(baovenentang.org.vn). Trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có một mặt trận mới được hình thành, đó là mặt trận trên không gian mạng. Có một biên cương mới được hình thành, đó chính là biên cương văn hóa, tư tưởng. Đã có nhiều biểu hiện lệch lạc trong tiếp nhận văn hoá, tư tưởng ngoại lại lai trong giới trẻ, đe doạ đến nền tảng tư tưởng và văn hoá của thế hệ tương lai. Lúc này, cần phải bồi đắp “sức mạnh nội sinh” là vốn văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ, đã có những người trẻ thể hiện khát vọng vươn tầm văn hoá Việt Nam ra thế giới. Nhưng điều cần thiết hơn cả vẫn là sự định hướng, giáo dục trong tiếp nhận văn hoá, tư tưởng trong thời kỳ mới.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã để lại cho Việt Nam một lời tuyên chuyến ngạo mạn và đầy thách thức khi rút khỏi chiến trường miền Nam: “Hai mươi năm sau chúng ta sẽ trở lại Việt Nam. Không phải với xe tăng, đại bác, chiến hạm hay pháo đài bay mà bằng xấp đô la... Những gì bom đạn không thể làm được thì sức mạnh của đồng đô la sẽ giải quyết. Người Việt Nam sẽ đón chúng ta như những vị ân nhân.”

Và đến giờ sau gần 50 năm thống nhất, nghiêm túc nhìn lại, ta không thể không thừa nhận rằng, lời ông ta nói là có căn cứ, và lời “tuyên chiến” đó thực sự là một vấn đề đang diễn biến hàng ngày, hàng giờ. Trong thế giới hiện đại, những hành vi bạo lực, bạo động xâm phạm chủ quyền luôn bị lên án. Thế nhưng, văn hóa lại đang trở thành một thứ “quyền lực mềm”, tấn công vào thành trì tư tưởng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tâm lý “tự nhục” đề cao một chiều các giá trị nước ngoài

Một điều có thể dễ thấy trên các diễn đàn mạng xã hội, có một bộ phận giới trẻ mang tâm lý “tự nhục”. Đây là khái niệm khi người ta luôn ca ngợi các thành quả, các giá trị văn hóa ngoại quốc một chiều, từ đó so sánh và hạ thấp vị thế, văn hóa của Việt Nam, và thường là sẽ kết thúc bằng câu hỏi “bao giờ Việt Nam mới.... tiến bộ/ theo kịp/ đổi mới” để được như nước bạn? Có thể đơn cử như sau:

Năm 2022, Việt Nam đăng cai SEA Games 31. Đoàn thể thao Việt Nam có 205 huy chương vàng tại SEA Games 31, dẫn đầu bảng tổng sắp. Đây là kỷ lục mới của đại hội. Lúc này thì hội “tự nhục” nổi lên mạnh mẽ khi bôi bác SEA Games là giải ao làng, Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp hoàn toàn do lợi thế chủ nhà.

Tháng 3/2023, câu chuyện ngôi trường Oteshima tại đảo Oteshima (Nhật Bản) chỉ có duy nhất một học sinh, vẫn duy trì hoạt động dạy học đã lan truyền trong cư dân mạng Việt Nam. Và bên cạnh những lời nhận xét đầy nhân văn thì lại nhiều bình luận quay ra chê bôi đất nước. Trong khi, ở Việt Nam cũng tồn tại những ngôi trường ít học sinh như thế, thậm chí điều kiện còn khắc nghiệt hơn! Có những thầy cô giáo đã đánh cược mạng sống “bám bản, gieo chữ”. Mới chỉ đầu tháng 5/2023, hẳn chưa ai quên cô giáo Mai Thị Yến, giáo viên Trường mầm non Đường Thượng (Hà Giang) đã tử vong dưới vực sâu, khi con đường đến điểm trường chỉ còn cách đó 2km!

Chưa hết! Tôn vinh một chiều những thành tựu nước ngoài còn khá là “nương miệng”. Người ta còn luôn ca ngợi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... có thể vươn lên “thành rồng” nhưng khi các doanh nghiệp Việt muốn lớn mạnh hơn thì lại luôn lấy cớ ra để “dìm hàng” chê bai: Trung Nguyên Legend mở chi nhánh ở Thượng Hải (21/9/2022). Khi doanh nghiệp đang nỗ lực đưa văn hóa cà phê Việt ra nước ngoài thì lại nghe bỉ bôi rằng họ không thể cạnh tranh được với Starbucks, sẽ sớm “dẹp tiệm”. Hình ảnh chiếc tàu đưa 2000 ô tô VinFast VF8 đầu tiên xuất khẩu đến đất Mỹ thì lại có người chế giễu rằng đó chỉ là ảnh photoshop… rồi nói cạnh khóe đó là “tin bốc phét”. Trong khi để xác minh chuyện này không hề khó khăn!

Đất nước ngày một phát triển, chúng ta vui mừng khi có nhiều doanh nghiệp ngoại đến đầu tư, nhưng chúng ta chỉ thực sự tự hào khi những doanh nghiệp mang thương hiệu Việt “mang chuông đi đánh xứ người”. Các tập đoàn như Viettel, Vingroup, FPT, Vinamilk, Hòa Phát... đã và đang làm tốt điều đó!

Ta có thể ca ngợi, tôn vinh những câu chuyện đẹp, hành động đẹp ở bất cứ đâu, nhưng phải thấy được, đó cũng là những giá trị, những thành công mà dân tộc ta đang có, và đang hướng tới. Nếu còn những bất công, bất cập ở đâu đó, thì chính chúng ta sẽ phải đóng góp công sức để khiến xã hội trở nên tốt đẹp hơn, chứ không phải xây dựng nên một nỗi “tự nhục” đầy bi quan, đến mức phi lý và vô căn cứ.

Tiếp nhận thụ động văn hoá, tư tưởng ngoại lai

Dẫu sao, những biểu hiện “tự nhục” nói trên còn dễ dàng nhận diện, gọi tên. Thế nhưng có một ranh giới khác mong manh hơn, khó nhận biết hơn nếu không đủ nhạy cảm. Đó chính là sự tiếp nhận thụ động văn hoá, tư tưởng nước ngoài, đến từ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngoại nhập mang lại. Gọi là “thụ động” bởi nhiều khi, chính bản thân con người cũng không ngờ rằng mình đã tiếp nhận, đã chịu ảnh hưởng bởi những luồng tư tưởng văn hoá, tư tưởng này.

Không ai có thể chối cãi những ngày lễ “ngoại nhập” đang trở thành những ngày lễ mà giới trẻ Việt Nam không thể bỏ qua như[1]: “Halloween” (31/10), Lễ Noel (24/12), lễ “Valentine” (14/2), “Sydney Mardi Gras” (Lễ hội của cộng đồng LGBT[2] (2 tuần cuối tháng 2, đầu tháng 3), “Ngày cá tháng tư 1/4” ; “Thất tịch” (7/7 âm lịch). Một thực tế rằng khi đa số xã hội chấp nhận một xu hướng nào đó, thì mặc nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận sự tồn tại của chúng một cách uyển chuyển và thức thời. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc phải thỏa hiệp, và góp phần đưa những văn hóa này vào sâu trong thế hệ trẻ. Những năm gần đây, đã có nhiều trường học đưa hoạt động Halloween (hoá trang thành ma quỷ và những hình ảnh kinh dị), “Ông già Noel tặng quà” vào trong các trường học, thậm chí là từ cấp mầm non và tiểu học! Việc đưa một hoạt động mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo vào trường học thực sự không phù hợp. Vô hình chung, trẻ phải tiếp nhận một cách thụ động văn hóa và tư tưởng phương Tây. Trong khi đó, những năm gần đây, đã có trào lưu kêu gọi bỏ Tết cổ truyền của dân tộc, thay đổi Quốc ca Việt Nam!

Mặt khác, các sản phẩm văn nghệ giải trí nước ngoài như Âu Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... cũng đang tiến quân một cách sâu rộng vào thị trường Việt Nam. Với sự non nớt của mình, vẫn có những người trẻ phát cuồng vì thần tượng, với những hành động hết sức phản cảm: hôn lên ghế “Idol” [3]từng ngồi, chen lấn xô đẩy đến ngất xỉu khi đón “Idol” ở sân bay, thậm chí đáng lên án hơn là hoạt động donate tiền (quyên góp ủng hộ) cho “Idol” người nước ngoài, mặc kệ chuyện chính họ đã từng lên tiếng xâm phạm chủ quyền Việt Nam! Điển hình như: tháng 8/2020, nhóm fan Việt đã donate gần 1 tỉ đồng cho diễn viên Trung Quốc Triệu Tiểu Đường, mặc dù cô từng lên mạng ủng hộ yêu sách Đường Lưỡi Bò từ năm 2018 - “Trung Quốc, một phân cũng không thể thiếu” (và đây không phải trường hợp diễn viên duy nhất có hành động trên).

Thật đáng sợ khi phải so sánh những hành động đó chẳng khác nào tự mình  “mua súng” để tận tay dâng lên kẻ thù, để chúng lúc nào cũng sẵn sàng “nã đạn” vào văn hóa, tư tưởng người Việt. Các thể loại phim, truyện Trung Quốc với nội dung chết đi sống lại, hay “xuyên không” (quay lại quá khứ) từ bao giờ đã ào ạt xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đó không đơn thuần chỉ là giải trí. Nội dung và cốt truyện hoàn toàn xa lạ với cốt cách văn hóa của dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa duy vật biện chứng mà chúng ta đang vận dụng trong quá trình xây dựng và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chẳng biết từ bao giờ những “soái ca” màn ảnh, đã “đốn tim” hàng triệu cô gái Việt Nam, những danh xưng “thần tiên tỷ tỷ”,  “nữ thần thanh xuân”, “tổng tài bá đạo” trở thành những hình mẫu của thế hệ trẻ, và những ngôn ngữ đó cũng đã xâm nhập vào tiếng Việt (thậm chí có những từ ngữ mà người bản địa cũng không sử dụng như người Việt[4]). Ngay cả trong đời sống hàng ngày, các bậc phụ huynh ngày nay cũng đặt “nickname” cho các con với yếu tố “rất Tây”, “rất Trung” như: Tiểu My, Tiểu Trang... hay Tommy, Jenny... thì có vẻ “sang” hơn chăng? Trẻ mới bi bô học nói hầu như đều được cha mẹ dạy chào là  “bye bye”, mà không biết tới “tạm biệt, biết gọi “mommy” mà không biết “u, bầm, bu”... là gì.

Điều đó vô hình chung xây dựng lên lối suy nghĩ “sùng ngoại”, các giá trị vốn có như ngôn ngữ, văn học nghệ thuật.... của nước nhà bị coi nhẹ. Tất cả những hiện tượng trên tuy không phải là đại diện cho tất cả tư duy, suy nghĩ của giới trẻ, nhưng thực sự chúng đã và đang tồn tại. Thậm chí, những biểu hiện tiếp nhận văn hóa một cách thụ động như trên còn tiềm tàng nhiều mối nguy hơn là những biểu hiện bề nổi, tự phát. Bởi không biết từ bao giờ, con người ta mất hoặc giảm đi tình yêu đối với văn hóa dân tộc. Khi ấy, con người ta không khác gì một cơ thể yếu ớt, thiếu sức đề kháng, lơ là cảnh giác với văn hóa ngoại lai và tiếp nhận nó như một điều đương nhiên. Từ những ảnh hưởng về văn hóa, tư tưởng, người ta dễ sa vào bẫy của những kẻ muốn lật lại lịch sử. Và rất có thể một ngày nào đó, chính họ hoặc con cái họ sẽ tham gia “lật móng” nền tảng tư tưởng của Đảng ta lúc nào không hay. Đây là một vấn đề cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, bởi vì “tổ mối nhỏ” cũng có thể đục thủng cả triền đê. Huống hồ, những “tổ mối” như thế vẫn đang tồn tại, hơn nữa lại tồn tại ở chính trong những thế hệ sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước.

Hoàng Diệp Hằng

(Bài đăng trên Báo Lạng Sơn 27/10/2024)


[1] Halloween: Lễ hội ma quỷ; Valentine: Ngày lễ tình nhân; lễ Noel: Ngày Thiên Chúa Giáng sinh Thất tịch: ngày lễ tình nhân trong truyền thống Trung Quốc

[2] Cộng đồng LGBT là một nhóm được định nghĩa lỏng lẻo bao gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và các cá nhân đồng tính khác được thống nhất bởi một nền văn hóa chung và các phong trào xã hội.

[3] Idol: Một từ tiếng Anh, tạm dịch là thần tượng, là một người, một nhân vật nào đó được nhiều người ngưỡng mộ

[4] Ví dụ như từ ‘soái ca’: chữ tiếng Trung tương ứng là 帅哥 chỉ có nghĩa là anh chàng đẹp trai, chứ không bao hàm nghĩa đẹp trai, phong độ, giàu có như người Việt lí giải.