(baovenentang.org.vn). Tự cách mạng là chìa khoá thành công của Đảng ta. Bởi chỉ có tự cách mạng, Đảng mới gột rửa mình cho trong sạch, mới bắt kịp hơi thở thời đại để trở nên tiên tiến, mới chỉnh đốn mình tránh đi vào vết xe đổ dẫn đến suy vong và nối dài truyền thống để trường tồn cùng dân tộc.

Kỳ 1: Tự cách mạng - chìa khoá thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tự cách mạng - cuộc “cách mạng tự thân” của Đảng ta

Nói đến “cách mạng”, người ta thường hình dung đến sự biến đổi mang tính chất bước ngoặt trong quan hệ xã hội hay đời sống chính trị được thực hiện thông qua đấu tranh giai cấp. Trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, qua tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra cách luận giải rất mới: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt”[1].

Đến năm 1952, Người một lần nữa nhắc lại: “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới. Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt nhưng cái nọc xấu của nó vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”[2].

Lời vàng, thước ngọc của Người đến nay vẫn là chân giá trị. Khi Đại hội XIII của Đảng nâng tầm công cuộc xây dựng, chỉnh đốn bao quát cả hệ thống chính trị, tự cách mạng ở đây được hiểu là cuộc “cách mạng tự thân” với tinh thần triệt để của Đảng ta đối với vận mệnh của chính mình. Trong cuộc cách mạng đặc biệt này, Đảng không chỉ là chủ thể tạo nên thay đổi, mà còn là đối tượng cần phải thay đổi. Thay đổi cả trong nhận thức, hành động với yêu cầu ngày một cao hơn, tạo ra bước ngoặt lớn hơn đúng tính chất của một cuộc đại cách mạng.

Tự cách mạng là truyền thống, ưu điểm và là vũ khí tinh thần của Đảng ta

Với một Đảng có tuổi đời gần thế kỷ, tự cách mạng là chiếc chìa khoá để Đảng gìn giữ thanh xuân, củng cố sức mạnh, nắm vững vai trò lãnh đạo đất nước. Ngay từ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm “Tự chỉ trích” đã khơi mào cho công cuộc tự cách mạng với phương châm: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng và làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ”[3].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn xem đây là vấn đề hệ trọng và dành sự quan tâm đặc biệt. Trong hàng loạt các tác phẩm như “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” hay “Sửa đổi lối làm việc”, Người rất mực lưu tâm đến việc chẩn bệnh, kê đơn, bốc thuốc để chữa những căn bạo bệnh trong Đảng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” để Đảng ta ngày càng “mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”.

Thực hiện huấn thị của Người, trong thời kỳ đổi mới Đảng ta càng nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa quyết định, sống còn của tự cách mạng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năm1986, khi đất nước đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, với tinh thần “tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình, tự nhìn nhận “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”[4] từ đó mở toang cánh cửa đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Và cũng với tinh thần cả quyết sửa mình, liên tục trong các khoá XI, XII, XIII, Đảng ta đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây được ví von như cuộc đại cách mạng có tính chất khởi phát cho quá trình Đảng tự gột rửa “từ đầu đến chân” như trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, công khai khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm là ưu điểm vượt trội, là truyền thống tốt đẹp cần trao truyền và tiếp nối. Đó là dũng khí tự cách mạng của Đảng ta. Chính nhờ dũng khí đó mà Đảng ta đã tìm ra lời giải cho bài toán khó làm thế nào để Đảng có tuổi đời gần thế kỷ không trở nên già nua trước thời cuộc, giữ vững vị thế lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trên mọi mặt trận.

Tự cách mạng – Đảng ta đang bám sát nhịp đập thời đại

Trong hành trình kháng chiến vệ quốc, Đảng ta đã chứng minh sức mạnh vô song, sự trưởng thành vượt bậc. Khi vừa tròn 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám, góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ dân chủ thế giới. Vào độ tuổi 24, Đảng đã đồng hành cùng dân tộc đánh bại chủ nghĩa thực dân với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đảng cũng đã dẫn dắt toàn dân tộc đánh bại đế quốc Mỹ, ca khúc khải hoàn mừng Mùa Xuân đại thắng năm 1975 khi vừa tròn 45 tuổi.

Tuy nhiên, yêu cầu của mỗi thời đại mỗi khác, nếu Đảng không tự làm mới mình, không sửa sang, tân trang mình sẽ lạc hậu với thời cuộc, không thể hoàn thành sứ mệnh của người dẫn đường, không thể giữ vững bản chất tiên tiến, trong sạch vốn có. Bởi một đảng mác-xít sinh ra không nghiễm nhiên trở thành người khổng lồ, mà trưởng thành thông qua tôi luyện, qua quá trình tự cách mạng liên tục. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, với sứ mệnh đưa con thuyền cách mạng vươn khơi cập bến phồn vinh, Đảng phải tự cách mạng để biến mình thành người khổng lồ, ngang tầm với nhiệm vụ mới. Gánh trên vai sức nặng chưa từng có, Đảng càng cần phát huy triệt để tinh thần tự cách mạng, nhất mực chú trọng đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị để nhận diện những căn bệnh của thời đại, nhận diện kẻ thù hoàn toàn mới để có đối sách phù hợp nhằm tạo nên sức mạnh vĩ đại, viết nên trang sử mới vẻ vang trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Vẫn còn đó bài học “cầm vàng còn để vàng rơi” của Liên Xô và các nước Đông Âu

Trên thế giới, có rất nhiều trường hợp đánh rơi quyền lực vì sự thối nát và biến chất của đảng cầm quyền, vì xa rời cội nguồn sức mạnh của quần chúng nhân dân. Sự kiện lá cờ ba sắc soán ngôi cờ đỏ búa liềm trên đỉnh điện Kremli đã thực sự tạo nên cơn địa chấn chính trị khủng khiếp của thế kỷ XX, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các đảng cộng sản đang nắm chính quyền. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nhận định: “Qua việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phải thấy nguy cơ của chuyện không làm tốt công tác xây dựng Đảng, để một bộ phận đảng viên tha hóa, tiêu cực, để xa dân là rất nguy hiểm. Đến Đảng Cộng sản Liên Xô có thể đổ vỡ, thậm chí đổ vỡ rất nhanh thì đừng có nói rằng mình không thể, mình có thể tránh được. Tránh được hay không là tùy thuộc vào việc chúng ta có làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chế độ hay không?”[5].

Sự tan rã của Liên Xô và đổi màu chế độ ở Đông Âu là bài học nhãn tiền cần ghi nhớ. Tháng 4-1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” đăng trên Tạp chí Cộng sản đã chỉ điểm chính việc “buông lơi” công tác xây dựng Đảng, xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước Nhân dân, không được Nhân dân ủng hộ chính là tử huyệt, là nấm mồ chôn một thời huy hoàng của Liên Xô.

Hơn 30 năm lẻ sau cơn địa chấn ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”[6]. Điều này càng thôi thúc Đảng ta quan tâm nhiều hơn nữa, phát huy tinh thần tự cách mạng triệt để hơn nữa, tự giác soi, sửa mình kỹ càng hơn nữa để bảo đảm giữ vững bản chất của Đảng mác-xít chân chính, giữ vững vị thế, vai trò lãnh đạo để trường tồn cùng dân tộc.

Trương Thị Điệp
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng
Nguồn: Chuyên đề Công an TP. Đà Nẵng

[1]. Hồ Chí Minh: Đường cách mệnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.2.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.490.

[3]. Nguyễn Văn Cừ: Tự chỉ trích, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.14.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 47, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 360.

[5]. Anh Thu, Công Minh, Văn Duyên: 30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, 2021.

[6]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr 29.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 5

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 490.

[9]. Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.80.

[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.93

[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 295

[12]. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.298.

[13]. V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M. 1978, tập 45, tr 141.

[14]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, tập 5, tr.301.

[15]. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.38.

[16]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 292.

[17]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 13, tr.419.

[18]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 327.

[19]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 10, tr.311.