(baovenentang.org.vn). Bài viết phân tích chứng minh luận điểm cho chủ nghĩa Mác “bỏ rơi” con người là sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn, không có căn cứ. Bởi lẽ, chủ nghĩa Mác ra đời là nhằm mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột. Để giải phóng con người, chủ nghĩa Mác xuất phát từ con người hiện thực, đang sống, lao động, hoạt động thực tiễn; C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề ra giải pháp hiện thực để thực hiện mục tiêu giải phóng con người. Chủ nghĩa Mác không tuyệt đối hóa con người xã hội, luôn xem con người trong sự thống nhất giữa sinh học - xã hội.

Kể từ khi chủ nghĩa Mác ra đời năm 1848 đến nay đã xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc, vu khống chủ nghĩa Mác, trong đó có luận điệu xuyên tạc, vu khống cho chủ nghĩa Mác đã "bỏ rơi" con người, cố tình quên con người, chỉ quan tâm đến con người giai cấp, con người chính trị. Thậm chí, J.P. Sartre còn cho rằng, cần phải bổ sung chủ nghĩa Mác bằng chủ nghĩa hiện sinh, dùng chủ nghĩa hiện sinh để bổ sung những thiếu hụt trong chủ nghĩa Mác về con người. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, cả về phương diện lý luận và thực tiễn, chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa nhân văn vì con người nhất, cho con người nhất. Từ đó, có thể khẳng định, chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa nhân đạo triệt để nhất. Điều này thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

Một là, chủ nghĩa Mác ra đời là nhằm mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột

Ngay từ năm 1844, C.Mác đã phê phán các nhà kinh tế học đương thời vì họ “coi người công nhân chỉ là một súc vật lao động, chỉ là một con vật mà nhu cầu được quy thành những nhu cầu thể xác thiết yếu nhất mà thôi”(1). Đồng thời, C.Mác cho rằng, “chủ nghĩa cộng sản với tính cách là sự xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu - sự tự tha hóa ấy của con người - và do đó với tính cách là sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người”(2). Theo C.Mác, đây mới là chủ nghĩa cộng sản đích thực. Ở đây, C.Mác gọi chủ nghĩa cộng sản là “chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị”(3). Như vậy, chủ nghĩa cộng sản - “chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị” - có nhiệm vụ giải phóng con người bằng cách đưa lại cho con người bản chất đích thực của con người. Bên cạnh đó, trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Lời nói đầu, C.Mác đã kêu gọi phải đập tan, xóa bỏ mọi quan hệ nô dịch con người. Ông viết: “người là sinh vật tối cao đối với con người, do đó, dẫn đến cái mệnh lệnh tuyệt đối đòi phải lật đổ tất cả những quan hệ trong đó con người là một sinh vật bị làm nhục, bị nô dịch, bất lực, bị khinh rẻ”(4). Cũng trong tác phẩm này, C.Mác khẳng định lại “bản thân con người là bản chất tối cao của con người”(5). Điều này được thể hiện rõ hơn trong một đoạn khác của tác phẩm: “Sự giải phóng duy nhất thực tiễn có thể có của nước Đức là sự giải phóng theo quan điểm của cái lý luận tuyên bố bản thân con người là bản chất tối cao của con người”(6). Nghĩa là, con người là bản chất tối cao của chính mình. Vì vậy, phải giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức con người. Như vậy, từ rất sớm, C.Mác đã đề cao việc giải phóng con người. Tư tưởng giải phóng con người được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, khi C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(7). Trong xã hội cộng sản chủ nghĩa, “giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các công xưởng như hiện nay…, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(8). Sở dĩ, C.Mác và Ph.Ăngghen có tư tưởng nhân đạo giải phóng con người là bởi các ông vốn có tình yêu thương con người, trước hết là người lao động và tìm cách để giải phóng họ. Ngay khi còn trẻ (mới hơn 17 tuổi), C.Mác đã viết trong bài luận văn thi tốt nghiệp trường trung học rằng: “Nếu con người làm việc chỉ vì bản thân mình thì may ra có thể trở thành một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái vĩ đại, một nhà thơ ưu tú, nhưng không bao giờ có thể trở thành con người thực sự hoàn thiện và vĩ đại. Nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta sẽ không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người”(9). Với Ph.Ăngghen cũng vậy, mặc dù sinh ra trong một gia đình chủ xưởng dệt, thuộc tầng lớp trên, nhưng ông đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột. Chỉ với sự am hiểu và cảm thông sâu sắc với những người lao động thì mới viết được những dòng như sau: “Nhưng cái đói thì như thế nào, nó đắng hay ngọt, điều đó đâu có liên quan tới nhà nước; nhà nước ném những kẻ bị đói này vào các nhà tù của mình hoặc đẩy họ đến những trại giam phạm nhân, còn khi nhà nước thả họ ra khỏi nhà tù và trại giam, thì nhà nước có thể hài lòng nhìn thấy thành quả đã đạt được: nhà nước đã biến những con người bị tước mất bánh mì thành những con người bị tước mất cả đạo đức nữa”(10). Rõ ràng, cả C.Mác lẫn Ph.Ăngghen, ngay từ rất sớm đến lúc lìa xa cuộc đời luôn phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng con người, trước hết là giải phóng người lao động khỏi bất công, áp bức, bóc lột. Cũng vì vậy mà chủ nghĩa Mác không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu giải phóng con người. Thực tiễn hơn 175 năm qua của chủ nghĩa Mác đã chứng tỏ rất rõ mục tiêu này.

Hai là, để giải phóng con người, chủ nghĩa Mác xuất phát từ con người hiện thực, đang sống, lao động, hoạt động thực tiễn

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, để giải phóng được con người thì phải xuất phát từ con người hiện thực, con người với tư cách là tiền đề của lịch sử: “Những tiền đề xuất phát của chúng tôi không phải là những tiền đề tùy tiện, không phải là giáo điều; đó là những tiền đề hiện thực mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng thôi. Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra…”(11); “Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống”(12). Cách xem xét này bắt đầu từ những tiền đề hiện thực, là những cá nhân hiện thực với những hoạt động hiện thực của họ. C.Mác, Ph.Ăngghen bắt đầu từ con người, chứ không phải “bỏ rơi” con người như những luận điệu xuyên tạc, vu khống. Tuy nhiên, quan niệm về con người của C.Mác, Ph.Ăngghen khác với quan điểm của phái Hegel trẻ cũng như quan điểm của L.Feuerbach ở chỗ, con người với tư cách là tiền đề của lịch sử nhưng lại là con người hiện thực. Trong khi đó, phái Hegel trẻ lại xem xét con người về mặt ý thức - con người là một thực thể tự ý thức. Vì vậy, họ xem quá trình lịch sử xã hội như là quá trình tự ý thức của con người và được biểu hiện ra ở mặt ý thức, tinh thần của xã hội. Còn L.Feuerbach xem xét con người theo quan điểm duy vật, con người bằng xương, bằng thịt, muốn tìm bản chất con người trong đời sống vật chất, trong sự tồn tại trong môi trường của nó. Thế nhưng, do chưa thoát khỏi tính trừu tượng về con người, chỉ dừng lại ở mặt tự nhiên của con người (những tình cảm mang tính tộc loại, cố hữu, vốn có để phân biệt với con vật), không coi đó là sản phẩm của lịch sử, xã hội, nên L.Feuerbach không thấy sự biến đổi của con người trong lịch sử - xã hội.

Từ đó, C.Mác, Ph.Ăngghen cũng chỉ ra sự khác nhau giữa triết học của các ông với triết học Đức đương thời. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Hoàn toàn trái với triết học Đức là triết học từ trên trời đi xuống đất, ở đây, chúng ta từ dưới đất đi lên trời, tức là chúng ta không xuất phát từ những điều mà con người nói, tưởng tượng, hình dung, chúng ta cũng không xuất phát từ những con người chỉ tồn tại trong lời nói, trong ý nghĩ, trong tưởng tượng, trong biểu tượng của người khác, để từ đó mà đi tới những con người bằng xương bằng thịt; không, chúng ta xuất phát từ những con người đang hành động, hiện thực và chính là cũng xuất phát từ quá trình đời sống hiện thực của họ mà chúng ta mô tả sự phát triển của những phản ánh tư tưởng và tiếng vang tư tưởng của quá trình đời sống ấy”(13).

Khác với triết học Đức “hoàn toàn không có tiền đề gì cả”, tiền đề của triết học Mác xuất phát từ tiền đề hiện thực: “Cách xem xét này không phải không có tiền đề. Nó xuất phát từ những tiền đề hiện thực và không phút nào xa rời những tiền đề ấy. Những tiền đề ấy là những con người, không phải những con người ở trong một tình trạng biệt lập và cố định tưởng tượng mà là những con người trong quá trình phát triển - quá trình phát triển hiện thực và có thể thấy được bằng kinh nghiệm - của họ dưới những điều kiện nhất định”(14). Điều này càng chứng tỏ rằng, chủ nghĩa Mác đã xuất phát từ con người hiện thực nhằm giải quyết những vấn đề của chính con người, mà trọng tâm là giải phóng con người. Do vậy, chủ nghĩa Mác không hề xa lạ với con người, không hề “bỏ rơi” con người như vẫn bị xuyên tạc, vu khống.

Ba là, để giải phóng con người, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề ra giải pháp hiện thực nhằm thực hiện mục tiêu này

Thực tế cho thấy, C.Mác và Ph.Ăngghen không phải là những người đầu tiên sáng lập ra chủ nghĩa nhân văn, giải phóng con người. Khác với các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng và trào lưu tư tưởng nhân văn khác, C.Mác và Ph.Ăngghen không chỉ mong muốn giải phóng con người khỏi sự nô dịch, áp bức, bóc lột, mà còn chỉ ra con đường, biện pháp, cách thức hiện thực để giải phóng họ trên thực tế. Chúng ta đều rõ, quan điểm của Saint Simon chứa đựng mầm mống của hầu hết những tư tưởng của những nhà xã hội chủ nghĩa sau này. Trong khi đó, Charles Fourier lại phê phán chế độ xã hội đương thời với một sự hóm hỉnh, thông minh, sâu sắc. Charles Fourier tóm lấy lời nói của giai cấp tư sản, của bọn tiên tri cổ vũ cho giai cấp đó trước cách mạng và của bọn xu nịnh bị mua chuộc sau cách mạng. Ông thẳng tay vạch trần sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần của thế giới tư sản, đồng thời đem nó đối chiếu với những hứa hẹn hấp dẫn của các nhà khai sáng về một xã hội trong đó chỉ có lý tính thống trị và con người được giải phóng(15). Với Robert Owen, từ năm 1800 đến năm 1829, ông đã điều khiển một xưởng kéo sợi từ 500 công nhân lên đến 2.500 công nhân và làm cho những công nhân này thành những cư dân kiểu mẫu. Ông đã làm cho công nhân đúng phẩm cách con người; lập trường mẫu giáo cho trẻ là con công nhân từ 02 tuổi trở lên; lao động không quá 10,5 giờ/ngày, trong khi đó những nơi cạnh trạnh với ông bắt công nhân làm việc từ 13 - 14 giờ/ngày(16)… Những điều đó vẫn chưa làm cho Robert Owen hài lòng, sau nhiều năm cố gắng, vào năm 1819, ông đã thông qua được đạo luật đầu tiên hạn chế lao động của phụ nữ và trẻ em trong các công xưởng, ông còn tổ chức ra các hợp tác xã tiêu dùng, chủ tọa đại hội đầu tiên thành lập tổng công hội(17). Tuy nhiên, cả Saint Simon, Charles Fourier và Robert Owen đều không đưa ra được những giải pháp hiện thực, triệt để nhằm giải phóng người lao động.

Khác và hơn hẳn với các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng này, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân và tuyên bố đây là lực lượng đào huyệt chôn giai cấp tư sản, xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng một xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản thể hiện:

Thứ nhất, lật đổ giai cấp tư sản, tổ chức thành giai cấp thống trị: “Giai cấp vô sản thiết lập sự thống trị của mình bằng cách dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản”(18); “Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”(19).

Thứ hai, xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới: “Những người vô sản chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá hủy hết thảy những cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu..., làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội quan phương”(20).

Thứ ba, giải phóng toàn xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột. “Giai cấp vô sản, không còn có thể tự giải phóng khỏi ách của giai cấp bóc lột và áp bức mình, tức là giai cấp tư sản, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách bóc lột, áp bức, khỏi tình trạng phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp”(21). Con đường để thực hiện sứ mệnh lịch sử đó là bạo lực cách mạng.

Như vậy, chủ nghĩa Mác không chỉ đề ra mục tiêu giải phóng con người, mà còn đề ra con đường, biện pháp để giải phóng triệt để con người trên thực tế. Với chủ nghĩa Mác, con người được giải phóng, được tự do phát triển toàn diện. Đây là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa và cũng là mục tiêu nhân văn cao cả triệt để của chủ nghĩa Mác. Do đó, nói chủ nghĩa Mác “bỏ rơi” con người là một sự vu khống, xuyên tạc trắng trơn.

Bốn là, chủ nghĩa Mác không tuyệt đối hóa con người xã hội, luôn xem con người trong sự thống nhất giữa sinh học - xã hội

Chúng ta đều rõ, ngay từ trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác đã chỉ rõ: “Giới tự nhiên… - là thân thể vô cơ của con người ”(22); “Con người trực tiếp là thực thể tự nhiên(23); “Bản chất con người của tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội(24). Nghĩa là, con người không thể tồn tại thiếu mặt tự nhiên, sinh học. Mặt tự nhiên, sinh học như là tiền đề hiển nhiên trong con người. Trong tác phẩm Luận cương về Phoiơbắc, khi khẳng định “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(25) là C.Mác muốn nói tới bản chất xã hội của con người. Bởi vì, L.Feuerbach là người đã xem xét con người sinh học khá hoàn chỉnh, nhưng ông lại chưa thấy con người xã hội. Con người xã hội chỉ được L.Feuerbach xem dưới bản chất tôn giáo. Đúng như C.Mác đã chỉ ra: “Phoiơbắc hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người(26). Tuy nhiên, “Phoiơbắc không thấy rằng bản thân “tình cảm tôn giáo” cũng là một sản phẩm xã hội và cá nhân trừu tượng mà ông phân tích, trên thực tế, là thuộc một hình thức xã hội nhất định”(27). Điều này cho thấy, khi kế thừa L.Feuerbach, C.Mác đã tiếp thu có phê phán L.Feuerbach do không xem xét mặt xã hội của con người, mà chỉ xem xét mặt sinh học đơn thuần. Điều này chứng tỏ C.Mác không xem con người chỉ có mặt xã hội đơn thuần và càng không thể khẳng định C.Mác tách mặt xã hội khỏi mặt sinh học, tự nhiên. Những ai khẳng định như vậy là rõ ràng không hiểu C.Mác, hoặc cố tình vu khống C.Mác. Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo, và một vài thứ khác nữa”(28). Sau này, trong điếu văn đọc trước mộ C.Mác, Ph.Ănghhen có nhắc lại điều này: “cái sự thật giản đơn đã bị những tầng tầng lớp lớp tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v. được; vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta, cho nên phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm”(29). Rõ ràng, con người cần phải có thức ăn, đồ uống, nhà ở, quần áo, v.v. rồi mới làm nên lịch sử của mình. Thức ăn, đồ uống, nhà ở, quần áo, v.v. là những nhu cầu hiển nhiên của con người không cần phải nhắc, chứ không phải C.Mác và Ph.Ăngghen không quan tâm tới khía cạnh sinh học của con người. Mặt sinh học của con người, theo C.Mác, còn thể hiện ở chỗ: “Về mặt thể xác, con người chỉ sống bằng những sản phẩm tự nhiên ấy, dù là dưới hình thức thực phẩm, nhiên liệu, áo quần, nhà ở, v.v.. Về mặt thực tiễn, tính phổ biến của con người biểu hiện ra chính ở cái tính phổ biến toàn bộ giới tự nhiên thành thân thể vô cơ của con người, vì thứ nhất, giới tự nhiên là tư liệu sinh sống trực tiếp đối với con người, và thứ hai, giới tự nhiên là vật liệu, đối tượng và công cụ của hoạt động sinh sống của con người. Giới tự nhiên - cụ thể là cái giới tự nhiên trong chừng mực nó không phải là thân thể của con người - là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên..., vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên”(30). Vì vậy, giống như các loài động vật khác, con người chịu sự quy định của các quy luật tự nhiên. Nhưng, con người khác con vật, “con vật đồng nhất trực tiếp với hoạt động sinh sống của nó. Nó không tự phân biệt nó với hoạt động sinh sống của nó. Nó là hoạt động sinh sống ấy. Còn con người thì làm cho bản thân hoạt động sinh sống của mình trở thành đối tượng của ý chí và ý thức của mình. Hoạt động sinh sống của con người là hoạt động sinh sống có ý thức”(31). Đúng như trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen đã viết: “Thú vật cũng có một lịch sử, chính là lịch sử nguồn gốc của chúng và lịch sử phát triển dần dần của chúng cho tới trạng thái hiện nay của chúng. Nhưng lịch sử ấy không phải do chúng làm ra và trong chừng mực mà chúng có tham dự vào việc làm ra lịch sử ấy thì điều đó diễn ra mà chúng không hề biết và không phải do ý muốn của chúng. Ngược lại, con người càng cách xa con vật, hiểu theo nghĩa hẹp của từ này bao nhiêu thì con người lại càng tự mình làm ra lịch sử của mình một cách có ý thức bấy nhiêu”(32). Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “Con người làm ra lịch sử của mình - vô luận là lịch sử này diễn ra như thế nào”(33). Do vậy, ngoài việc chịu sự quy định của các quy luật tự nhiên, con người còn chịu sự tác động của các quy luật xã hội và quy luật của tâm lý, ý thức. Hơn nữa, con người không chỉ là chủ thể sáng tạo ra lịch sử của mình mà còn là sản phẩm của sự phát triển xã hội nữa. “... Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức đó”(34). Tất nhiên, các quy luật tự nhiên, xã hội, tâm lý và ý thức tác động tới con người một cách đan xen chứ không riêng rẽ. Giữa mặt sinh học và mặt xã hội trong con người cũng thống nhất hữu cơ không tách rời nhau. Sự thống nhất giữa mặt sinh học và mặt xã hội của con người không phải là sự thống nhất trong sự tồn tại cô lập của các cá thể người, mà là sự thống nhất được biểu hiện ra trong đời sống hiện thực, trong hoạt động sinh sống của con người. Do vậy, cái sinh học trong con người không còn đơn thuần là sinh học thuần túy, mà đã mang tính xã hội và cái xã hội trong con người phải dựa trên tiền đề, cơ sở sinh học, phù hợp với nền tảng sinh học thì mới phát triển. Cơ sở của sự thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội là lao động. Chính vì vậy, Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Các nhà kinh tế chính trị khẳng định rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải... Nhưng lao động còn là một cái gì vô cùng lớn lao hơn thế nữa. Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức và trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: lao động đã sáng tạo ra bản thân con người”(35). Do vậy, cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác về con người không bao giờ tách biệt mặt sinh học với mặt xã hội.

Với sự phân tích như trên cho thấy, những ai cho rằng chủ nghĩa Mác chỉ thấy con người xã hội, con người giai cấp, không quan tâm đến con người sinh học là không có căn cứ và là một sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn hoặc cố tình không chịu hiểu chủ nghĩa Mác. Quán triệt nguyên tắc kiên định và vận dụng, bổ sung phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sau hơn 35 năm đổi mới Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong giải phóng con người Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường, thì ‘‘người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần ba lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng ta đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc’’(36); “Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển”(37). Đó cũng là một minh chứng sống cho thấy đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con người luôn là trung tâm quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước Việt Nam./

GS.TS Trần Văn Phòng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài đăng trên hcma2.hcma.vn ngày 30/5/2023

(1), (2), (3), (22), (23), (24), (30) và (31) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.83, 167, 167, 135, 232, 170, 135 và 136

(4), (5), (6) và (10) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.1, Sđd, 1995, tr.581, 589, 589 và 698

(7), (8), (18), (19) và (20) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.4, Sđd, 1995, tr. 618, 628, 612, 626 và 611

(9) Elêna Ilina, Tuổi trẻ Các Mác, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1978, tr.110

(11), (12), (13), (14), (25), (26), (27), (28) và (34) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.3, Sđd, 1995, tr.28, 29, 37-38, 38, 11, 11, 11, 40 và 55

(15), (16), (17), (32) và (35) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.20, Sđd, 1995, tr.360-361, 363, 366, 476 và 641

(21) và (33) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.21, Sđd, 1995, tr.523 và 436

(29) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.19, Sđd, 1995, tr.950

(36) và (37) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.32 và 32-33