(baovenentang.org.vn). Từ người có học thức, có vị trí trong xã hội, thậm chí có lúc còn là người hùng “trượng nghĩa” theo đúng nghĩa đen, thế nhưng bước qua lằn ranh đỏ họ đã thành tội phạm. Ranh giới giữa bày tỏ chính kiến cá nhân với chống phá Đảng và Nhà nước liệu có mong manh?
Không phải đến khi doanh nhân Nguyễn Phương Hằng hay Nguyễn Lân Thắng - con cháu một dòng tộc hiếu học nổi tiếng tra tay vào còng vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, vấn đề ngôn luận cá nhân mới được nhắc đến và chú ý nhiều. Trước đó, một số cái tên như Lê Văn Dũng (Dũng Vova), Phạm Đoan Trang… cũng tương tự. Người lĩnh án, kẻ bị truy nã toàn quốc.
Khởi nguồn của những sai phạm này, phải khẳng định có sự tác động rất lớn từ mạng xã hội. Trong đó có cả bẫy “diễn biến hòa bình” rất tinh vi của các thế lực thù địch đó là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong cá nhân mỗi người.
Ranh giới giữa tự do ngôn luận và xúc phạm, phỉ báng
Sự ảo tưởng sức mạnh quyền lực mạng của doanh nhân Nguyễn Phương Hằng là một quá trình dài tung hô của một bộ phận cư dân mạng và không thể thiếu các phần tử cơ hội núp bóng cổ xúy. Hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt view, like, share trên mạng xã hội ở mỗi buổi livestream rất khó để một người bình thường có đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ, sức hút là người nổi tiếng, người hùng của xã hội. Trên thế giới ảo, họ bỗng thấy mình được trở thành một con người khác, thậm chí có thể thay đổi được trật tự thế giới theo chủ quan của họ. Nhưng ngược lại, được tâng bốc quá mức, được xem như người hùng, cảm giác “quyền lực mạng” tăng cao thì khả năng kiểm soát hành vi lại xuống thấp. Chính sức hút ghê gớm của mạng xã hội khiến không ít người mờ mắt, rẽ sai lối, bỏ qua những cảnh báo, xem thường các hình thức xử phạt hành chính, để rồi tự đẩy mình vào vòng lao lý.
Khác với doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Lân Thắng xuất thân trong dòng tộc trí thức hàng đầu ở Việt Nam, có tố chất lại được đào tạo bài bản. Thế nhưng, Nguyễn Lân Thắng đã rẽ lối đi ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc. Vốn kiến thức ấy, uy tín dòng tộc ấy lại vận dụng cho mục đích tuyên truyền sai sự thật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phỉ báng chế độ. Từ trượt dài đến lún sâu, Thắng trở thành “nghịch tử” của dòng họ Nguyễn Lân và tội đồ của dân tộc.
Ranh giới giữa bày tỏ quan điểm, chính kiến và tạo điểm nóng gây bất ổn
Nằm trong diện theo dõi của Bình Phước, tài khoản facebook N.V.B mở đầu bằng giao diện có chữ “Sống phải có quan điểm, chính kiến…”. Chủ tài khoản là một giáo viên lâu năm cũng không ngần ngại bày tỏ phương châm đấu tranh cho tự do dân chủ. Thế nhưng, xuyên suốt dòng thông tin đăng phát chủ yếu là share các bài viết chê bai đất nước, cán bộ lãnh đạo, chế độ xã hội chủ nghĩa. Khi có bất kỳ một thông tin sai phạm nào trong nước dù là rất nhỏ thì chủ tài khoản này lại chia sẻ, bình luận thiếu thiện chí. Ngay cả một văn bản gõ sai chính tả của ngành giáo dục tỉnh nhà cũng bị đối tượng trưng lên facebook kêu gọi cộng đồng tham gia bình phẩm. Một sự việc dù đơn lẻ nhưng đánh đồng cả ngành sư phạm của tỉnh, thậm chí là cả nước.
Không riêng tài khoản nêu trên, thời gian qua có không ít facebooker vô tình bị cuốn vào vòng xoáy “like”, “share” góp phần tạo điểm nóng theo “ý đồ” của các phần tử cực đoan. Có thể điểm qua những vụ việc nhỏ lẻ ở địa phương như: Vụ tai nạn xe bồn gây hỏa hoạn nghiêm trọng ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành năm 2018; các thông tin xuyên tạc liên quan đến việc xây dựng trung tâm thương mại huyện Bù Đốp; vụ việc 1 cán bộ huyện Hớn Quản phản ứng không đúng chuẩn mực tại chốt kiểm dịch Covid-19 tại thị xã Bình Long; vụ việc tự tử tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước năm 2020; vụ tụ tập căng biểu ngữ đòi giải quyết vào tỉnh trong lúc đang giãn cách xã hội ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 xã Tân Lập, huyện Đồng Phú; việc khánh thành Cụm công trình X16 trên địa bàn huyện Lộc Ninh... hay vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; hoạt động lôi kéo tham gia biểu tình, bạo loạn liên quan đến dự thảo Luật Đặc khu kinh tế, Luật An ninh mạng năm 2018...
Tạo điểm nóng gây bất ổn trong xã hội có thể nói là một thủ đoạn không mới nhưng khá tinh vi và được các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng bởi tính chất “rất đời”, “rất thực”. Từ rác thải môi trường đến tranh chấp đất đai, an sinh xã hội… chúng nhen nhóm sự ích kỷ, cá nhân trong mỗi con người để thổi bùng ngọn lửa tư lợi bất chấp lẽ phải. Mục đích cuối cùng là gây ra sự bất ổn trong xã hội.
Ranh giới giữa hoạt động dân chủ và chống phá cách mạng
Một điểm chung của những người sa lầy vào các tổ chức phản động chống phá cách mạng Việt Nam đó là danh xưng đẹp đẽ tự phong “nhà hoạt động dân chủ”. Từ danh xưng này, các đối tượng lầm đường luôn ngỡ mình là người hùng trong xã hội khi một mình đi ngược quan điểm của cả dân tộc. Không tự nhiên mà họ có cảm giác này. Bởi lẽ phía sau là cả một thế lực đang âm thầm dùng mọi chiêu thức thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trở lại với trường hợp Nguyễn Lân Thắng. Từ khi kết thân với Bùi Thanh Hiếu - một đối tượng phản động có nickname “Người Buôn Gió” vào năm 2011 và trở cờ cho đến khi bị bắt là hơn 11 năm. Từ một người đam mê viết lách, Thắng bị lôi kéo bằng sự tung hô, tâng bốc của các phần tử cơ hội chính trị. Thắng có tài nhưng đâu phải là xuất chúng, đâu phải chiêu nạp Thắng vào hàng ngũ thì chống phá mới thành công. Chính dòng tộc danh giá Nguyễn Lân, chính sức nặng uy tín mới là cái đích để các phần tử phản động ra sức lôi kéo Thắng làm quân cờ phục vụ chống phá Đảng và Nhà nước ta. Còn Nguyễn Lân Thắng cứ thế trở thành chàng Đôn-ki-hô-tê, ra sức đấu tranh trên danh nghĩa “nhà hoạt động dân chủ” đến mức được ví như mắc bệnh vĩ cuồng.
Ngay cả khi Nguyễn Lân Thắng bị bắt vì những vi phạm kéo dài, vấn đề này cũng được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tuyên truyền như một “sự kiện trọng đại”. Những người trong dòng tộc cũng bị bới móc, dò tìm tung tích cũng như theo dõi từng động thái.
Đấu tranh ngăn ngừa vượt “lằn ranh đỏ”
Từ câu chuyện thực tế của các facebooker vướng vòng lao lý hay bị xử phạt răn đe, chúng ta dễ dàng nhận ra ranh giới giữa bày tỏ quan điểm, chính kiến và tạo điểm nóng chống phá cách mạng không quá mong manh. Bởi đó là cả một quá trình dài các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để nói xấu chính quyền, xuyên tạc sai sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật. Không ai có thể đứng trên luật pháp dù ở cương vị nào. Luật pháp không cho phép bất cứ ai vu khống, bôi nhọ, mạt sát, chửi rủa người khác. Luật pháp cũng không cho phép một công dân được tự cho mình cái quyền là “quan tòa mạng” để kết tội, chửi bới cán bộ lãnh đạo, vu khống chính quyền hay hạ thấp uy tín của Đảng.
Trong các trường hợp vi phạm kéo dài buộc phải áp dụng luật pháp xử lý có người dừng lại ở việc ngộ nhận, bị lôi kéo, kích động nhưng cũng có cá nhân đã kết nạp chính thức là thành viên của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài. Đó là điều hết sức đau xót. Xử lý nghiêm để răn đe là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là đấu tranh, ngăn ngừa từ sớm, từ xa./.
Khánh Diễm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Bài đăng trên Báo Bình Phước online ngày 07/10/2022