tốt hơn. Đảng phải kiên quyết, kiên trì, nghiêm khắc, gương mẫu trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn nhằm xây dựng được một đội ngũ biết giữ gìn ''phương diện quốc gia''./.
Mai Quang Thắng
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
Bài đăng trên http://truongchinhtritq.edu.vn/ ngày 24/12/2022