(baovenentang.org.vn). Muốn có một cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng thì trước hết cơ thể đó phải không bệnh tật. Đảng ta cũng vậy, muốn có thể trạng tốt thì phải bổ sung vi chất, tăng cường sức đề kháng để đủ sức khoẻ vượt qua con sóng to của thời đại. Và đối với những u nhọt có nguy cơ thối rữa, đang ngấm ngầm làm băng hoại Đảng ta thì cần mạnh tay cắt bỏ. Vậy nên, việc cần kíp trước mắt là nhận diện những con sóng to của thời đại, phát hiện những ung nhọt, những cành sâu mục ruỗng đang xâm hại cơ thể Đảng để có đối sách đúng đắn, kịp thời.

Kỳ 2: Những vấn đề nổi cộm cần giải quyết với tinh thần tự cách mạng triệt để

Những con sóng to của thời đại

Trong giai đoạn hiện nay, để đưa con thuyền cách mạng vươn khơi, Đảng cần đủ sức mạnh để vượt qua con sóng dữ của thời đại. Nếu Đảng không đủ nhạy bén, không thấu suốt xu hướng của thời đại sẽ hụt hơi trong cuộc chạy đua giữa các quốc gia, tụt hậu xa hơn về kinh tế. Nếu không tự cách mạng triệt để, Đảng sẽ bị những con sóng to của thời đại như nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhấn chìm. Đây chính là nguy cơ, những con sóng lớn được Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII (1-1994) dự lường cho đến nay “vẫn còn hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn” như nhận định được Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII đưa ra.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, chừng nào nguy cơ còn hiện hữu gánh nặng trên vai Đảng còn nặng nề. Nếu để tụt hậu về kinh tế, Đảng khó lòng làm tròn sứ mệnh mà Nhân dân tin cẩn giao cho: “Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”[7]. Nếu không hoá giải nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa tức là dần xa rời mục tiêu, lý tưởng ban đầu. Nếu để tham nhũng tràn lan nghĩa là Đảng đang dần đánh mất mình giao vận mệnh mình cho “giặc nội xâm”, thứ giặc nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm gấp bội phần.

Trước chuyển biến mau lẹ của thời cuộc, thách thức mới, yêu cầu mới của cách mạng xã hội chủ nghĩa đặt trên vai Đảng nhiệm vụ chính trị nặng nề. Nếu Đảng không nâng cấp mình để ngang tầm với nhiệm vụ mới, phản ứng chậm chạp, đưa ra chủ trương, đường lối, chiến lược không đúng hướng sẽ không đủ sức vượt qua con sóng to của thời đại, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, ảnh hưởng đến con thuyền vận mệnh dân tộc.

Những ung nhọt, cành sâu cần tỉa bỏ

Trong giai đoạn hiện nay, cần tỉnh táo nhận thức rằng Đảng ta đang đối mặt với những nguy cơ, vấn đề nổi cộm: chính trị không trong sạch, tư tưởng không trong sạch, tổ chức không trong sạch, đạo đức không trong sạch, cán bộ không trong sạch. Tác nhân chủ yếu gây vẫn đục Đảng có thể kể đến như tệ tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”… Đây chính là những ung nhọt cần giải phẫu, những cành sâu bị đục ruỗng cần mạnh tay tỉa bỏ để cây chế độ đơm hoa. Nếu không cắt bỏ kịp thời có khi trở thành nút thắt lịch sử dẫn đến Đảng suy vong.

Về vấn nạn tham nhũng, đây là căn bệnh ung thư đe dọa nghiêm trọng đến sức sống và sức chiến đấu của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “tham ô là trộm cắp, tội ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám; chống tham ô, lãng phí, quan liêu như một thứ giặc ở trong lòng”[8].

Nhìn dưới giác độ kinh tế, tham nhũng trực tiếp hay gián tiếp gây thất thoát ăn mòn ngân sách - túi tiền của Nhân dân giao cho Nhà nước quản lý. Tham nhũng còn tiếp tay cho các thế lực thù địch và bọn phản động lấy kinh tế làm “đổi màu” cán bộ, đảng viên; tiếp tay cho việc đả kích, bôi nhọ uy tín nhằm hạ bệ Đảng. Và chính tham nhũng đã, đang và sẽ tạo điều kiện cho kẻ có quyền lợi dụng công vụ để tư túi, mưu cầu bất chính; tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội, háo danh có cơ hội “luồn sâu”, leo cao trèo cao gây lũng đoạn bộ máy, cổ suý cho văn hoá phong bì hay tệ hơn nữa là nạn “chạy chức”, “chạy việc”, “chạy thành tích”, thậm chí “chạy tội” dẫn đến cán bộ không trong sạch, tổ chức không trong sạch.

Dưới góc nhìn chính trị, những cán bộ, đảng viên tay trót nhúng chàm, những ông quan tham đã làm mất đi hình ảnh người cán bộ liêm chính, xấu đi hình ảnh của Đảng với khối tài sản kếch xù, lối sống xa hoa. Họ là những người đào hố khoét sâu thêm cách biệt giàu - nghèo ngăn trở khối đại đoàn kết dân tộc, ngăn trở việc hoàn thành mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Rõ ràng, những ông quan tham đã trở thành kẻ cắp của cách mạng Việt Nam. Họ không chỉ lấy cắp tiền của, mà nguy hại hơn cả là lấy cắp niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Đây khác nào kẻ cắp sinh mệnh của Đảng, kẻ cắp chế độ vì như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”[9]. Vậy nên, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã chỉ mặt, điểm tên tham nhũng là thách thức, là nguy cơ cho đến nay “vẫn là một trong những vấn nạn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[10].

Những nọc xấu của chủ nghĩa thực dân, phong kiến cần loại trừ

Bên cạnh tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân được xác định “như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”[11]. Nguy hại đến nỗi, ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và nêu lên những đòi hỏi cao hơn trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Và trước khi đi xa, Người vẫn trăn trở, căn dặn toàn Đảng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Sinh thời, Bác đã dụng tâm chỉ điểm 10 chủng bệnh nảy nở từ con vi trùng chủ nghĩa cá nhân cần tiêu diệt như bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị; bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Cái tài ở đây là những căn bệnh Người chỉ ra đến nay vẫn còn ngấm ngầm hoành hành trong Đảng với biến thể mới tinh vi hơn như: “luồn” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm vào hoạt động công vụ; chạy chức, chạy quyền, chạy theo hư vinh, khoái lạc; nhiệt tình cách mạng dần nguội lạnh, sợ trách nhiệm, sa sút ý chí, nhạt màu lý tưởng… mà Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ.

Trong giai đoạn hiện nay, xét đến cùng, từ chủ nghĩa cá nhân sẽ sinh ra chủ nghĩa quan liêu, hình thức. Đây chính là bộ ba bài trùng, là nọc xấu của chủ nghĩa thực dân, phong kiến ăn sâu, bám rễ vào cơ thể Đảng khiến cho Đảng ta “xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ”[12] và là “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”. Đặc biệt, chủ nghĩa quan liêu dẫn đến chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa hình thức khuyến khích bệnh quan liêu, trở thành tai họa lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Bản chất của chủ nghĩa hình thức là thực dụng, thiếu tinh thần trách nhiệm nhưng khéo che đậy bằng vẻ ngoài hào nhoáng. Còn quan liêu là tàn tích của chế độ phong kiến với tư tưởng trọng chức sắc và quan niệm méo mó về quyền lực. Suy cho cùng, chủ nghĩa hình thức, quan liêu không phù hợp với bản chất, mục đích và phong cách tốt đẹp của Đảng ta, là kẻ thù lớn của Đảng, của Nhân dân và cách mạng nước ta.

Vậy, trong hành trình làm cách mạng cần phải xem tệ tham ô, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa quan liêu, hình thức là “giặc nội xâm” - kẻ thù trong lòng mỗi người cán bộ, đảng viên cần đánh đuổi; như u nhọt, như nọc xấu, như cành sâu cần loại bỏ là vì các loại chủ nghĩa này là căn bệnh trầm kha, rất cứng đầu, rất khó chữa, dễ tái phát, dễ lây lan. Bởi sa vào chủ nghĩa này chính là phá vỡ rào chắn, lún sâu vào suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống - bước rất ngắn đi đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây chính là trở lực của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta (còn tiếp)