(TVVN). Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” một lần nữa khẳng định “luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin”. Liền sau đó, đã xuất hiện những bài viết trên các trang mạng xã hội xuyên tạc về nội dung này. Các luận điệu xuyên tạc cho rằng việc Hồ Chí Minh đem chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm. Lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã bác bỏ đanh thép những luận điệu ấy.

Tranh ảnh Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM)

1. Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin: sự lựa chọn của lịch sử

Hiệp ước Patenôtre năm 1884 đánh dấu sự kiện người Pháp hoàn thành việc bình định và xâm lược Việt Nam. Kể từ khi người Pháp xâm lược Việt Nam đã xuất hiện nhiều tư tưởng yêu nước cũng như đã có nhiều phong trào yêu nước nổ ra với mục đích giành độc lập cho dân tộc nhưng đều thất bại. Theo con đường phong kiến, có đại biểu  là các vị vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân; theo con đường của các sỹ phu có các đại biểu tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can; con đường của giai cấp nông dân có đại biểu tiêu biểu là cụ  Hoàng Hoa Thám; con đường cứu nước theo con đường tư sản với lãnh tụ  tiêu biểu là Nguyễn Thái Học. Ngoài ra, còn nhiều xu hướng chính trị, yêu nước khác nhau. Thế nhưng, tấtcả các phong trào yêu nước ấy - dù bằng bất cứ hình thức nào - cuối cùng đều thất bại. Không phải cha ông chúng ta không yêu nước! Không phải cha ông chúng ta không có lòng dũng cảm! Thế nhưng, lòng yêu nước, sự dũng cảm của các sĩ phu Nho học khi ấy không thể thắng vũ khí của quân thù. Tất cả các phong trào yêu nước khi ấy đã không thể tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Tiếp nối các bậc tiền bối, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ khắp năm châu. Từ thành công của cách mạng Tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản - Quốc tế III do V.I.Lênin sáng lập ra đời. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Sự kiện lịch sử trọng đại này được xem là dấu mốc ghi dấu ấn quyết định con đường cách mạng Việt Nam. Sau này, kể lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(1).

Kể từ khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi ngày 05/6/1911 từ bến cảng Nhà Rồng cho đến khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin cuối năm 1920 là gần 10 năm. Khoảng thời gian gần 10 năm ấy là chỉ dấu quan trọng để thấy rằng tìm một con đường cứu nước phù hợp với điều kiện lịch sử, hoàn cảnh Việt Nam là cả một quá trình dò đường đầy gian nan và thử thách. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết. (…) Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu (…). Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(2).

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 21/9/1969, tạp chí Đất nước tại Sài Gòn đã đăng bài viết của một vị giáo sư công giáo đáng kính là Lý Chánh Trung với tiêu đề “Nói chuyện với người đã khuất”. Bài viết có đoạn: “… Trong một bài báo viết năm 1968, Linh mục Trương Bá Cần đã giải đáp rõ ràng câu hỏi: “Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương, nhưng không còn giải pháp nào khác ngoài giải pháp Ðệ tam Quốc tế (NV - Quốc tế III). Chúng ta đã thấy sự tin tưởng của Phan Bội Châu và các đồng chí ở sự giúp đỡ của Trung Hoa và Nhật Bản bị phản bội. Ở Âu châu, không một quốc gia, không một đảng phái nào có chủ trương chống thực dân, ngoài Nga sô (NV - Liên Xô) và Cộng sản Ðệ tam Quốc tế. Vì thế mà ở Ðại hội của đảng Xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu cho việc sáp nhập đảng Xã hội Pháp vào Ðệ tam Quốc tế... Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn Mác - Lênin bởi vì không còn một sự lựa chọn nào khác”(3).

2. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là con người của đổi mới. Trong khi các bậc tiền bối đi sang Trung Quốc, đi sang Nhật Bản, đi Thái Lan… để tìm đường cứu nước thì Nguyễn Tất Thành đi sang phương Tây. Trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Việt Nam gần đây, Tiến sĩ Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã khẳng định Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Tiến sĩ Evgeny Kobelev cho rằng có ba sai lầm của Đảng Cộng sản Bolshevik mà Hồ Chí Minh đã tránh được: “Một là, Đảng Bolshevik đã từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Hồ Chí Minh thì ngược lại, đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này. Hai là, Đảng Bolshevik chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo và do đó đã gây ra nguyên nhân cho một cuộc nội chiến. Hồ Chí Minh thì ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh. Ba là, Chính phủ cách mạng Liên Xô đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II. Hồ Chí Minh ngược lại, không tiêu diệt vua Bảo Đại mà đề nghị Bảo Đại làm Tổng cố vấn (Cố vấn tối cao - NV) của Chính phủ cách mạng”(4). Tiến sĩ Evgeny Kobelev cho biết một trong các nguyên nhân làm cho Liên Xô sụp đổ chính là vào năm 1991, các phe đối lập ở Liên Xô đã triệt để lợi dụng ba sai lầm này của Đảng Bolshevik: “Phe đối lập đã sử dụng 3 sai lầm này của Đảng Bolshevik để chống lại Chính phủ Liên Xô, trên cơ sở đó làm Liên Xô tan rã”(5).

Những tư tưởng đổi mới của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là sự tiếp nối từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến khi qua đời. Nếu như Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 đưa ra quan điểm: “Không giải phóng quần chúng lao động khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc cải lương, thì không thể đạt được mục tiêu chiến lược cơ bản của phong trào cộng sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản: Vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản”(6). Nghị quyết về Đông Dương của Quốc tế Cộng sản cuối năm 1929 tiếp tục nhất quán quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản khi khẳng định: “Phải tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ”(7).  Đối với phú nông, Nghị quyết ngày 28/5/1931 của Quốc tế Cộng sản chủ trương: “Giai cấp vô sản… không bao giờ được liên minh với họ”(8). Đối với giai cấp tiểu tư sản, tầng lớp trí thức, Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản năm 1929 cho rằng: “Không nên cường điệu khuynh hướng cách mạng của giai cấp tiểu tư sản thành thị, lại càng không nên xem những phần tử ít cách mạng nhất, tầng lớp tiểu thương, như là động lực của cách mạng”(9). Rõ ràng với những quan điểm này của Quốc tế cộng sản (Đại hội VI năm 1928 và Nghị quyết về Đông Dương cuối năm 1929), Quốc tế Cộng sản chỉ công nhận 02 giai cấp là đối tượng tập hợp lực lượng của Quốc tế Cộng sản, tất cả các giai cấp, giai tầng khác đều bị gạt ra bên lề.

Nguyễn Ái Quốc cho rằng giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa bị chèn ép nên hầu như không có thế lực gì, vì vậy, không thể đổ cho họ đã đi về phe đế quốc: “Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được”(10). Vì vậy, “Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung”(11). Toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là giai cấp phải đánh đổ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập đảng lại khẳng định: “Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa”(12); “Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập”(13). Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản ngăn rằng, không được liên minh với họ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 lại khẳng định: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”(14).

Sau khi về nước lãnh đạo cách mạng (năm 1941) Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương tám. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, để đoàn kết, tập hợp các lực lượng cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chính yếu là giải phóng dân tộc. Đường lối do Hội nghị Trung ương tám thông qua thay đổi căn bản so với mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng mà Đảng Cộng sản Đông Dương trước đó đã đề ra. Đối với sự thay đổi chiến lược quan trọng này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã đánh giá, đó là sự chuyển hướng đường lối cách mạng Việt Nam quay về hướng dân tộc chủ nghĩa đã bắt đầu từ khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Sự chuyển hướng này bao gồm cả chiến lược, chiến thuật và tổ chức đấu tranh. Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Văn Giàu, sự chuyển hướng chỉ thật sự rõ kể từ khi Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương tám và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh: “Mới thật có một bước ngoặt đầy đủ của đường lối. Từ nay tất cả các hoạt động đều nhằm vào một mục tiêu chính: giành độc lập dân tộcĐó không phải chỉ là đổi tên (),, từ nay các cuộc đấu tranh kinh tế, xã hội đều phải kể đến lợi ích dân tộc tối cao, phải điều chỉnh chừng mực thế nào để vừa quyền lợi giai cấp của công nông được bênh vực, vừa quyền lợi của tư sản dân tộc và của thân sĩ, địa chủ yêu nước cũng không phải bị thiệt thòi cho phép họ gia nhập hàng ngũ giải phóng dân tộc của Việt Minh. Không đặt nhiệm vụ lập chính phủ công nông như trước, mà lập chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa”(15). Chính đường lối đúng đắn của Mặt trận Việt Minh đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại và góp phần đưa tư tưởng đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh thật sự trở thành giá trị nền tảng cấu kết sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cho tới tận hôm nay và sẽ vẫn còn giá trị lớn đối với mai sau.

3. Tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới ở Việt Nam

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra 05 quan điểm chỉ đạo, trong quan điểm đầu tiên có nội dung là “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin”(16). Cũng với tinh thần ấy, kết luận bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Và điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(17). Đây là những tư tưởng lớn khẳng định sự kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là phù hợp với điều kiện lịch sử, hoàn cảnh Việt Nam hiện nay và là sự tiếp nối sáng tạo từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã nhiều lần khẳng định rằng học thuyết của các ông không phải là cái gì bất biến mà là một học thuyết mở. Vì là một học thuyết mở nên những người đi sau không thể bê nguyên xi nó để áp dụng vào thực tiễn, cũng vậy, mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, dân tộc, tùy đặc điểm dân tộc, văn hóa, lịch sử… của mình phải bổ sung cho phù hợp. Trong bức thư gửi cho một nữ văn sĩ người Mỹ là Kvinhetskai năm 1887, Ph.Ăngghen đã nói rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(18). V.I.Lênin là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của C.Mác - Ph.Ăngghen, là người đã áp dụng học thuyết C.Mác - Ph.Ăngghen vào điều kiện lịch sử, xã hội của nước Nga một cách sáng tạo và phù hợp. Thế nhưng ngay từ năm 1910, V.I.Lênin đã nhắc lại lời khẳng định Ph.Ăngghen “Học thuyết của chúng tôi - Ăngghen nói về mình và người bạn nổi tiếng của mình - không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động” và cho rằng quên điều này “thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng”(19). V.I.Lênin cũng nhấn mạnh: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”(20).

Lịch sử luôn luôn tiến triển theo chiều hướng sự vật sau bao giờ cũng hoàn thiện hơn sự vật trước. C.Mác và Ph.Ăngghen sống ở thế kỷ  XIX, V.I.Lênin sống ở đầu thế kỷ XX, vì vậy, các ông không thể vẽ ra một mô hình để người sau cứ y vậy mà làm theo. Học thuyết của các ông là học thuyết “mở” nên những người đi sau chỉ phải kiên định những nội dung có tính chất nguyên tắc - mà nếu bỏ nó thì nền tảng sẽ sụp đổ - còn lại phải bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn sinh động Việt Nam. Để tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, lịch sử và thực tiễn Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, một trong 03 phương châm của công tác nghiên cứu lý luận được đề ra trong Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 là: “Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ  Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại. Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc”(21). Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn nhất quán nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Thực tiễn thì không bao giờ đứng im mà luôn vận động và phát triển không ngừng. Vì vậy, cũng như mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng phải luôn được vận dụng, phát triển sáng tạo, bổ sung những giá trị mới của dân tộc và nhân loại để phù hợp với thực tiễn sinh động và những biến động sâu sắc của thời cuộc và thế giới. Việc vận dụng, bổ sung, phát triển phải dựa trên cơ sở kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, trên cơ sở bảo vệ, kế thừa, phát huy bản chất cách mạng, khoa học vốn có của chủ nghĩa Mác - Lênin, không hoang mang, dao động, mất phương hướng. Đảng Cộng sản Việt Nam cần mở rộng hơn nữa trao đổi lý luận với các chính đảng cầm quyền, tham chính trên thế giới để qua đó tiếp thu, bổ sung những giá trị mới làm giàu thêm hệ tư tưởng của mình, tiếp tục bổ sung, phát triển, làm sáng tỏ những giá trị khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. 

Hai là, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin không phải là những vị thánh để có thể tiên đoán và vẽ ra một mô hình mà người sau cứ vậy làm theo. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cũng đã thừa nhận có những dự báo mà các ông đưa ra đã không chính xác. Trong Lời nói đầu viết cho tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848 đến 1850” của C.Mác, Ph.Ăngghen đã thừa nhận các ông đã sai lầm khi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa sắp nổ ra ở Châu Âu khi ấy”(22). V.I.Lênin sau này cũng thừa nhận Cách mạng tháng Mười đã giành được thắng lợi “sau khi chúng ta đã trải qua rất nhiều thất bại và sai lầm to lớn”(23); và trong xây dựng, phát triển kinh tế “chúng ta đã gặp nhiều thất bại nhất và mắc nhiều sai lầm nhất”(24). Sở dĩ như vậy là bởi “C.Mác chỉ có thể vạch ra những nguyên tắc chung nhất, phổ biến nhất, cơ bản nhất về chủ nghĩa xã hội. Thời C.Mác sống chưa có thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì thế, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không tránh khỏi còn ít nhiều trừu tượng, có một số nhận định, phán đoán không được thực tiễn xác nhận”(25).

Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng đặc biệt luôn sáng tạo với quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ngày 06/3/1946, Hồ Chí Minh đã đồng ý ký Hiệp định Sơ bộ với đại diện của Chính phủ Pháp đồng ý cho 15.000 quân Pháp ra vĩ tuyến 16 để 20 vạn quân của chính phủ Tưởng Giới Thạch phải rút về nước. Khi ấy, Pháp vẫn là giặc vì đã đô hộ Việt Nam hơn 80 năm và đang lăm le quay trở lại, còn quân đội Trung Hoa khi ấy được xem là bạn, vậy mà Hồ Chí Minh đã chấp nhận cho giặc quay trở lại để đuổi “bạn” về nước. Cũng vậy, từ bản Di chúc viết lần đầu đến bản cuối cùng chỉ trong mấy năm nhưng Hồ Chí Minh đã sửa chữa rất nhiều lần… Tất cả những điều ấy nói lên rằng lý luận phải gắn chặt với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển đất nước.

Các cơ quan có trách nhiệm của Đảng cần bổ sung, phát triển, làm sáng tỏ những giá trị khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần làm rõ: (1) Những luận điểm nào đúng với trước kia, mà còn đúng với hiện nay và lâu dài về sau; (2) Những luận điểm nào đúng với trước kia, nhưng đến nay không còn phù hợp; (3) Những luận điểm nào, ngay khi sinh thời, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã thấy không phù hợp và chính các ông đã sửa đổi; (4) Những luận điểm nào của chủ nghĩa Mác - Lênin chúng ta đã hiểu sai, vận dụng sai, dẫn đến những sai lầm trong hoạch định đường lối cách mạng.

Ba là, Nghị quyết số 37-NQ/TW nêu rõ “Đối thoại thẳng thắn với những người có quan điểm khác trên tinh thần khoa học, dân chủ, xây dựng, thuyết phục lẫn nhau”(26). Do đó, cần mở các diễn đàn trao đổi, lắng nghe các ý kiến phản biện tâm huyết, có tinh thần xây dựng. Phân biệt rõ đâu là những ý kiến phản biện mang tính xây dựng, đâu là những luận điệu xuyên tạc, chống phá, tránh việc chụp mũ, quy chụp trong nghiên cứu lý luận và bàn bạc học thuật về lý luận.

Bốn là, có những vấn đề mà do hạn chế về thời đại hoặc chưa đủ thời gian nên sinh thời C.Mác, Ph.ĂngghenV.I.Lênin và Hồ Chí Minh sau này chưa đề cập đến hoặc đề cập chưa thật sự rõ nét. Chẳng hạn địa vị của giai cấp công nhân trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản điều chỉnh, thích nghi hiện nay, vấn đề quá độ bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội ở những nước nghèo, lạc hậu, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, kết nạp đảng là chủ doanh nghiệp, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; vấn đề phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội… Hiện nay, trong bối cảnh mới, nhất là trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ những vấn đề mới đặt ra.

Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào Việt Nam, song đã tiếp thu và thực hành một cách đầy sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn và lịch sử Việt Nam. Việc Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin là sự lựa chọn của lịch sử, bởi khi ấy chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể giúp chỉ ra con đường đấu tranh để đất nước Việt Nam giành được độc lập, giúp cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, lầm than. Và, hiện nay chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là kim chỉ nam chỉ đường cho sự phát triển của đất nước Việt Nam./.

TS Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài đăng trên hcma2.hcma.vn

---------------------------------------------------

(1) và (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t.12, Hà Nội, 2011, tr.562 và 561-563

(3) Phan Văn Hoàng, Hồ Chí Minh - Chân dung và di sản, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.171-172

(4) và (5) Báo VOV ngày 03/02/2020: Học giả Nga: “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ ngày càng giành nhiều thắng lợi”, https://vovworld.vn, truy cập ngày 20/6/2021

(6), (7), (8) và (9) Dẫn theo Mạch Quang Thắng, “Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh”, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, http://cis.org.vn

(10 ), (11), (12), (13) và (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1, 4, 4, 3 và 3

(15) Trần Văn Giàu, Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr.24-25

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.324

(17) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.37-38

(18) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1999, tr.796

(19) và (20) V.I.Lênin, Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.99 và 103

(21) và ( 26) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030

(22) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.22, Sđd, tr.761

(23) và (24) V.I.Lênin, Toàn tập, t.44, Sđd, tr.187 và 188

(25) Lê Hữu Nghĩa, “Có phải chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời”, in trong sách Lẽ phải của chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.67