(baovenentang.org.vn). Khi nói tới xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, không ít ý kiến cho rằng, không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền trong điều kiện một Đảng Cộng sản cầm quyền và nếu có thì đó là nhà nước pháp quyền không hoàn toàn theo đúng chuẩn mực quốc tế? Bài viết này khẳng định, dù có những khó khăn của đất nước duy nhất chỉ có một Đảng Cộng sản cầm quyền, Việt Nam có thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền theo những chuẩn mực chung. Hơn nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có khả năng và cần phải lãnh đạo quá trình này.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Ảnh: dangcongsan.vn
Gần đây, trong quá trình lấy ý kiến vào Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, vẫn có nhiều hoài nghi về khả năng thành công của Chiến lược. Người ta nêu, về mặt lý luận, nhà nước pháp quyền (NNPQ) không thể không “tam quyền phân lập” cũng như không thể không có cạnh tranh giữa các đảng chính trị trong bầu cử; đó là những yếu tố đi liền với nhau, trở thành các tiêu chí của NNPQ(1). Các ý kiến này cho rằng, sự độc quyền lãnh đạo của một đảng ở Việt Nam hoàn toàn đối lập với bản chất của NNPQ. Họ dẫn ra bảng xếp hạng nhà nước pháp quyền năm 2021 do tổ chức World Justice Project khảo sát 139 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để khẳng định, tất cả các nước do một đảng cầm quyền đều nằm ở cuối bảng, trong đó Việt Nam chỉ nằm ở hạng 88/139 với điểm số xấp xỉ mức trung bình của thế giới(2).
Quả thật, để trả lời một cách thuyết phục về mặt lý luận rằng với hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay vẫn có thể có NNPQ là điều không dễ. Do vậy, điều quyết định là bằng thực tiễn chứng minh, một nhà nước và rộng hơn là cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản có khả năng tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật, nghĩa là bảo đảm tính pháp quyền. Bài viết này thể hiện cách tiếp cận như vậy.
Trước hết, nói về NNPQ, chúng ta thừa nhận cốt lõi của nó là tính tối cao của pháp luật trong mối quan hệ với nhà nước nói riêng và xã hội nói chung. Đó là sự chi phối mang tính quyết định của hiến pháp, pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của nhà nước để bảo đảm mục đích cao nhất của nhà nước là tôn trọng và bảo vệ quyền tự do của con người.
Nhưng khác với phương Tây, chúng ta hiểu việc phân chia quyền lực và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước với nhau là một giải pháp trong số nhiều giải pháp với mục đích không để cơ quan và cá nhân nào có thể vượt qua quy định của pháp luật mà xâm phạm quyền tự do Hiến định và pháp định của con người. Sự cạnh tranh chính trị trong bầu cử cũng chỉ là một giải pháp nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước được trao cho những cá nhân biết sử dụng một cách đúng đắn nhất, không lạm dụng hoặc lợi dụng để vi phạm quyền tự do và lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân.
Vì vậy, khi đánh giá mức độ pháp quyền của Nhà nước XHCN ở Việt Nam hiện nay cũng như việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nó, phải trả lời các câu hỏi cốt lõi sau: Thứ nhất, Hiến pháp và pháp luật ở Việt Nam đã thực sự là ý chí chung của nhân dân nhằm bảo đảm các “quyền tự nhiên” của con người chưa, đã đủ bao trùm và điều chỉnh hoạt động của mọi tổ chức và công dân chưa? Thứ hai, thể chế và thực trạng sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan với nhau như thế nào, đã đủ để ngăn chặn các sai lầm của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là ngăn chặn hiện tượng cấu kết, bao che các hành vi tham nhũng và vi phạm quyền con người của các cơ quan và cá nhân được trao quyền lực không? Thứ ba, hệ thống tư pháp đã đủ vô tư và khách quan trong việc xét xử mọi cá nhân có quyền lực, bất kể ở cương vị gì, kể cả có chức vụ Đảng cao nhất hay không?
Cuối cùng, cũng cần trả lời câu hỏi: trong xây dựng NNPQ XHCN gần 30 năm qua (tính từ khi Đảng ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23-1-1995 Hội nghị Trung ương 8 khóa VII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính”), vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào? Đảng cần làm gì để không ngăn cản mà ngược lại là nhân tố dẫn dắt, thúc đẩy, hoàn thiện NNPQ?
Thực tiễn cho thấy như sau:
1. Mức độ hoàn thiện pháp luật vì quyền con người
Phải khẳng định từ sau khi ban hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), tiếp theo là Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có bước chuyển biến về chất. Nhà nước Việt Nam đã ban hành và sửa đổi, bổ sung hàng loạt đạo luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các công ước và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết. Quan trọng nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Lao động, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Công ty, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng...
Các chương trình cải cách tổng thể nền hành chính (bao gồm các mặt thể chế, bộ máy, công chức, tài chính, công nghệ) trong mấy chục năm qua đã giúp cho mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân chuyển biến theo hướng Nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển nhiều hơn.
Quốc hội đã ban hành và sửa đổi nhiều luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, tới công chức, viên chức với những quy định về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, những điều không được làm. Trong đó, phải kể đến Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng. Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các bộ, UBND các tỉnh đã rà soát, sửa đổi, loại bỏ nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và người dân.
Những đổi mới về mặt thể chế như trên đã đem lại kết quả thực tế, được quốc tế ghi nhận, được doanh nghiệp và người dân trong nước hoan nghênh. Trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam đã được thăng hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường đầu tư, về đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử. Thí dụ:
- Xếp thứ 70 về Môi trường kinh doanh, tăng 20 bậc so với năm 2015 (theo công bố của Ngân hàng Thế giới - WB, năm 2019);
- Xếp thứ 67 về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, tăng 10 bậc so với năm 2018 (theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2019);
- Xếp thứ 63 về Năng lực cạnh tranh du lịch, tăng 12 bậc so với năm 2015 (theo công bố của WEF, năm 2019);
- Xếp thứ 39 về Hiệu quả logistics, tăng 25 bậc so với năm 2016 (theo công bố của WB, năm 2018);
- Xếp thứ 42 về Đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 17 bậc so với năm 2016 (theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2020);
- Xếp thứ 86 về Chính phủ điện tử, tăng 3 bậc so với năm 2016 (theo công bố của Liên hợp quốc, năm 2020);
- Xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020;
- Chỉ số phát triển con người (HDI) tiếp tục được cải thiện, đạt 0,704 điểm, xếp thứ 117/189 quốc gia, bước đầu vào hạng cao của thế giới.
Bảng xếp hạng địa phương theo chỉ số PAPI (chỉ số quản trị công cấp tỉnh), PAR Index (chỉ số cải cách hành chính), SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân với hệ thống hành chính) cũng cho thấy sự tiến bộ của các tỉnh, thành phố trong 10 năm qua.
2. Sự phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhằm ngăn ngừa các quyết định sai lầm, hành vi tham nhũng, vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của người dân từ phía các cơ quan và người có quyền hạn, chức vụ trong bộ máy nhà nước
Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán, Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng và các nghị định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các bộ và cơ quan của Chính phủ đã quy định cụ thể và rõ hơn về thẩm quyền của bộ máy nhà nước nói chung, thẩm quyền và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Quốc hội các khóa gần đây đã thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất như Hiến pháp quy định. Thông qua các hoạt động chất vấn tại kỳ họp, các đoàn giám sát, các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan Chính phủ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình và nghị quyết của Quốc hội. Qua đó đã phát hiện nhiều hạn chế, khuyết điểm và đưa ra các yêu cầu để Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bộ máy, thể chế.
Sau Hiến pháp năm 1992, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Kế toán, Luật Chứng khoán, Luật giá... và rất nhiều luật khác đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung. Một mặt, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường, mặt khác quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý để kiểm tra, giám sát, khởi tố, truy tố các vụ việc sai phạm của cá nhân và tổ chức, kể cả của công chức trong bộ máy nhà nước.
Hằng năm, các cơ quan kiểm toán, thanh tra nhà nước đã phát hiện nhiều sai sót trong quản lý tài chính, tài sản công và đưa ra các báo cáo, kiến nghị để các cơ quan, bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước kịp thời khắc phục. Những trường hợp sai phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự đã được chuyển cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật. Điển hình là các vụ việc sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng Công ty Gang thép Thái Nguyên, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương... Trong đó có những cán bộ cấp cao bị điều tra, truy tố.
Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hằng năm, Bộ Tư pháp, sở tư pháp các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố loại bỏ nhiều văn bản trái hoặc không đúng thẩm quyền, chồng chéo, mâu thuẫn nhau, giúp cho cải cách hành chính đạt được nhiều tiến bộ, giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
3. Hệ thống tư pháp trong bảo vệ công lý và đấu tranh với tội phạm
Việt Nam đã tiến hành cải cách tư pháp và đạt được tiến bộ đáng kể trong tổ chức hệ thống tòa án, trong quy trình tố tụng, tổ chức phiên tòa theo hướng công khai, dân chủ, độc lập hơn.
Các phiên tòa xét xử các vụ vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ án tham nhũng của cá nhân có chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước, kể cả dân sự và lực lượng vũ trang trong 10 năm gần đây đã được xã hội đánh giá cao. Các phiên tòa được tổ chức đúng luật, công khai, dân chủ, đưa ra các bản án khách quan, chính xác, các bị cáo tâm phục, khẩu phục.
Nhiều vụ việc người bị kết án oan, sai sau nhiều năm đã được các tòa án xem xét, minh oan, xin lỗi và bồi thường công khai. Thí dụ: ngày 13-1-2021, tại UBND xã Liên Trạch, Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức buổi công khai xin lỗi, cải chính đối với 5 người bị kết án oan sai trong vụ án xảy ra cách đây 34 năm(3). Sáng 24-3-2021, Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức xin lỗi anh Bùi Minh Lý, sinh năm 1989, nguyên Bí thư Chi đoàn ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, tại trụ sở UBND xã Đông Thạnh - nơi gia đình anh Lý sinh sống, trước sự chứng kiến của chính quyền và người dân địa phương(4)...
Những sự việc đó cho thấy, hệ thống tư pháp đang ngày càng thực hiện đúng quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật trong bảo vệ công lý, đấu tranh với tội phạm theo phương châm kịp thời, nghiêm minh, không để sót tội phạm, không để ai oan, sai và thực hiện nguyên tắc phổ biến của nền tư pháp tiến bộ là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
4. Vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Có được những kết quả tích cực nêu trên, phải khẳng định là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng. Bằng đường lối, chủ trương, chính sách thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội Đảng, của Trung ương, Bộ Chính trị; bằng sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Ban Cán sự đảng các bộ, ban, ngành... và các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan đó, công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp có nhiều tiến bộ, thể hiện rõ hơn tính pháp quyền của Nhà nước.
Trái với những hoài nghi về sự bao che của Đảng, sự thiếu triệt để hoặc không dám xử lý các vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao trong Đảng, từ khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng chuyển sang trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp Tổng Bí thư đứng đầu, công tác đấu tranh chống tham nhũng chuyển sang một giai đoạn mới, khoa học hơn, bài bản, kiên quyết hơn. Nhờ đó, một loạt các vụ án có cán bộ cấp cao dính líu tham nhũng được đưa vào diện trọng điểm, bị đưa ra xét xử.
Bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII (tháng 12-2018), sau khi điểm lại việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”(5).
Những tiến bộ đáng kể trong thực tiễn xây dựng NNPQ XHCN ở nước ta cho phép khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có khả năng lãnh đạo xây dựng NNPQ theo các chuẩn mực quốc tế. Bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra là: Phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng NNPQ và xây dựng Đảng, giữa xây dựng và thi hành pháp luật với xây dựng và thi hành Điều lệ, quy định của Đảng. Thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, tuân thủ các quy định và kỷ luật của Đảng không hề ngăn cản mà ngược lại, giúp cho xây dựng NNPQ đạt kết quả.
Khác với nhiều nước đa đảng, ở Việt Nam, trong điều kiện một đảng lãnh đạo và cầm quyền thì phương thức phát triển của NNPQ ở Việt Nam không thể là tự phát mà là tự giác, nghĩa là có mục tiêu, kế hoạch, biện pháp ... được Đảng cân nhắc, tính toán phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đề án đã được soạn thảo và đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương để hoàn chỉnh.
Để hoàn chỉnh và thực hiện thành công Chiến lược này, Đảng đã, đang và cần tiếp tục lãnh đạo trên các mặt sau:
Một là, lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận về NNPQ XHCN
Trước hết phải làm cho toàn Đảng thông suốt nhận thức về NNPQ, thừa nhận vai trò tối cao của Hiến pháp, pháp luật trong mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt đối với cơ quan nhà nước và tổ chức đảng.
Vấn đề NNPQ liên quan chặt chẽ với vấn đề dân chủ, vấn đề quyền con người, phải được giải quyết trên quan điểm coi dân chủ, quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực xây dựng NNPQ. Không thể nói tới NNPQ mà không nói tới dân chủ và quyền con người. Ngược lại, không thể nói dân chủ, quyền con người mà không có NNPQ. Đó là một tổng thể, một phức hợp các vấn đề cần được giải quyết đồng bộ. Vì vậy, Đảng cần lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng để có nhận thức chung về tầm quan trọng, sự cần thiết của NNPQ trong xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN như Cương lĩnh của Đảng đã vạch ra.
Đảng lãnh đạo công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về NNPQ với tinh thần trọng thị, lắng nghe ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả những ý kiến “khó nghe”, “khó chịu”. Phải có nhiều diễn đàn thảo luận, nhiều cuộc tranh luận cởi mở, không thành kiến nhưng cũng không xuôi chiều.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục và bồi dưỡng ý thức thượng tôn pháp luật, kỹ năng lãnh đạo, quản lý phù hợp với nguyên tắc của NNPQ cho đội ngũ cán bộ trung, cao cấp của hệ thống chính trị.
Hai là, lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Xây dựng, hoàn thiện NNPQ là quá trình vừa có tính khoa học, vừa có tính chính trị; vừa tuân theo yêu cầu khách quan của phát triển xã hội loài người, vừa tuân theo ý chí chủ quan của lực lượng cầm quyền ở mỗi quốc gia. Song, tính khoa học, yêu cầu khách quan phải được coi là tính thứ nhất, vì có như vậy xã hội mới ngày càng tiến bộ. Có một số vấn đề cần được giải quyết là:
- Thể chế hóa về mặt pháp lý trách nhiệm chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền. Phải định rõ hình thức trách nhiệm chính trị là gì để có thể thực hiện được trong thực tế, chứ không dừng lại ở khẩu hiệu.
Ở Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng vừa thông qua tập thể cấp ủy, vừa thông qua cá nhân. Việc cá thể hóa trong xử lý trách nhiệm hành chính hoặc hình sự như lâu nay là hướng đúng trong xây dựng NNPQ. Đối với tập thể, cần pháp lý hóa, cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm chính trị của cấp ủy đảng trước nhân dân địa phương. Ví dụ, cân nhắc tới phương án quy định HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm đối với tập thể ban chấp hành đảng bộ tỉnh, hoặc với ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy về công tác lãnh đạo? Trong trường hợp uy tín thấp thì tập thể cấp ủy phải bị một hình thức trách nhiệm nhất định, thậm chí bị cấp ủy cấp trên giải tán để bầu cấp ủy mới.
- Cụ thể hóa hơn nữa mối quan hệ “phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Việc kiểm soát của Quốc hội với Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân thì đã rõ về mặt lý luận và đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Song, sự kiểm soát của Chính phủ với Quốc hội và sự kiểm soát của Tòa án, Viện Kiểm sát đối với Chính phủ và Quốc hội như thế nào thì chưa rõ về lý luận, càng chưa rõ về pháp lý.
Từ thực tiễn, đã đến lúc phải khẳng định rằng, dù không có quyền lực ngang bằng, song Chính phủ cũng phải có quyền hạn nhất định đối với Quốc hội. Quyền hạn đó phải đủ để ngăn ngừa những sai lầm có thể có trong các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, trong các đạo luật mà Quốc hội thông qua. Chẳng hạn, có thể quy định nếu đa số các thành viên Chính phủ bỏ phiếu không đồng ý với toàn bộ hay một phần của luật hoặc nghị quyết được Quốc hội thông qua thì Quốc hội phải xem xét, sửa đổi và bỏ phiếu lại đối với luật hoặc nghị quyết đó. Điều này rất cần thiết vì Quốc hội Việt Nam là Quốc hội một viện, số đại biểu không chuyên trách chiếm tỷ trọng cao, trong đó, có nhiều người là cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương nên đã từng thông qua những đạo luật thiếu tính khả thi, không sát với thực tiễn, chưa đủ tầm nhìn thời gian nên sớm phải sửa đổi, thay thế.
Ba là, lãnh đạo công tác tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện quản lý xã hội theo pháp luật
Việc tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện quản lý xã hội theo pháp luật trước hết và chủ yếu là chức năng của hệ thống hành pháp, bao gồm Chính phủ, UBND các cấp. Thực tế những năm gần đây cho thấy, các vi phạm pháp luật ở một số bộ, UBND tỉnh, thành phố cũng chính là sai phạm của các Ban Cán sự đảng, các cấp ủy viên Ban Cán sự đảng của UBND và cấp ủy các sở, ban ngành trực thuộc UBND. Điều này đặt ra câu hỏi cần tăng cường lãnh đạo tổ chức thi hành pháp luật, quản lý xã hội theo pháp luật như thế nào?
Kinh nghiệm cho thấy, về mặt Đảng, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, uốn nắn của cấp ủy cấp trên với Ban Cán sự đảng UBND cấp dưới và cấp ủy các cơ quan trực thuộc UBND. Về mặt chính quyền, đó là tăng cường sự kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn của người đứng đầu cơ quan hành pháp cấp trên với người đứng đầu cơ quan hành pháp cấp dưới (ví dụ của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ với Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thi hành pháp luật tại địa phương.
Bốn là, lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, công tác truy tố, xét xử và cải cách tư pháp
Bên cạnh những thành tích đạt được, hệ thống các cơ quan thanh tra còn không ít những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thậm chí là vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chức trách, quyền hạn của mình. Nhiều kết luận thanh tra chưa thực sự khách quan, khiến đối tượng chưa “tâm phục, khẩu phục”. Không hiếm hiện tượng cán bộ thanh tra lợi dụng quyền hạn nhận hối lộ.
Để xây dựng, hoàn thiện NNPQ, thì hoạt động kiểm tra, thanh tra từ Trung ương đến địa phương phải được chấn chỉnh và tăng cường theo tinh thần quyết liệt như Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban kiểm tra Trung ương đã và đang thực hiện.
Cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tòa án, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án, tránh sự can thiệp dưới danh nghĩa, hoặc lợi dụng danh nghĩa cấp ủy đảng vào hoạt động xét xử của tòa án nói chung, của các thẩm phán và hội thẩm nhân dân nói riêng.
Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định về những điều đảng viên không được làm, trong đó có những điều liên quan tới những hành vi can thiệp trong lĩnh vực tư pháp. Các cấp ủy đảng, Ban cán sự đảng tại các cơ quan tư pháp phải thực hiện nghiêm túc những quy định đó.
Như vậy, trái với những hoài nghi hoặc phủ nhận, việc xây dựng NNPQ theo các chuẩn mực quốc tế đã và đang được thực hiện ở Việt Nam với những kết quả rất đáng ghi nhận. Quá trình và những kết quả đó gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những kết quả từ thực tiễn cho phép tin tưởng rằng, trong điều kiện một Đảng Cộng sản lãnh đạo, Việt Nam có thể xây dựng được NNPQ vì Đảng Cộng sản Việt Nam, với bản chất giai cấp công nhân và dân tộc, với tư duy khoa học, cách mạng và nhân văn, với bản lĩnh hơn 90 năm lãnh đạo đất nước giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, vượt qua nhiều hoàn cảnh khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, đã và sẽ tiếp tục chứng tỏ Đảng không có lợi ích riêng nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam, và dù khó khăn thế nào, vẫn có thể lãnh đạo xây dựng thành công NNPQ XHCN ở Việt Nam.
_________________
PGS, TS VŨ HOÀNG CÔNG
Viện Chính trị học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử 22/8/2022
(1) Xem Konrad-Adenauer-Sfiftung: Nhà nước pháp quyền, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
(2) https://worldjusticeproject.org/sites/default/files/documents/WJP-INDEX-21.pdf
(3) Báo Lao động điện tử, ngày 13-11-2021.
(4) Báo Pháp luật điện tử ngày, ngày 24-3-2021.
(5) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 27-12-2018.