(baovenentang.org.vn). Trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có một mặt trận mới được hình thành, đó là mặt trận trên không gian mạng. Có một biên cương mới được hình thành, đó chính là biên cương văn hóa, tư tưởng. Đã có nhiều biểu hiện lệch lạc trong tiếp nhận văn hoá, tư tưởng ngoại lại lai trong giới trẻ, đe doạ đến nền tảng tư tưởng và văn hoá của thế hệ tương lai. Lúc này, cần phải bồi đắp “sức mạnh nội sinh” là vốn văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ, đã có những người trẻ thể hiện khát vọng vươn tầm văn hoá Việt Nam ra thế giới. Nhưng điều cần thiết hơn cả vẫn là sự định hướng, giáo dục trong tiếp nhận văn hoá, tư tưởng trong thời kỳ mới.
Trong hơn 4000 năm lịch sử không ngừng tiếng gươm khua diệt xâm lăng, trừ cường bạo của dân tộc Việt Nam ta, chính nền tảng văn hóa đã làm nên một dân tộc Việt Nam tuy nhỏ bé mà kiên cường, không chịu cúi đầu khuất phục trước bất cứ thế lực nào. Văn hóa cũng là di sản quý giá mà cha ông ta để lại, truyền từ đời này sang đời khác, làm nên cội nguồn quý giá, để nước Việt Nam ta chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như ngày hôm nay.
Trước hết, phải khẳng định rằng khái niệm văn hóa có nội hàm rất phong phú, theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, văn hóa có thể hiểu là không gian trí tuệ, tinh thần bao gồm tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết, các quan niệm về tự nhiên, xã hội và con người của nhân loại trong các tiến trình lịch sử. Theo nghĩa hẹp, văn hóa là phong tục, tập quán, hành vi, thói quen sinh hoạt của cá nhân con người và cộng đồng xã hội trong cuộc sống thường ngày. Văn hóa là sự thể hiện bản sắc, bản lĩnh và phong cách của một quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hoá lớn, là danh nhân văn hoá kiệt xuất. Chính vì vậy, quan điểm của Người về văn hoá được kết tinh vô cùng sâu sắc. Người đã sớm thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước, hơn nữa người còn là một nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn. “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”– luận điểm này đã trở thành một luận điểm quan trọng, xuyên suốt, không phải chỉ dành riêng cho những người làm văn hoá. Cùng với đó, văn hoá có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng con người. Phải khẳng định thêm rằng, văn hoá và các hoạt động văn hoá - văn nghệ có sức mạnh độc đáo, có khả năng tác động vào tâm hồn, tình cảm, cảm xúc con người. Từ đó, có ảnh hưởng trực tiếp và bao trùm tới nhân cách, hành vi của con người, là yếu tố quyết định để tạo nên những phẩm chất cao đẹp, phát triển toàn diện về trí, đức, thể mỹ.
Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta cũng đã coi văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật, được đề cập đến một cách toàn diện và sâu sắc với quan điểm “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hoá và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Có thể khẳng định rằng, văn hóa chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Tuy nhiên đây cũng chính là “trận tuyến” mà các thế lực thù địch tấn công với những phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi. Trong thời đại số hóa, công nghệ phát triển, “thế giới phẳng” trở thành một xu hướng tất yếu, bên cạnh những ưu việt mà nó mang lại, cũng đặt ra một thách thức rất lớn. Sự tiếp biến văn hóa diễn ra hàng ngày hàng giờ, xuyên biên giới, xuyên quốc gia, và Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó.
Đây là vấn đề được đặt ra không hề mới. Tuy nhiên phải phân biệt rõ ràng về sự tiếp biến theo quy luật và một sự “xâm lăng” có chủ đích về văn hóa. Từ đó xác định được thế nào là “biên cương văn hóa, tư tưởng” để gìn giữ và dựng xây.
Khác với các khái niệm về “biên cương” Tổ Quốc trên đất liền và biển đảo - là những thực thể địa lý xác định được, có thiết lập phân giới cắm mốc, có lực lượng bảo vệ, có căn cứ pháp lý xác định, thì khái niệm “biên cương văn hoá, tư tưởng” trừu tượng hơn, và ở một chừng mực nào đó, là khó nắm bắt và quản lý hơn. Tuy nhiên, điều then chốt cần phải xác định rõ những đặc trưng của văn hoá Việt Nam, để xác định đâu là miền “cương thổ” văn hoá cần gìn giữ. Đó là một nền văn hoá hình thành từ nền tảng nông nghiệp trồng lúa nước, đề cao giá trị văn hóa gia đình truyền thống, đậm tính cộng đồng, thấm đậm tinh thần yêu nước, bất khuất trước ngoại xâm, ý thức quốc gia - dân tộc rõ nét. Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hóa mở, thích ứng và tiếp biến hài hoà các nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, “hoà nhập” mà không hoà tan, luôn giữ ý thức tự hào, tự tôn dân tộc. Điều đó đã được minh chứng qua suốt chiều dài hơn 4000 năm lịch sử với những thời kì bị đô hộ bởi các thế lực xâm lăng. Và lẽ tất yếu, một nền văn hoá, một cốt cách văn hoá đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử đó, chính là “cương thổ” của văn hoá Việt Nam.
Còn vấn đề “tư tưởng” tuy rộng lớn, nhưng chung quy ở đây, đó chính là lý tưởng cách mạng, là kiên tâm bền chí đi theo con đường mà Đảng ta đã chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với nền tảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nói một cách rõ ràng, thì những hành vi, những điều trái ngược, xuyên tạc, bóp méo, hoặc làm lệch lạc những tiêu chuẩn văn hoá, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam du nhập từ nước ngoài và các nền văn hoá ngoại lai đều là sự “xâm lăng”. Và những gì vượt qua khỏi giới hạn “cương thổ” ấy, có nguy cơ xâm lấn, biến dạng văn hoá, dẫn tới diễn biến trong tư tưởng đến hành động của quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ đều cần phải được ngăn chặn.
Chính vì vậy “biên cương văn hoá, tư tưởng” cũng là phên dậu thiêng liêng của Tổ Quốc mà mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải là một người chiến sĩ biên phòng trên phòng tuyến đó, kiên tâm gìn giữ, không sơ hở, không lung lay. Tuy nhiên khó khăn ở đây chính là làm thế nào để vạch định được rõ ràng ranh giới giữa sự tiếp biến lành mạnh theo quy luật hay sự xâm lấn cố tình có chủ đích theo ý đồ chính trị? Trong khi “thế giới phẳng” này ngày càng đa sắc, các thủ đoạn của thế lực ngày càng tinh vi, có khả năng len lỏi từ nhiều nguồn khó kiểm soát?
Lợi dụng vào tâm lý hiếu kỳ, tâm lý tuổi mới lớn, thích khẳng định mình, thích các hoạt động sôi nổi... các thế lực xấu đã thông qua truyền thông bẩn, ra sức tuyên truyền, cổ súy cho việc du nhập các luồng văn hóa ngoại lai vào nước ta, nhưng chủ yếu là du nhập những mặt trái, biến tướng độc hại, dị hợm. Đồng thời chúng ra sức kêu gọi, vận động xóa bỏ những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc nhằm thực hiện âm mưu thâm độc, tấn công vào nền văn hóa, thực hiện diễn biến hòa bình, làm suy yếu, rối loạn đất nước ta.
Một quốc gia sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn khi nền văn hóa của quốc gia, dân tộc đó bị đồng hóa. Vì vậy, thiết lập một “biên cương văn hoá, tư tưởng” là điều cấp thiết trong thời kỳ hội nhập ngày nay, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ thực thể biên cương – biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.