(baovenentang.org.vn). Kể từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành đối tượng chống phá của giai cấp tư sản và các thế lực phản động bởi học thuyết ấy công khai tuyên bố sẽ xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thiết lập một xã hội thật sự tốt đẹp vì con người, cho con người. Một trong những thủ đoạn hiểm ác nhất mà kẻ thù tư tưởng đã sử dụng là nhân danh khoa học, nhân danh lịch sử để chứng minh chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội là không tưởng và chủ nghĩa tư bản là chế độ xã hội cuối cùng trong lịch sử. Trên cơ sở khoa học và chứng cứ lịch sử xác thực, bài viết vạch rõ tính chất vô căn cứ của các luận điệu trên và khẳng định, lý luận Mác - Lênin là học thuyết khoa học, cách mạng và chủ nghĩa xã hội là tương lai của nhân loại.
1. Tháng 2-1848, nhân loại được chứng kiến một sự kiện mang tầm vóc thời đại mà giá trị, tầm ảnh hưởng của nó vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố. Nhờ “đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã nêu ra”(1), Tuyên ngôn nhanh chóng được du nhập vào phong trào công nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới, chủ nghĩa Mác từ một “bóng ma” trở thành một thế lực thách thức tất cả các thế lực phản động lúc bấy giờ.
Kể từ ngày đó, chủ nghĩa Mác đã chịu sự phản kích điên cuồng của các nhà tư tưởng tư sản và các thế lực phản động đủ mọi màu sắc, với vô vàn mưu toan thâm độc, hèn hạ nhằm hạ bệ, phủ nhận học thuyết khoa học và cách mạng ấy. Lý do cơ bản bởi chủ nghĩa Mác công khai tuyên bố sẽ xóa bỏ triệt để nguồn gốc sản sinh nạn người áp bức, bóc lột người, thiết lập một chế độ xã hội thật sự tốt đẹp cho tất cả mọi người, để con người tồn tại xứng đáng như là đóa hoa vĩ đại nhất của vũ trụ. Lý do đó đã được V.I.Lênin khẳng định khi cho rằng: “Toàn bộ khoa học quan phương và của phái tự do, đều bênh vực bằng cách này hay cách khác, chế độ nô lệ làm thuê, còn chủ nghĩa Mác thì tuyên chiến quyết liệt với chế độ ấy”(2). Mục tiêu cao cả và nhân đạo ấy đã được tuyên bố trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(3).
Sự chống phá chủ nghĩa Mác càng quyết liệt, điên cuồng hơn, nhất là sau sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu. Với bộ máy truyền thông khổng lồ cộng với lợi thế tạm thời của mình, các chính trị gia, tư tưởng gia tư sản mưu toan gắn thất bại tạm thời của CNXH hiện thực cho chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo họ, chủ nghĩa Mác - Lênin phải chịu trách nhiệm trước khủng hoảng của CNXH hiện thưc và sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu là minh chứng cho sai lầm, ảo tưởng của học thuyết đó, bởi nó được xây dựng trên cơ sở những ảo tưởng không thể hiện thực hóa. Vậy, thực chất của vấn đề này là gì?
Như đã biết, trong lâu đài chủ nghĩa Mác có ba phát kiến vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thăng dư và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Trên thực tế, đó cũng là ba trọng điểm để các thế lực phản động chống phá, phủ nhận một cách quyết liệt nhất.
Về phát kiến thứ nhất, các nhà tư tưởng tư sản cho rằng, lịch sử sẽ kết thúc ở CNTB mà đáng lưu ý nhất là, vào đêm trước của sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô, một nhà nghiên cứu tư sản là Francis Fuykyama đã tuyên bố: “Lịch sử cáo chung”. Ngoài ra, đủ loại luận điệu tư sản cũng đồng thanh lên án chủ nghĩa Mác - Lênin là cực đoan, toàn trị, “say sưa bạo lực”, thậm chí đã xếp chủ nghĩa Mác - Lênin cùng loại với chủ nghĩa phátxít.
Về phát kiến thứ hai, các nhà tư tưởng tư sản không chỉ phủ nhận nguồn gốc sự giàu có của giai cấp tư sản là do bóc lột giá trị thặng dư của người lao động, mà còn khẳng định, việc xóa bỏ chế độ tư hữu là ý tưởng điên rồ, không tưởng.
Về phát kiến thứ ba, người ta phản đối chủ nghĩa Mác - Lênin bởi theo họ, công nhân là người thấp kém, học vấn thấp, không thể lãnh đạo xã hội, chỉ là cộng đồng người “nên an phận” đi theo người tài giỏi.
Vấn đề cần giải quyết ở đây là, liệu chủ nghĩa Mác - Lênin có phải là không tưởng và “lịch sử đã cáo chung”?
2. Để làm rõ ba vấn đề trên, không thể không trở về những luận điểm gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Về vấn đề thứ nhất, các nhà tư tưởng, chính khách tư sản và những người ủng hộ thường hay viện dẫn một số luận điểm trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, rằng “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử của đấu tranh giai cấp”(4); rằng với tư cách là giai cấp thống trị, giai cấp vô sản “dùng bạo lực để tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp”(5) để quy kết cho chủ nghĩa Mác - Lênin “sùng bái bạo lực”.
Bác bỏ các luận điệu đó, hãy xem C.Mác nói về bạo lực mà Ph.Ănghen nhắc lại trong tác phẩm Chống Đuyrinh sẽ rõ. “theo Mác, bạo lực còn là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới; bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức chính trị đã hóa đá và chết cứng”(6). Luận điểm trên đây có hai ý rất rõ ràng. Một là, bạo lực có vai trò làm cho cuộc sinh nở an toàn và đỡ đau đớn hơn; hai là, nó là tất yếu khách quan cho mọi xã hội để mở đường cho sự phát triển. Tư tưởng trên đây được V.I.Lênin nhắc lại một cách rành mạch khi đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng. Để tránh hiểu nhầm và bị xuyên tạc, Người còn nhắc: “Cái chủ yếu trong học thuyết của Mác là đấu tranh giai cấp. Người ta vẫn hay nói và viết như thế. Nhưng điều đó không đúng. Sự không đúng ấy thường đưa đến những xuyên tạc chủ nghĩa Mác theo lối cơ hội chủ nghĩa... Đóng khung chủ nghĩa Mác trong thuyết đấu tranh giai cấp là cắt xén, là xuyên tạc chủ nghĩa Mác”(7).
Về phương diện lịch sử, điều phải khảo nghiệm là, lịch sử đã diễn ra như thế nào, có đấu tranh giai cấp không và đấu tranh giai cấp có sử dụng bạo lực không? Vấn đề này, thời C.Mác, không ai khác, các nhà sử học tư sản đã phát hiện. C.Mác đã nhắc lại vào năm 1852 rằng: “tôi không có công lao đã phát hiện ra sự tồn tại của các giai cấp trong xã hội hiện đại, cũng không phải có công lao là đã phát hiện ra cuộc đấu tranh giữa các giai cấp với nhau. Các nhà sử học tư sản trước tôi rất lâu đã trình bày sự phát triển lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó”(8). Kể từ khi C.Mác mất đến nay, lịch sử nhân loại cho ta thấy, ngoài hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc do giai cấp tư sản phát động giết chết hàng chục triệu người đã diễn ra hàng trăm cuộc chiến tranh khác. Chỉ tính riêng trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI đã xảy ra hơn 20 cuộc xung đột lớn. Đó là chưa kể đến nạn khủng bố quốc tế hiện là một vấn nạn toàn cầu.
Có thể nói, không ai khác, giai cấp tư sản phải chịu trách nhiệm về thực trạng trên. Hiện đại, tinh vi và cũng thâm độc hơn, không chỉ sử dụng bạo lực quân sự, giai cấp tư sản còn sử dụng nhiều hình thức bạo lực khác để bảo vệ lợi ích của mình và quốc gia do họ đại diện. Một sự thật không thể bác bỏ, ngay trong lòng nước Mỹ - quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, được mệnh danh là dân chủ, an toàn nhất - bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên. Ở đó, bình quân có khoảng gần 1.000 vụ xả súng mỗi năm và Mỹ là quốc gia có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới, có lực lượng quân sự khổng lồ nhất thế giới. Đến đây câu hỏi ai sùng bái bạo lực đã được trả lời.
Khía cạnh thứ hai trong vấn đề thứ nhất cũng cần làm rõ là, liệu “lịch sử đã cáo chung”? Sự thật lịch sử nhân loại cho thấy, các chế độ xã hội lạc hậu lần lượt sụp đổ để cho ra đời chế độ xã hội tiến bộ hơn. Sự ra đời của chế độ xã hội mới là tất yếu mà không phụ thuộc vào khát vọng của giai cấp thống trị. Do đó, một khi giai cấp thống trị không còn đại diện cho tiến bộ xã hội, trở thành lực cản của phát triển thì sớm hay muộn, nhanh hay chậm sẽ sụp đổ và đương nhiên, CNTB cũng không thể là ngoại lệ.
Hãy xem CNTB hiện nay như thế nào? Rõ ràng, hiện CNTB đang tạm thời có lợi thế và khách quan phải thừa nhận, trong khoảng 500 năm qua, bản thân nó đã có vai trò to lớn trong quá trình thúc đẩy lịch sử phát triển theo hướng tiến bộ. Về vấn đề này, C.Mác và Ph.Ănghen đã có đánh giá đúng mức vào thời điểm gần 200 năm trước: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(9).
Trong thế giới ngày nay, vấn đề này cũng đã được đề cập trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó đã nhận định: “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế phát triển cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”(10).
Tuy nhiên, hiện tượng không thể che lấp bản chất, dù nó được tô vẽ, thổi phồng bằng nhiều cách. Bên cạnh hào quang, nhiều khoảng tối trong lòng CNTB vẫn được phát lộ. Bản chất của CNTB hiện đại bộc lộ những sự thật sau đây:
Một là, xã hội tư bản ngày nay đã vượt qua trình độ lao động tất yếu, chứng tỏ năng lực của con người đã được nâng cao đáng kể và so với thời kỳ C.Mác, nhưng nghịch lý là, vẫn có hàng trăm triệu người nghèo cùng cực. Ngay trong lòng nước Mỹ hiện con số đó đã gần 40 triệu người. Sự phân hóa xã hội trong lòng CNTB đã đến mức phân chia loài người thành hai nhóm: 1% và 99%. Thử hỏi đó có phải là một xã hội tốt đẹp và ai là nguyên nhân duy trì và làm gia tăng tình trạng đó.
Hai là, xã hội tiêu thụ mà kinh tế thị trường TBCN đã tạo ra một hệ lụy là tạo ra một sự lãng phí khủng khiếp chưa từng thấy ở quy mô toàn cầu. Thêm nữa, việc tạo ra của cải vật chất theo kiểu thị trường TBCN suy cho cùng làm gia tăng việc tước đoạt tự nhiên, làm cạn kiệt tài nguyên và tất nhiên thúc đẩy quá trình biến đổi tự nhiên theo hướng rất tiêu cực. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu hiện là một vấn nạn toàn cầu và điều này chưa xuất hiện trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Vậy, sự giàu có của giai cấp tư sản hiện nay có quan hệ gì với thực trạng đó và ai phải chịu trách nhiệm?
Ba là, chiến tranh, xung đột xã hội, nạn khủng bố toàn cầu ngày càng nghiêm trọng cho dù chế độ XHCN ở Liên Xô, các nước Đông Âu đã sụp đổ. Thống kê cho thấy, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi hệ thống các nước XHCN đang tồn tại chỉ có hai cuộc chiến tranh lớn mà Mỹ phát động là chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam còn từ năm 1991 đến nay đã có hàng chục cuộc chiến tranh, xung đột. Vậy, CNTB có đại diện cho hòa bình không?
Bốn là, một số thế lực ở phương Tây thường xuyên kêu gọi thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và vẫn thường sử dụng công cụ này để chống các quốc gia khác. Tuy nhiên, nhân loại thấy gì sau các cuộc cách mạng màu? Dân chủ, thịnh vượng không thấy mà chỉ thấy xung đột, đói nghèo...
Qua một số khía cạnh trên có thể khẳng định, CNTB không thể tự khắc phục những khuyết tật của mình và vì vậy, nó không phải và không thể là chế độ xã hội cuối cùng trong lịch sử.
Về vấn đề thứ hai: các thế lực chống đối cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là học thuyết không tưởng, bởi C.Mác chủ trương xóa bỏ chế độ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu. Theo họ, con người sinh ra vốn tham lam, ích kỷ, vụ lợi và đó là động lực để cá nhân vươn lên trong cuộc sống, đồng thời cũng là cách để khắc phục bệnh lười biếng. Thêm nữa, trong bối cảnh mới, máy móc dần thay thế sức lao động của con người, nên nạn áp bức, bóc lột sẽ được giải quyết và nhiều lập luận tương tự.
Rõ ràng, đó là ngụy biện. Ngay trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ănghen đã đề cập đến vấn đề này. Các ông cho rằng, cần phải phân biệt sở hữu cá nhân và chế độ tư hữu. Những người cộng sản không xóa bỏ sở hữu cá nhân, chỉ xóa bỏ chế độ tư hữu - chế độ là nguyên nhân tạo nên họa “cừu ăn thịt người”, cá lớn nuốt cá bé. Hơn nữa, người cộng sản không xóa bỏ mọi chế độ tư hữu mà chỉ xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản, bởi các chế độ tư hữu trước đây đã bị chính giai cấp tư sản xóa bỏ....
Những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin nghiêm túc sẽ thấy rằng, lập trường thế giới quan đó là duy vật biện chứng, thực tế, xuất phát từ nền tảng vật chất và trên cơ sở phân tích vai trò của sản xuất vật chất để đi đến một kết luận khoa học là: suy cho cùng, sản xuất vật chất là nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội. Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Anh của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1888, Ph.Ănghen nhắc lại rằng: trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi, cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định, đã cấu thành cơ sở chính trị của thời đại và lịch sử của sự phát triển của trí tuệ của thời đại, cái cơ sở mà chỉ có xuất phát từ đó mới cắt nghĩa được lịch sử đó. Chính sản xuất vật chất sẽ là nhân tố quyết định mọi quan hệ xã hội, kể cả các quan hệ về pháp lý, chính trị, đạo đức, tôn giáo..., là nhân tố quyết định sự thắng lợi của các chế độ xã hội. Chủ nghĩa cộng sản mà CNXH là giai đoạn thấp là sản phẩm của sự phát triển ở trình độ cao của lực lượng sản xuất. Do đó, nó có thể xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản với những hệ lụy của nó và thiết lập một chế độ thật sự vì con người, cho con người.
Một trong những phát kiến vĩ đại của C.Mác là đã phát hiện ra bí mật của sự giàu có của giai cấp tư sản. Tước đoạt người lao động bằng mọi cách sẽ làm xuất hiện xã hội mà sự phân hóa hai đầu ngày càng khốc liệt, không thể kiểm soát và là nguyên nhân tích tụ xung đột giai cấp, xung đột xã hội, phá vỡ trật tự tư bản chủ nghĩa. Đành rằng máy móc giúp nâng cao năng suất lao động và thay thế một số hoạt động của con người, song suy cho cùng, máy móc dù hiện đại đến mấy vẫn là kết quả của hoạt động của con người, do con người tạo ra. Do vậy, việc lẩn trốn nguyên nhân thật sự của sự giàu có tư sản theo những lập luận nêu trên hoàn toàn là ngụy biện.
Về vấn đề thứ ba: các chính trị gia, nhà tư tưởng gia tư sản và những người ủng hộ họ phê phán việc chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới, thông qua chính đảng cách mạng của mình để tập hợp, tổ chức người lao động tiến hành cách mạng xóa bỏ CNTB, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản. Theo họ, công nhân là người ít học, thiếu hiểu biết, nên không thể là giai cấp lãnh đạo; nếu có, họ chỉ là những người tham gia phá hủy còn kiến tạo thì không thể.
Về vấn đề này, chính những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã có những luận chứng đầy sức thuyết phục. Trên cơ sở phân tích những điều kiện khách quan và vai trò của nhân tố chủ quan quy định địa vị lịch sử của giai cấp công nhân, các ông đã đi đến kết luận khoa học đó. Đó không chỉ là kết quả của việc nghiên cứu lý luận, mà còn là kết tinh những trải nghiệm trực tiếp khi thâm nhập vào cuộc sống của người lao động.
Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trong bối cảnh xã hội hiện đại vẫn được thực tiễn chứng minh là đúng đắn. Trong các giai tầng xã hội, giai cấp công nhân vẫn là giai cấp có địa vị về kinh tế - kỹ thuật, chính trị - xã hội và tư tưởng - văn hóa cao nhất. Với tư cách là sản phẩm đồng thời là chủ thể của nền đại công nghiệp hiện đại, họ không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng và có cơ cấu ngày càng hiện đại.
Nếu như ở thời đại của C.Mác, công nhân mới chỉ có khoảng 10 triệu người, chủ yếu ở khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, thì nay đã có gần 2 tỷ người ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, trình độ, cơ cấu giai cấp công nhân thay đổi rất nhanh chóng. Đơn cử, ở nhóm G7, công nhân ở khu vực xây dựng và chế tạo chỉ khoảng 30%, số còn lại làm việc trong lĩnh vực dịch vụ khoa học, công nghệ cao, trong khi nông dân chỉ còn khoảng 2 - 7%, thực chất đã thành công nhân nông nghiệp.
Điều này cho thấy, dự báo của C.Mác sẽ đến một ngày khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và dự báo của Ph.Ănghen về sự xuất hiện của đội ngũ công nhân trí thức là đúng đắn. Ngay ở Việt Nam, từ ngày đổi mới đến nay, từ chỗ chỉ có hơn 2 triệu công nhân, nay đã có trên 15 triệu người. Không những thế, chất lượng và cơ cấu cũng thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại.
Những phân tích trên cho thấy, các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là ảo tưởng, tư biện, mà có căn cứ thực tiễn xác đáng. Do vậy, việc quy chủ nghĩa ấy về phạm trù không tưởng là sự vu khống thô thiển nhằm hạ thấp sức hấp dẫn của nó để mê hoặc một bộ phận quần chúng lao động thiếu thông tin và suy cho cùng để bảo vệ trật tự TBCN cho dù trật tự ấy càng ngày càng mất tính tất yếu để tồn tại.
3. Vấn đề đặt ra là, tương lai của nhân loại như thế nào và tại sao nhiều quốc gia lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?
Những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã khái quát, đường đi của lịch sử là dích dắc, thậm chí có những bước thụt lùi, song cái tất yếu sẽ tự vạch đường đi cho mình. Mặc dù là một nấc thang phát triển rất cao trong lịch sử nhân loại, song CNTB vẫn chứa đựng những khuyết tật mà bản thân nó không thể tự giải quyết. Chế độ xã hội ấy không thể và không phải là chế độ xã hội cuối cùng trong lịch sử. Cho dù đang gặp khó khăn, khủng hoảng nghiêm trọng sau sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, song CNXH vẫn là tương lai của nhân loại. Ngoài các căn cứ khoa học, điều này còn xuất phát từ thực tiễn của thời đại.
Xã hội hiện đại cho thấy, không phải thể chế TBCN là ưu việt. Hiện hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ theo thể chế TBCN, nhưng chỉ có một số nước phát triển. Với đại bộ phận người dân trong đó, giấc mơ phồn vinh, hạnh phúc vẫn là điều xa xỉ. Không chỉ nghèo đói về vật chất, bị đè nén về tinh thần, mà họ còn phải gánh chịu nhiều hệ lụy đau buồn khác như chiến tranh, xung đột, khủng bố và nhiều vấn nạn khác.
Điều khiến chúng ta tin tưởng vào tương lai của CNXH còn bởi, trong môi trường TBCN xuất hiện càng ngày càng nhiều những nhân tố có tính chất XHCN và những giá trị cơ bản của CNXH trở thành mục tiêu của nhiều chính trị gia, của nhiều người tiến bộ. Có thể tìm thấy điều đó không chỉ ở khu vực Âu Mỹ mà ngay cả ở những quốc gia đang phát triển. Thí dụ, chỉ 8 năm sau ngày CNXH ở Liên Xô sụp đổ, ở khu vực Mỹ Latinh đã xuất hiện một trào lưu mà những người trong cuộc tự gọi là “CNXH thế kỷ XXI”. Trào lưu ấy bản chất là gì và tương lai thế nào vẫn cần được thực tiễn thẩm định, song điều có thể rút ra là, người dân ở nhiều quốc gia không chấp nhận mô hình TBCN, bởi họ đã có thời gian đủ dài để kiểm nghiệm những mỹ từ mà các nhà tư tưởng tư sản tuyên truyền. Do đó, CNTB không phải là tương lai của nhân loại.
Các quốc gia XHCN còn lại, mặc dù chịu tổn thất to lớn sau khi CNXH ở hệ thống các quốc gia XHCN sụp đổ và nhất là bị sự phản công quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc, song đã nhanh chóng đứng dậy tiến hành cải cách, đổi mới. Công cuộc đó còn lâu dài, gian khổ, nhưng quả ngọt đã xuất hiện. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; Việt Nam đã thu được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”(11). Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đi lên CNXH từ trình độ phát triển kinh tế thấp và Cuba - quốc đảo nhỏ bé bên cạnh “sen đầm quốc tế” - vẫn hiên ngang trụ vững và đang có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển. Thực tế này cho thấy, không thể dao động lập trường chính trị, chạy theo những ảo ảnh về CNTB mà vấn đề là, cần đổi mới nhận thức về CNXH và con đường, biện pháp xây dựng CNXH trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn thì sự nghiệp xây dựng CNXH chắc chắn sẽ thành công.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 536 (tháng 10-2022)
(1), (2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.49, 49.
(3), (4), (5), (9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.628, 596, 628, 603.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Sđd, tr.259.
(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Sđd, tr.42.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.28, Sđd, tr.661.
(10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.18-19.
(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25.
PGS, TS HỒ TRỌNG HOÀI
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh