Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị”[1]. Nạn “chạy chức” đã thực sự trở thành vấn nạn. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tư tưởng của Lênin về đánh giá, sử dụng cán bộ là những chỉ dẫn quý báu giúp Đảng ta ngăn chặn, đẩy lùi nạn “chạy chức” trong công tác cán bộ hiện nay.

1. Tư tưởng của Lênin về đánh giá cán bộ

Một là, đánh giá cán bộ phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển: Theo Lênin đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện trên cơ sở thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ. Lênin chỉ rõ: “Trách nhiệm của những người cộng sản không phải là giấu giếm những nhược điểm trong phong trào của mình, mà là công khai phê phán những nhược điểm đó, để khắc phục được chúng một cách nhanh chóng và triệt để hơn”[2]. Thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm với tinh thần xây dựng là một trong những yêu cầu trong đánh giá cán bộ. Khi quyền lực đặt vào tay một người quá nhiều mà không có cơ chế để kiểm soát thì sẽ dễ dẫn đến lộng quyền: “Đồng chí Xta-lin, sau khi trở thành tổng bí thư, đã tập trung trong tay mình quyền hạn rộng lớn và tôi không chắc rằng đồng chí ấy lúc nào cũng biết sử dụng quyền hạn ấy một cách thận trọng đúng mức”[3] hay “Xta-lin quá thô bạo, và nhược điểm đó, tuy hoàn toàn có thể dung thứ được trong môi trường chúng ta, trong quan hệ giữa những người cộng sản chúng ta, nhưng lại trở thành một nhược điểm không thể dung thứ được trong cương vị tổng bí thư. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí nghĩ cách chuyển Xta-lin khỏi cương vị đó và cử một người khác vào cương vị đó, một người mà về mọi phương diện khác trội hơn đồng chí Xta -lin ở một ưu điểm duy nhất, cụ thể là khoan dung hơn, từ tốn hơn, lịch thiệp hơn và quan tâm đến đồng chí nhiều hơn, tính tình ít thất thường hơn v.v..”[4].

Người cán bộ dù ở cương vị nào cũng phải được đánh giá toàn diện có ưu điểm, khuyết điểm: “nét nổi bật của đồng chí Tơ-rốt-xki - như cuộc đấu tranh của đồng chí ấy chống lại Ban chấp hành trung ương về vấn đề Bộ dân uỷ giao thông đã cho thấy rõ - không phải chỉ là những khả năng xuất sắc. Xét về cá nhân, có lẽ đồng chí ấy là người có năng lực nhất trong Ban chấp hành trung ương hiện nay, nhưng lại là người tự tin quá đáng và say mê quá mức mặt thuần tuý hành chính của công việc”[5].

Hai là, đánh giá cán bộ phải rõ ràng, cụ thể và công khai: Lênin đã chỉ ra hạn chế của một số cán bộ một cách cụ thể: “không hề có chút suy nghĩ nào, không có một sự chuẩn bị nào, chỉ có sự bận rộn tíu tít như thường thấy, ban này ban nọ rất nhiều, tất cả đều mệt lử, kiệt sức, ốm cả người”[6] hay “say mê với những việc xây dựng lại, những việc cải tổ, với đường lối lý thuyết (đồng chí có nhược điểm trên vấn đề này) - để thay cho công tác thực tiễn, thực tiễn và thực tiễn”[7].

Trong đánh giá cán bộ phải thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm của cán bộ mình, chính điều đó sẽ giúp cán bộ tiến bộ lên: “… nếu chúng ta không sợ nói thẳng cái sự thật dù là rất cay đắng và nặng nề, thì chắc chắn và nhất định chúng ta sẽ học được cách chiến thắng tất cả mọi khó khăn”[8]. Lênin công khai chỉ ra khuyết điểm của Bu-Kha-rin: “Bu-Kha-rin không những là một nhà lý luận quý nhất và lớn nhất của đảng ta, mà còn đáng được coi là người được toàn đảng yêu mến, nhưng rất khó có thể xếp những quan điểm lý luận của đồng chí ấy vào loại những quan điểm hoàn toàn mác xít, vì ở đồng chí ấy có một cái gì kinh viện chủ nghĩa (đồng chí ấy không bao giờ học và tôi nghĩ rằng không bao giờ hiểu đầy đủ phép biện chứng)”[9]. Đánh giá cán bộ phải rõ ràng, rành mạch: “Là những cán bộ đảng viên cộng sản và những cán bộ công đoàn trên cương vị là những cán bộ xô-viết hoặc là những cựu chiến sĩ, các đồng chí rất thường hay lảng tránh và thờ ơ với công tác kinh tế, một công tác khó khăn, lâu dài, chán ngán, một công tác đòi hỏi những thử thách gian lao, những cố gắng lâu dài, tính tự chủ, tính chính xác và lòng kiên nhẫn, viện cớ là trước đây chúng ta đã làm được những việc vĩ đại; các đồng chí làm tôi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn về những con ngỗng đã khoe khoang rằng chúng “đã cứu được thành La Mã" nhưng đã bị bác nông dân giơ thanh củi lên và bẻ lại: "Thôi hãy gác chuyện ông cha ngày xưa lại, và hãy nói xem chúng mày đã làm được công cán gì chưa?”[10].

Ba là, đánh giá cán bộ phải phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, của các tổ chức mà cán bộ là thành viên: Tổ chức và những cán bộ trong tổ chức quyết định đến kết quả đánh giá cán bộ. Vì vậy, tổ chức và từng cá nhân đánh giá phải có cách nhìn công tâm, khách quan và phải phát huy đầy đủ trách nhiệm: “Phải biết quý trọng khoa học, gạt bỏ thái độ huênh hoang "cộng sản" của những nhà tài tử và của những anh chàng quan liêu, phải học tập làm việc một cách có hệ thống, sử dụng chính ngay kinh nghiệm của mình và thực tiễn của mình”[11].

Bốn là, đánh giá cán bộ phải lấy hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu: Lênin chỉ ra rằng: “một người cách mạng mà giống như một thư ký hội công liên hơn là một người bảo vệ quyền lợi của nhân dân, mà không có khả năng đưa ra một kế hoạch mạnh bạo có một quy mô lớn làm cho ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể, một người cách mạng mà thiếu kinh nghiệm và vụng về trong nghệ thuật chuyên môn của mình - tức là đấu tranh chống bọn cảnh sát chính trị - th có phải là một người cách mạng không, - không! đó chỉ là một người thủ công nghiệp khốn khổ mà thôi”[12]. Những người mà chúng ta quyết định nhận ngay vào cơ quan thì phải có đủ những điều kiện sau đây:

“một là, họ được nhiều đảng viên cộng sản giới thiệu;

hai là, họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết bộ máy nhà nước của chúng ta;

ba là, họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết lý luận thường thức về bộ máy nhà nước của chúng ta, những nguyên tắc của khoa học quản lý, những giấy tờ sổ sách v.v...;

bốn là, họ phải phối hợp tốt công tác với những uỷ viên Ban kiểm tra trung ương và  với ban thư ký riêng của mình, sao cho chúng ta có thể đảm bảo cho toàn thể bộ máy chạy tốt”[13].

Hiệu quả, chất lượng hoàn thành công việc là thước đo trong đánh giá cán bộ. Có như vậy, đánh giá cán bộ mới không mang tính cảm tính: “Chúng ta không nên yên trí mà cho rằng, trong các tơ-rớt nhà nước và trong những công ty hợp doanh đều có những người cộng sản rất tốt phụ trách; điều đó không có nghĩa lý gì vì những người cộng sản ấy chưa biết cách làm ăn đâu, và về mặt đó, họ còn tồi hơn một người bán hàng tầm thường của nhà tư bản, là kẻ đã từng được rèn luyện qua các nhà máy lớn và các tiệm buôn lớn. Đó là điều mà chúng ta không nhận thức được; đó là bệnh kiêu ngạo của người cộng sản - nói theo tiếng Nga cao quý là như thế. Vấn đề là ở chỗ, một người cộng sản có trách nhiệm, một người cộng sản ưu tú nhất, rõ ràng là chân thành và tận tụy, tuy đã từng chịu cảnh tù đày và không hề sợ chết, nhưng không biết buôn bán, vì người cộng sản đó không phải là một nhà doanh nghiệp, không học tập việc đó và cũng không muốn học cái đó, và không hiểu rằng anh ta phải học từ a, b, c”[14]. Khi hiệu quả công việc thấp hay không hoàn thành cần phải đánh giá lại phẩm chất, năng lực của cán bộ và bố trí, sắp xếp công việc phù hợp: “trong chừng mực nào đó cần phải đánh giá lại các cán bộ lãnh đạo, cần phải tiến hành phân bố lại các cán bộ lãnh đạo khi họ không thể thích ứng với điều kiện mới và nhiệm vụ mới.”[15]

2. Tư tưởng của Lênin về sử dụng cán bộ

Một là, sử dụng cán bộ phải đúng người, đúng việc, kịp thời, đúng lúc và tạo điều kiện để cán bộ phát triển: Theo Lênin sử dụng cán bộ phải đúng người, đúng việc: “chúng ta phải xây dựng kinh nghiệm cho mình để có thể phân phối đúng các vai trong dàn hợp tấu, để đối với người này thì giao cây vĩ cầm đầy tình cảm, đối với người kia thì giao cây đàn trầm cuồng bạo, đối với người khác nữa thì giao cho cây gậy chỉ huy dàn nhạc”[16] hay “những người tổ chức có tài phải thực tế nổi bật lên và phải được đề bạt lên những chức vụ cao trong sự nghiệp quản lý nhà nước”[17]. Khi sử dụng cán bộ phải tạo điều kiện để cán bộ phát triển, có thêm cơ hội cống hiến: “chúng ta biết rằng trong công nhân và nông dân bình thường có rất nhiều người trung thành với quyền lợi của quần chúng lao động và có khả năng làm công tác lãnh đạo. Trong số đó, có rất nhiều người có tài tổ chức và quản lý mà chủ nghĩa tư bản không để họ phát triển tài năng, nhưng chúng ta thì hết sức giúp đỡ và phải giúp đỡ họ vươn lên và bắt tay vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tìm ra được những tài năng mới, khiêm tốn, ít biểu lộ ra, đó là một việc không phải dễ dàng. Lôi cuốn những người công nhân và nông dân bình thường, bị bọn địa chủ và bọn tư bản đàn áp, làm cho khiếp sợ trong nhiều thế kỷ, để họ tham gia công tác nhà nước, không phải là việc dễ dàng đâu. Nhưng chính công việc không dễ làm đó là công việc chúng ta phải tiến hành, nhất thiết phải tiến hành để khai thác sâu hơn nữa những lực lượng mới trong giai cấp công nhân và nông dân lao động”[18].

Để tìm được người cán bộ có bản lĩnh, có phẩm chất đạo đức và năng lực là việc làm khó khăn, lâu dài. Bố trí người cán bộ vào những vị trí cao hơn cần phải qua thử thách và rèn luyện để cán bộ trưởng thành: “chú ý tìm cho ra và thử thách một cách hết sức nhẫn nại, hết sức thận trọng những người thực sự có tài tổ chức, những người có bộ óc sáng suốt và có bản lĩnh tháo vát trong thực tiễn, những người vừa trung thành với CNXH lại vừa có năng lực lặng lẽ (bất chấp sự hỗn loạn và ồn ào) tổ chức công tác chung vững chắc và nhịp nhàng của một khối người to lớn trong phạm vi tổ chức xô-viết. Chỉ có những người như thế, chúng ta mới đề bạt lên những chức vụ lãnh đạo lao động của nhân dân, lên những chức vụ lãnh đạo quản lý, sau khi đã thử thách họ hàng chục lần bằng cách cho họ đảm nhận từ những nhiệm vụ đơn giản nhất đến những nhiệm vụ khó khăn nhất”[19].

Hai là, sử dụng cán bộ phải khách quan, công tâm, toàn diện: “Trong công nhân và nông dân chắc chắn là có nhiều tài năng tổ chức hơn so với sự  tưởng tượng và sự hình dung của giai cấp tư sản, nhưng vấn đề là ở chỗ những tài năng ấy không có điều kiện nào cho phép được nảy nở, củng cố và giành một vị trí trong hoàn cảnh kinh tế tư bản chủ nghĩa....cần thiết phải thu hút rộng rãi các tài năng tổ chức mới tham gia vào sự nghiệp quản lý nhà nước, nếu chúng ta - xuất phát từ chính những nguyên tắc của Chính quyền xô-viết, - có thể đề bạt một cách có hệ thống những nhà hoạt động đã được thử thách qua thực tiễn trong lĩnh vực ấy, thì chúng ta sẽ có thể trong một thời gian ngắn đạt tới chỗ là trên cơ sở những nguyên tắc được Chính quyền xô-viết phát triển, được đưa vào quần chúng và sau đó được quần chúng thực hiện dưới sự kiểm soát của các uỷ viên của các cơ quan xô-viết, đại diện cho quần chúng- cả một lớp mới những cán bộ tổ chức sản xuất thực tiễn sẽ được đề bạt, sẽ giành được vị trí của mình, sẽ có một địa vị lãnh đạo xứng đáng”[20], bởi vì “Trong “nhân dân”, nghĩa là trong công nhân và những nông dân không bóc lột lao động của người khác, có rất nhiều nhà tổ chức có tài. Chính tư bản đã vùi dập, đã bóp chết, vứt bỏ hàng nghìn những nhà tổ chức như thế. Chúng ta vẫn chưa biết phát hiện, khuyến khích, nâng đỡ, đề bạt họ. Nhưng chúng ta sẽ học tập được cách làm công tác đó, nếu chúng ta bắt tay vào việc học cách làm công tác đó với tất cả nhiệt tình cách mạng, vì thiếu nhiệt tình này thì cách mạng sẽ không thể nào thắng lợi được”[21]. Khi sử dụng cán bộ, yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất là cán bộ đó có xứng đáng với vị trí được giao hay không? Có lợi cho sự nghiệp cách mạng không, Lênin đã chỉ ra: “Chúng ta cần phải lựa chọn cán bộ phụ trách, và ở đây không thể có vấn đề không tín nhiệm đối với một người nào đó đã không được bầu, mà chỉ có vấn đề xét xem việc đó có lợi cho sự nghiệp không, và người được lựa chọn có xứng đáng với chức vụ mà người ấy sẽ đảm nhiệm không”[22].

Ba là, sử dụng cán bộ phải bảo đảm sự đoàn kết trong địa phương, cơ quan, đơn vị: Đoàn kết, thống nhất trong địa phương, cơ quan, đơn vị là một trong những yêu cầu đặt ra khi bố trí, sử dụng cán bộ. Khi thuyên chuyển cán bộ, cần đảm bảo yếu tố ổn định của cơ quan, tổ chức: “Về vấn đề thuyên chuyển thì bổ sung như sau: sao cho không làm ảnh hưởng đến việc giới thiệu công tác với những người mà vấn đề thuyên chuyển họ được bàn đến, và sao cho không ảnh hưởng đến công tác, nghĩa là chỉ tiến hành bằng cách nào để việc đảm nhiệm công tác luôn luôn nằm trong tay những cán bộ hoàn toàn am hiểu công việc chuyên môn và đảm bảo thắng lợi cho công tác”[23].

Bốn là, sử dụng cán bộ phải tạo lập được sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cán bộ trong cùng tổ chức: Phải sử dụng, bố trí cán bộ như thế nào để cán bộ trong cùng tổ chức hỗ trợ được lẫn nhau: “đánh sai nốt nhạc (khi nhạc điệu bắt đầu làm chối tai), để sửa lại nốt sai đó thì nên chuyển chỗ ai, như thế nào và vào chỗ nào v.v..”[24]. Mỗi cán bộ có những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau nên khi sử dụng cán bộ phải biết kết hợp hài hòa các yếu tố đó trong từng người cán bộ. Người biết sử dụng cán bộ là biết sử dụng tất cả cán bộ thuộc các thành phần khác nhau vì mục đích chung: “để đạt tới mục đích chủ yếu của chúng ta là: "công nhân hoá" các bộ máy của chúng ta nhiều hơn nữa, rộng hơn nữa, nhanh hơn nữa, tốt hơn nữa, - thu hút công nhân và nông dân lao động nhiều hơn nữa vào việc tham gia quản lý công nghiệp và kinh tế quốc dân nói chung, - không những chỉ thu hút những cá nhân nông dân và công nhân đã được thử thách tốt trong công tác, mà nhất thiết phải thu hút với mức độ lớn hơn nữa các công đoàn, sau đó là thu hút các hội nghị đại biểu công nhân và nông dân không đảng phái, - thu hút cho bằng hết mọi chuyên gia tư sản”[25].

3. Phòng, chống nạn “chạy chức” trong công tác cán bộ hiện nay dựa trên những chỉ dẫn của Lênin về đánh giá, sử dụng cán bộ

Tư tưởng về đánh giá, sử dụng cán bộ của Lênin là những chỉ dẫn quý báu để Đảng ta thực hiện tốt công tác cán bộ, Đảng thực sự tìm được “hiền tài” phục vụ nhân dân lao động và toàn dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ  theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị”[26].

Hiện nay, nạn “chạy chức” đã thực sự trở thành vấn nạn. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các khâu trong các tác cán bộ đều xảy ra vi phạm nhưng khâu đánh giá, sử dụng cán bộ là khâu dễ bị lợi dụng và xảy ra vi phạm nhiều: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”[27]. Từ chỗ chỉ có “một số cán bộ đảng viên” đến nay là “một bộ phận không nhỏ” và trở thành “một nhóm lợi ích” đang tồn tại trong bộ máy hệ thống chính trị nước ta: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”[28].

Trên cơ sở những chỉ dẫn quý báu của Lênin về đánh giá, sử dụng cán bộ, để phòng, chống nạn “chạy chức” trong công tác cán bộ cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định trong công tác cán bộ, đặc biệt là khâu đánh giá, sử dụng cán bộ đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ để không còn kẽ hở cho những kẻ cơ hội có thể lợi dụng để “chạy” và không thể “chạy” được: Rà soát, đánh giá, thẩm định lại các quy chế, quy định, quy trình hiện hành để phát hiện những sai sót, những kẻ hở nếu có, tìm ra những “khoảng trống” mà những kẻ cơ hội có thể lợi dụng. Trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, hầu như tất cả đều “đúng quy trình”, thế nhưng vẫn có cấp ủy, tổ chức đảng không chọn được “hiền tài”, vẫn để lọt vào trong bộ máy những kẻ cơ hội, vẫn để lọt “con ông, cháu cha” không đủ tiêu chuẩn, người thân thuộc vào trong bộ máy hệ thống chính trị mà nhân dân và xã hội đang lên án.

Tiếp tục hoàn thiện Quy chế trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền và trách nhiệm nếu để xảy ra chạy chức, chạy quyền. Nếu ở đâu có hiện tượng chạy chức, thì cấp ủy, người đứng đầu ở đó phải bị kỷ luật, kể cả khi đã chuyển công tác, khi đã được thăng chức và đã nghỉ hưu thì cũng phải xử lý. Có cơ chế bảo vệ người đấu tranh với nạn chạy chức, chạy quyền và có cơ chế để thu thập thông tin từ người dân. Công khai, minh bạch các quy chế, quy định để mọi cán bộ, đảng viên biết để thực hiện và để mọi người có thể giám sát.

Hai là, đổi mới nội dung và cách đánh giá cán bộ trước khi bầu cử, bổ nhiệm: Trong nội dung đánh giá cán bộ trước khi đưa vào danh sách bầu cử, bổ nhiệm cần có nội dung: cán bộ có hay không có động cơ chạy chức? Dù biết đây là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng vẫn có thể thực hiện được thông qua các biểu hiện ban đầu như: sửa tuổi, sửa lý lịch, chạy luân chuyển… Cán bộ trước khi đưa vào danh sách bầu cử, bổ nhiệm cần lấy ý kiến nhận xét của các ban chấp hành tổ chức chính trị - xã hội và nhận xét của những người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc mà lĩnh vực công tác của cán bộ có liên quan.

Ba là, hoàn thiện quy định về xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức:

+ Xét tuyển dựa trên căn cứ khách quan: thứ nhất, cụ thể hoá, lượng hoá quy định về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực trí tuệ, năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực công tác chuyên môn; thứ hai, căn cứ vào thành tích và cống hiến của cán bộ cho tổ chức, cho công việc, cho địa phương; thứ ba, dựa vào thâm niên công tác. Muốn chứng minh cán bộ có đức, có tài nhất thiết phải có thời gian công tác để kiểm chứng. Không thể một nhiệm kỳ cán bộ thăng tiến ba, bốn lần ở các cương vị khác nhau, rồi lấy việc đã tráng qua các chức vụ đó để coi là thành tích, công trạng; thứ tư, căn cứ điều kiện sức khoẻ, độ tuổi, các trình độ được đào tạo song cần mạch lạc, rạch ròi giữa bằng cấp và trí tuệ.

+ Thi tuyển khách quan, công khai: Hội đồng thi phải tổ chức khách quan, công tâm, nội dung thi đúng với vị trí việc làm, hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Câu hỏi thi phải do nhóm chuyên gia có tri thức sâu và cán bộ lãnh đạo, quản lý thực tiễn giỏi trên lĩnh vực thi chuẩn bị. Số lượng câu hỏi phải nhiều và bí mật, bám sát lĩnh vực công tác của cán bộ cần đảm nhiệm. Hội đồng thi diễn ra công khai, được các phương tiện truyền thông đại chúng của địa phương, trung ương đưa tin, nhân dân có thể giám sát.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên, kiên quyết xử lý nạn chạy chức, đồng thời thiết lập hệ thống cung cấp thông tin về tham nhũng, nạn chạy chức: cần phối hợp các lực lượng thanh tra nhân dân, thanh tra nhà nước, kiểm tra đảng, đặc biệt, thiết lập hệ thống cung cấp và xử lý thông tin. Mọi thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi đến người và cơ quan có trách nhiệm, nếu có địa chỉ, chứng cứ, cho dù có tên hay nặc danh đều phải được nghiên cứu, xử lý. Cần có cơ chế bảo vệ người tố giác tội phạm tham nhũng nói chung và nạn chạy chức nói riêng. Đồng thời, khi đã phát hiện thì kiên quyết xử lý triệt để. Đối với nạn chạy chức, khi phát hiện thì dứt khoát phải cách chức, bãi chức, xóa chức, vì đó là chức vụ do chạy chọt mà có chứ không phải do năng lực, uy tín mà có. Đối với người “bán chức”, nhận hối lộ, khi phát hiện được thì nhất định phải loại ra khỏi đảng, khỏi bộ máy cơ quan công quyền và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.

 

[1] Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb.CTQG, H.2009, tr.241

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977,  t.41, tr.224

[3] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.45, tr.395

[4] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.45, tr. 396-397

[5] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.45, tr.395

[6] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.45, tr.124

[7] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.54,  tr.172

[8] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.44, tr.260

[9] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t. 45, tr.396

[10] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.44, tr.398-399

[11] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1979, t.42, tr.431

[12] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1975, t6, tr.162

[13] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.45, tr.447

[14] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.45, tr.98

[15] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977, t.36, tr.176

[16] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1979, t. 8, tr. 108

[17] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1976, t.35, tr.246

[18] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977, t.39, tr.257

[19] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977, t.36, tr.236-237

[20] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977, t.36, tr.177-178

[21] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977, t.36, tr.236

[22] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1979, t.8, tr.359

[23] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977, t.41, tr.349

[24] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1979, t.7, tr.25

[25] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977, t.40, tr.164

[26] Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb.CTQG, H.2009, tr.241

[27] Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2018, tr.48

[28] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.CTQG, H.2016, tr.44

Nguyễn Văn Hùng