(baovenentang.org.vn). Trong những năm qua Việt Nam đã rất nỗ lực trong các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bài viết dưới đây bước đầu đánh giá và đưa ra một số giải pháp nhằm chủ động chống lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ quyền biển đảo nói chung, về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.
Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo nói chung được đẩy mạnh và có nhiều thành tựu trong đó đáng chú ý là việc xây dựng bộ bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa. Bộ tư liệu là những văn bản, tư liệu, bản đồ đã được sao chụp, lựa chọn, nghiên cứu và trình bày có tính hệ thống đã cung cấp những thông tin căn bản về các bằng chứng lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thông qua các hoạt đông trưng bày, triển lãm trong và ngoài nước Việt Nam đã mạnh mẽ khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tuy vậy, trước những diễn biến phức tạp trên thế giới và âm mưu độc chiếm Biển Đông, đã xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc, phủ nhận các giá trị tư liệu; kích động, chống phá bằng nhiều hình thức. Đặc biệt là sử dụng nhiều luận điệu xuyên tạc vừa đưa ra các “bằng chứng lịch sử” không có giá trị để khẳng định chủ quyền vừa đưa ra luận điểm cho rằng quốc tế công nhận chủ quyền. Bên cạnh đó họ tận dụng nhiều hình thức truyền truyền khác như in hộ chiếu của du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, mũ áo có bản đồ hình lưỡi bò; thông qua hình thức quà tặng, sử dụng các bao bì sản phẩm, lịch để bàn… có in hình bản đồ lưỡi bò sai trái. Trên không gian mạng, chúng lợi dụng vấn đề Biển Đông để xuyên tạc, kích động, chống phá bằng nhiều hình thức tinh vi.
1. Tình hình, đặc điểm tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Có thể nói cho đến nay, những nghiên cứu về Biển Đông riêng tư liệu về Hoàng Sa nói chung cũng tương đối phong phú. Chỉ riêng tại Đà Nẵng, địa phương được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý quần đảo Hoàng Sa, trong những năm qua vừa thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước vừa tổ chức sưu tầm, tiếp nhận, nghiên cứu, phổ biến tư liệu liệu Hoàng Sa. Kết quả sưu tầm, nghiên cứu tạo cơ sở tư liệu, khoa học để Đà Nẵng xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa – đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, truyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Nhà trưng bày Hoàng Sa được xây dựng tại đường Hoàng Sa. Khánh thành, đón khách từ ngày 28.3.2018. Tính đến tháng 4 năm 2022, Nhà Trưng bày tiếp đón 68.020 lượt khách với 1.207 đoàn khách tham quan, tìm hiểu. Đối tượng chủ yếu đến Nhà Trưng bày là học sinh, sinh viên với 31.901 lượt, chiếm 46.90%. Đặc biệt có các đoàn khách nước ngoài đã đến Nhà Trưng bày Hoàng Sa để nghiên cứu, làm phim tư liệu như: đoàn khách đến từ Nhật Bản (06/9/2019 và 20/12/2019, Đô đốc Yamamura Hiroshi, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản); đoàn Ngân hàng chính sách tỉnh Savannaket – Lào (10/9/2019); đoàn Thư ký của Thượng Nghị sĩ Mỹ (17/4/2019); đoàn Gia đình Bà Samina Mehtab, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan tại Việt Nam; Hãng tuyền hình France 24, Pháp, Đài truyền hình Mỹ CNN, Đoàn làm phim tư liệu của ông Jean Mussy và Giáo sư Pierre Michel Viriot của Thụy Sĩ…).
Hiện nay, tài liệu về biển đảo nói chung, Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng khá phong phú. Tài liệu lịch sử trước 1945 chủ yếu là các tài liệu của Việt Nam, Trung Quốc và các tài liệu của Phương Tây. Các tài liệu giai đoạn 1945 – 1975, đặc biệt là dưới thời Việt Nam cộng hòa khá phong phú. Các tài liệu từ 1975 đến nay và thời kỳ đổi mới có hệ thống và chuyên sâu, thể hiện ở bài nghiên cứu, sách chuyên khảo, sản phẩm của đề tài nghiên cứu về biển đảo.
Về nội dung kiến thức tài liệu trong các ấn phẩm có thể kể đến các nhóm như: Các tài liệu khoa học địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội, nhân văn; Các tài liệu lịch sử về chủ quyền biển đảo; Các thông tin tư liệu về văn hóa biển; Các tài liệu về tranh chấp Biển Đông, các văn bản pháp lý…
Nghiên cứu các tài liệu về giáo dục biển đảo hiện nay, các tác giả Lê Hải Đăng, Phạm Xuân Hoàng, Viện Thông tin Khoa học xã hội cho rằng tài liệu về biển đảo hết sức phong phú, tiếp cận tuy nhiên các tác giả cũng khuyến cáo phải “cẩn thận với các tài liệu trôi nổi trên mạng, nhiều tư liệu cá nhân chưa được kiểm chứng tính xác thực, hoặc không loại trừ những thông tin, tài liệu được tung ra với ý đồ xấu”. Về nội dung kiến thức tài liệu, nhìn chung có độ tin cậy, phản ánh đúng thực trạng biển đảo Việt Nam, chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số tài liệu có nội dung xuyên tạc đặc biệt là từ phía Trung Quốc đơn phương đưa ra: “Ví dụ như tài liệu về “Đường lưỡi bò” (Đường 9 đoạn, Đường chữ U), “Tứ Sa”, v.v… Học sinh, sinh viên cần có sự khuyến cáo của các cơ quan quản lý, của các nhà khoa học, của thầy cô giáo, để các em có thể được tiếp cận các nguồn tài liệu tốt nhất và có độ tin cậy cao nhất”.
2. Giải pháp góp phần đấu tranh chống các luận điểm xuyên tạc, sai trái thù địch
2.1. Tiếp tục sưu tầm, xử lý khoa học tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa
Bộ tư liệu, bản đồ về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – chủ quyền Việt Nam là tư liệu tương đối đầy đủ, tuy vậy, nguồn tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa trong và ngoài nước vẫn tương đối nhiều. Cần tiếp tục đẩy mạnh thu thập tư liệu để làm phong phú thêm các chủ đề triển lãm. Theo thống kê chưa đầy đủ của Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng), chỉ riêng tư liệu bản đồ cổ phương Tây thể hiện quần đảo Paracel (Hoàng Sa) có có hàng trăm bản đồ và một số Atlas cổ. Hàng năm Nhà Trưng bày Hoàng Sa tiếp nhận thêm một số tư liệu bản đồ phương Tây.
Tư liệu về Hoàng Sa tại Pháp chỉ mới khai thác Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp (Archives nationales d'outre-mer) có đến hàng trăm đơn vị tư liệu. Đây là các tài liệu cơ bản quan trọng về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời thuộc địa và thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp. Sự có mặt của nhóm tài liệu này tạo ra một phông tư liệu bổ sung cần thiết cho danh sách các tài liệu khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam đang sở hữu, nhất là danh sách các tài liệu từ phía chính quyền Pháp. Các tài liệu tạo cơ sở cho việc nghiên cứu các hoạt động xác lập, củng cố chủ quyền cũng như khai thác tài nguyên tại Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cung cấp chi tiết lịch sử tranh chấp tại quần đảo này trong giai đoạn thuộc địa và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tư liệu thời Hoàng Sa trong các báo chí thời Pháp thuộc có đề cập tới Hoàng Sa cũng tương đối nhiều. Chỉ chỉ riêng báo, tạp chí tiếng Pháp 15 đầu Báo/Tạp chí và 126 số ra, 6432 trang.
Trên đây chỉ là những nguồn tư liệu đã được sử dụng một phần vào trong các thông tin tuyên truyền, còn những nguồn tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa khác nữa, đặc biệt ở các nước có mối quan hệ với Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử là Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc chưa được khai thác đầy đủ. Muốn hiểu đầy đủ, toàn diện và khoa học về Hoàng Sa, Trường Sa rõ ràng cần phải tìm kiếm thêm nhiều tư liệu trong và ngoài nước.
Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là xử lý khoa học tư liệu Hoàng Sa. Hiện nay tư liệu khá nhiều nhưng nhiều tư liệu trôi nổi, có những tư liệu không rõ nguồn gốc trôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội. Bởi vậy thu thập tư liệu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy về mặt chứng cứ pháp lý. Kịp thời xử lý, phản biện việc cắt xén, gán ghép của Trung Quốc đặc biệt là tư liệu xấu được các thế lực bên ngoài cài vào rất tinh vi. Vì thế, công tác xử lý tư liệu, xử lý bản dịch phải hết sức thận trọng để tránh những sai sót không đáng có hay thậm chí rất bất lợi trong công tác tuyên truyền.
2.2. Chủ động tuyên truyền, cung cấp tư liệu lịch sử, pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên không gian mạng
Để khắc chế đối phương tung ra nhiều tư liệu trôi nổi một mặt chúng ta có những khuyến cáo cần thiết, một mặt chủ động cung cấp thông tin chính thống bằng những nguồn tư liệu chính xác, có hệ thống.
Tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa khá nhiều và được nhiều tổ chức, cá nhân đưa lên mạng với nhiều mục đích khác nhau. Người có nhu cầu có khi chỉ cần lên mạng có thể tiếp cận, tải được nhiều tài liệu quan trọng. Vì thế việc số hóa, chuẩn hóa tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa là cần thiết trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay. Tuy vậy, đối với tư liệu Hoàng Sa cần tiến hành hết sức khoa học và hệ thống. Chọn những tư liệu Hoàng Sa đã được thẩm định bởi các cơ quan, các nhà khoa học, các hội đồng có uy tín. Giới thiệu tư liệu có tính hệ thống, logic và thường xuyên cập nhật, dẫn nguồn tư liệu rõ ràng. Đối với tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa phải xác tín nguồn tư liệu, cần dẫn nguồn từ các trung tâm lưu trữ, cơ quan đang giữ tư liệu để đảm bảo giá trị khoa học và tính chân xác của tư liệu. Hạn chế dẫn lại tư liệu tư các nguồn thứ cấp, in lại.
Từ cơ sở dữ liệu đã có, cần phải số hóa tất cả các tài liệu. Đối với các tài liệu văn bản (được tồn tại dưới dạng hình ảnh về tư liệu), nhiều tài liệu chữ có thể dễ đọc nhưng không ít văn bản đã nhòa mờ nên bên cạnh bản gốc cần đánh máy lại nguyên văn và dịch nghĩa. Việc làm này vừa giúp người xem dễ đọc nhưng quan trọng hơn là người đọc dễ tiếp cận tư liệu nhờ các công cụ tìm kiếm. Ví dụ, việc này sẽ dễ hiểu hơn khi vào mạng www.google.com đánh chữ “dụ số 10 của vua Bảo Đại” + “Hoàng Sa” chúng ta nhận thấy hình ảnh nhòe mờ của tờ dụ và không hoặc rất hiếm tìm thấy một bản đánh máy rõ ràng, đầy đủ về tờ dụ. Đối với người nghiên cứu nói chung, rất cần tiếp cận những văn bản đầy đủ để có niềm tin tư liệu có nguồn gốc rõ ràng, không bị cắt xén. Đối với các nhóm tư liệu, có thể số hóa bằng video ngắn. Ví dụ có thể làm video ngắn giới thiệu về Châu bản triều Nguyễn về Hoàng Sa.
Công nghệ số hóa không gian đã tiến một bước dài, không còn là những hình ảnh đẹp mà ngày nay những bức ảnh 360 độ có thể giúp người xem tiếp cận được toàn bộ không gian chỉ bởi những cú xuay chuột, điều hướng.
Hiện nay, công nghệ đã tiến thêm một bước, đó là số hóa không gian 3D thực tế ảo. Du khách có thể bước vào không gian trưng bày được số hóa 3D với đầy đủ thông tin. Có thể tiếp cận tư liệu, nghe thuyết minh, xem phim tư liệu đang trình chiếu trong không gian trưng bày với chất lượng tương đương bản xem trực tiếp.
Thực tế công nghệ này không phải là mới, năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng giới thiệu bản số hóa Tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa trong triển lãm tại Buôn Ma Thuật. “Phần mềm Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D bằng cách số hóa một số tư liệu có giá trị pháp lý cao, như: thư tịch, châu bản, bản đồ cổ của Việt Nam; bản đồ các nước phương Tây; bản đồ Trung Quốc;... được tích hợp và số hóa dưới dạng âm thanh, văn bản trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D, cho phép người xem được tự do đi lại và khám phá các tư liệu hiện vật trong không gian ảo như thật...”.
Có thể nói sự phát triển của công nghệ đã đưa thế giới số kết nối với thế giới vật lý. Việc sử dụng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa đến với công chúng sẽ thu được kết quả tốt nếu biết tận dụng công nghệ và nắm bắt được xu thế của thời đại. Sử dụng công nghệ trong trưng bày tư liệu không chỉ giúp mỗi người tiếp nhận được thông tin mà còn đo được các chỉ số về sự hài lòng của du khách.
2.3. Kết hợp trưng bày, triển lãm trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, thông tin, tuyên truyền
Kết hợp trưng bày, triển lãm trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, thông tin, tuyên truyền là một trong những hoạt động có chiều sâu, giá trị khoa học cao. Mối quan hệ giữa triển lãm giới thiệu tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa trong các hội thảo có có chủ đề liên quan lâu nay có thực hiện nhưng không nhiều. Việc này cần được đẩy mạnh, đặc biệt là triển lãm giới thiệu tư liệu có tính chuyên đề, đặc biệt là tư liệu mới. Một hội thảo sẽ có ý nghĩa lớn hơn khi giới thiệu thêm các tư liệu mới. Triển lãm giới thiệu tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa cũng là việc cần làm đối với các hội thảo quốc tế. Thông qua hội thảo, và thông qua các nhà khoa học quốc tế để giới thiệu tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa thực sự là chủ quyền của Việt Nam…
Bên cạnh triển lãm tư liệu các hội thảo thì hoạt động thông tin tuyên truyền kết hợp với triển lãm tư liệu cũng rất cần thiết và cần làm linh hoạt. Hình ảnh tư liệu, bản đồ hỗ trợ tốt cho công tác thông tin tuyên truyền, vừa làm phong phú hoạt động truyên truyền, vừa có ý nghĩa trực quan, trực tiếp cung cấp thông tin cho người xem.
Hoạt động tuyên truyền tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa có thể thông qua tổ chức các cuộc thi, hội thi. Các cuộc thi, hội thi không đơn thuần chỉ là nơi trình diễn những thông tin mà trước đó cần tổ chức các hoạt động phụ trợ như triển lãm tư liệu, tổ chức tìm hiểu Hoàng Sa, Trường Sa; viết bản tin, điểm sách về Hoàng Sa, Trường Sa. Viết báo tường về Hoàng Sa, Trường Sa; tổ chức tập huấn cho các báo cáo viên, các đội tham gia… thông qua các hoạt động này để lan tỏa tài liệu. Trong mỗi cuộc thi cũng sẽ được thiết kế thành nhiều nội dung phù hợp như thi về báo cáo viên hay thi theo đội nhóm…
Trong một giai đoạn khá dài và có thể còn kéo dài đó là các hoạt động tuyên truyền về biển đảo thường quá nặng về tư liệu và đấu tranh chủ quyền. Điều đó đúng nhưng chưa đủ bởi Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có vấn đề chủ quyền mà còn nhiều lĩnh vực khác, đó là kinh tế biển truyền thống, truyền thống văn hóa biển, kiểm soát an ninh, cứu hộ cứu nạn qua các thời kỳ lịch sử. Bởi vậy, hoạt động tuyên truyền về biển đảo, cần gắn với các chủ đề chủ điểm như bảo vệ môi trường sinh thái biển, tìm hiểu kiến thức lịch sử, địa lý về biển, đảo và một trong những nội dung không thể không nói đến đó là sự đồng lòng bảo vệ biển đảo trong đó có lực lượng chuyên trách và toàn thể nhân dân đặc biệt là ngư dân đang từng ngày vươn khơi bám biển.
2.4. Hướng đến chuẩn hóa kiến thức, thông tin khoa học, chia sẻ tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa
Như đã trình bày ở phần trên, tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa khá nhiều, phong phú, có thể đáp ứng cơ bản cho nhiệm vụ tuyên truyền. Trong những năm qua, các cơ quan trung ương và địa phương cũng đã xây dựng thành các bộ tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền cho tưng loại đối tượng khác nhau, như các tài liệu khoa học địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội, nhân văn về Biển Đông, về vùng biển Việt Nam; Các tài liệu lịch sử về chủ quyền biển đảo; Các thông tin tư liệu về văn hóa biển như phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Các tài liệu về tranh chấp Biển Đông, các văn bản pháp lý. Sách, ấn phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục biển đảo đến nay được xuất bản tương đối nhiều. Một số sách có nội dung “hỏi - đáp”, “tìm hiểu” về biển đảo Việt Nam (chủ yếu cung cấp kiến thức căn bản, phổ thông) cũng được xuất bản khá nhiều. Với những tư liệu, ấn phẩm đã được xuất bản là điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, tuy vậy vẫn rất cần xây dựng, hướng đến chuẩn hóa bộ tư liệu trong công tác tuyên truyền, triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa.
Đối với việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, yêu cầu chung là sàng lọc tư liệu phù hợp và phải đảm bảo các điều kiện căn bản đó là:
- Tài liệu phải có tính đại diện cho nhóm tài liệu trong cùng nhóm tài liệu, tư liệu đó. Ví dụ, hiện nay có hàng trăm tư liệu bản đồ phương Tây có đề cập đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có tên là Paracel, tuy nhiên không thể lựa chọn tất cả mà chỉ có thể lựa chọn một số bản đồ tốt nhất để đưa vào cơ sở dữ liệu chung, số còn lại có thể làm thành bảng thống kê nếu cần. Đối với tài liệu Châu Bản triều Nguyễn rất có giá trị nhưng không nhất thiết phải sử dụng hết các châu bản mà có thể lựa chọn những Châu bản tiêu biểu có nội dung phù hợp với vấn đề cần chuyển tải đến với học sinh.
- Nhóm dữ liệu phục vụ công tác tuyền truyền phải sử dụng phong phú, có bản đồ, tư liệu văn bản nhưng cũng có hình ảnh, video để tăng cường các kênh thông tin, dễ tương tác đối với học sinh. Đối với những văn bản tiếng nước ngoài, chữ Hán… cần tổ chức dịch ra tiếng Việt để học sinh dễ tiếp thu. Đối với những văn bản dài có thể tóm tắt nội dung xuất xứ và nội dung căn bản của tài liệu để tránh dàn trải.
Đối với mỗi đối tượng khác nhau, ngoài thông tin cốt lõi cần phải cung cấp thì có thể cung cấp những thông tin mở rộng đối với đối tượng lớn hơn. Ví dụ, đối với học sinh THCS thì có thể chỉ cung cấp những thông tin căn bản về tiềm năng giá trị biển đảo, tiến trình khai phá, xác lập chủ quyền; đối với học sinh THPT, sinh viên ngoài cung cấp những thông tin trên có thể cung cấp những thông tin sâu hơn nếu học sinh có hứng thú tiếp nhận như thông tin để phân biệt vùng biển được qui định trong luật quốc tế, các nghị định, chương trình quốc gia về biển đảo, trách nhiệm công dân đối với chủ quyền biển đảo….
Đa dạng nguồn dữ liệu phục vụ tuyên truyền tại chỗ và tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua phương tiện thông tin mạng. Cơ sở dữ liệu là tài nguyên có thể sử dụng linh hoạt trong công tác truyền thông giáo dục. Đảm bảo tính khoa học, logic và nguồn thông tin tư liệu phải được kiểm chứng. Tính khoa học, logic là điều đương nhiên cần có của một công trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng khi xây dựng bộ dữ liệu là phải đảm bảo tuyệt đối nguồn thông tin phải trung thực, dẫn nguồn rõ ràng. Tốt nhất là sử dụng dẫn nguồn từ tư liệu gốc. Trong trường hợp chưa tiếp cận được tư liệu gốc có thể tham khảo tư liệu thứ cấp nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn thông tin đã được kiểm chứng, xuất bản hay sử dụng bởi các cơ quan chuyên môn có uy tín.
Để phát huy giá trị tư liệu, cần tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị lưu trữ tư liệu và các cơ quan làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. Một khi xác định nhiệm vụ thông tin tuyên truyền biển đảo là nhiệm vụ chung thì việc phối hợp chia sẻ thông tin tư liệu sẽ là giải pháp hữu hiệu. Thông qua đó, tư liệu được phong phú, được xử lý liên thông và bài bản, giúp giảm tối đa các sai sót. Cập nhật tư liệu mới, nghiên cứu mới cũng như kết hợp được các thế mạnh của các trung tâm, chương trình triển lãm sẽ hoàn thiện có tính thực tiễn cao.
Thay lời kết luận
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa là bất khả xâm phạm và việc tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải được thực hiện kiên trì, liên tục. Tuy vậy, phải xác định rằng tranh chấp Biển Đông là một trong những vùng biển tranh chấp phức tạp nhất thế giới và theo dự kiến trong thời gian tới sẽ còn phức tạp hơn bởi chính sách của các nước lớn, lợi ích, chủ quyền của các nước trong khu vực. Bởi vậy, việc tuyên tuyền đấu tranh luôn phải chủ động, phải thường xuyên cập nhật tư liệu và tình hình mới, đặc biệt là tình hình trên thế giới, chính sách của các nước lớn cũng như tình hình trong khu vực. Nghiên cứu, truyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa phải đặt trong quan hệ và luật pháp quốc tế, thể hiện rõ chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam trong vấn đề biển Đông. Trên mặt trận khoa học, việc chống lại các luận điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch cũng đòi hỏi sự chung ta góp sức của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước trong đó một mặt chủ động phát hiện các hình thức, âm mưu chống phá, mặt khác phải tích cực, chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin chính thống, khoa học.
Lê Tiến Công
Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng
Bài viết đăng trên dangbodanang.vn ngày 04.11.2022